MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chán vì lãi suất tiền gửi quá thấp, dân Mỹ ‘rủ nhau’ đổ tiền vào một loại tài sản lãi cao, ‘tưởng an toàn nhưng rủi ro vẫn cận kề’

26-04-2023 - 23:59 PM | Tài chính quốc tế

Chán vì lãi suất tiền gửi quá thấp, dân Mỹ ‘rủ nhau’ đổ tiền vào một loại tài sản lãi cao, ‘tưởng an toàn nhưng rủi ro vẫn cận kề’

Nhà đầu tư nhỏ lẻ đang “gom” trái phiếu chính phủ Mỹ với tốc độ kỷ lục, khi họ đang nỗ lực tìm kiếm các kênh đầu tư thay thế có lợi nhuận hấp dẫn hơn so với việc gửi tiết kiệm.

Theo số liệu chính thức, các cá nhân thông qua tài khoản trên trang web TreasuryDirect của Bộ Tài chính đã mua số trái phiếu chính phủ Mỹ trị giá 48,4 tỷ USD mà nước này bán đấu giá vào tháng 3. Trong khi đó, nhu cầu tiếp tục tăng cao vào đầu tháng 4.

Ngoài ra, giám đốc điều hành ở các công ty môi giới cho biết nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng mua thêm trái phiếu Kho bạc trên thị trường thứ cấp, đặc biệt là sau khi một số ngân hàng khu vực đóng cửa vào tháng 3 khiến những người gửi tiết kiệm cân nhắc lại về nơi họ cất giữ tiền.

Các nhà đầu tư này mua tín phiếu Kho bạc, là loại trái phiếu ngắn hạn, đáo hạn từ vài ngày đến 1 năm sau khi phát hành và có thể có lợi suất lên đến 5% khi Fed tăng lãi suất để chống lại lạm phát.

Kathy Jones, chiến lược gia trưởng về trái phiếu tại Trung tâm Nghiên cứu tài chính của Charles Schwab, cho biết: “Nhu cầu của nhà đầu tư nhỏ lẻ với tín phiếu kho bạc đã tăng mạnh kể từ đầu năm nay, do lãi suất hấp dẫn hơn so với tiền gửi ngân hàng.”

Bà nói thêm: “Các vụ ngân hàng đóng cửa dường như đã đẩy nhanh xu hướng này khi nhiều nhà đầu tư muốn tìm kiếm lãi suất ngắn hạn.”

Hiện tại, các ngân hàng lớn như JPMorgan, Bank of America và Wells Fargo vẫn là trả mức lãi gần như bằng 0 cho tiền gửi, dù Fed đã điều chỉnh lãi suất chính thức lên khoảng 4,75% đến 5%.

Chán vì lãi suất tiền gửi quá thấp, dân Mỹ ‘rủ nhau’ đổ tiền vào một loại tài sản lãi cao, ‘tưởng an toàn nhưng rủi ro vẫn cận kề’ - Ảnh 1.

Tình trạng này đã tạo ra sự cạnh tranh đối với tiền gửi ngân hàng. Một số ngân hàng nhỏ hơn đã bắt đầu tăng lãi suất, nhưng khách hàng cũng bị thu hút bởi các kênh khác. Ví dụ, trong tuần trước, Apple cho biết họ sẽ trả lãi 4,15% cho tài khoản tiết kiệm. Cùng với đó, nhà đầu tư cũng đổ tiền vào các quỹ MMF và trái phiếu chính phủ.

Tiền gửi tại các ngân hàng Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần 2 năm vào giữa tháng 4, xuống 17,2 nghìn tỷ USD, thấp hơn khoảng 1 nghìn tỷ USD so với 1 năm trước. Trong bối cảnh đó, giá trị các giao dịch mua tín phiếu Kho bạc của nhà đầu tư cá nhân thông qua TreasuryDirect đã lập kỷ lục kể từ tháng 9, tăng lên 48,4 tỷ USD trong tháng 3 từ mức 13,4 tỷ USD cùng kỳ năm trước.

Những giao dịch như vậy thường chiếm tỷ lệ nhỏ trong nhu cầu ở các cuộc đấu giá tín phiếu Kho bạc, nhưng lại tăng lên trong những tháng gần đây. Tháng trước, nhà đầu tư cá nhân đã mua 3,7% trong số 1,3 nghìn tỷ USD tín phiếu mới được bán, tăng từ 1,1% của năm trước. Con số này cũng cao nhất kể từ tháng 7/2008. Trong tuần đầu tiên của tháng 4, nhà đầu tư cá nhân đã mua 3,8% trong số 226 tỷ USD tín phiếu được phát hành.

Nhà đầu tư nhỏ lẻ còn mua tín phiếu trên thị trường thứ cấp, thông qua các nền tảng môi giới như Interactive Brokers và Charles Schwab. Interactive Brokers không công khai dữ liệu nhưng cho biết giao dịch trái phiếu trên nền tảng của họ cao hơn khoảng 800% so với 9 tháng trước.

Chán vì lãi suất tiền gửi quá thấp, dân Mỹ ‘rủ nhau’ đổ tiền vào một loại tài sản lãi cao, ‘tưởng an toàn nhưng rủi ro vẫn cận kề’ - Ảnh 2.

Ngoài ra, nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng gián tiếp tiếp cận tín phiếu Kho bạc thông qua các quỹ MMF đầu tư vào trái phiếu chính phủ. Theo nghiên cứu ICI, giá trị trái phiếu chính phủ trong các quỹ MMF đạt mức cao chưa từng có là 5,3 nghìn tỷ USD trong tháng 4.

John Madziyire, trưởng bộ phận trái phiếu tại Vanguard, cho biết: “Dòng tiền ban đầu vào các quỹ MMF có thể là do xu hướng chuyển dịch do những bất ổn của ngành ngân hàng. Sau đó, nhà đầu tư bắt đầu tập trung nhiều hơn vào tính thanh khoản và lãi suất.”

Song, mối rủi ro tiềm ẩn đối với nhà đầu tư nhỏ lẻ khi “ôm” trái phiếu chính phủ đó là trần nợ công. Quốc hội Mỹ phải bỏ phiếu để tăng trần nợ công đang ở mức 31,4 nghìn tỷ USD vào mùa hè, nếu không chính phủ liên bang sẽ vỡ nợ.

Các nhà phân tích cho biết, tín phiếu đáo hạn vào cuối tháng 7 và đầu tháng 8 đã sụt giá trong những tuần gần đây và có khả năng khó giao dịch hơn, khiến nhà đầu tư gặp khó khăn trong việc rút tiền sớm nếu cần. Tuy nhiên, khi lãi suất tiền gửi vẫn ở mức thấp, xu hướng này vẫn có thể đẩy mạnh việc nhà đầu tư nhỏ lẻ mua thêm tín phiếu Kho bạc.

Tham khảo FT

Chi Lan

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên