MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chẳng cần thực hiện chuyến bay nào, công ty Việt Nam này kiếm cả nghìn tỷ đồng từ những chiếc máy bay

26-07-2016 - 10:07 AM | Doanh nghiệp

Là công ty duy nhất tại Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực cho thuê máy bay, trong 2 năm 2014, 2015, VALC đạt mức doanh thu khoảng 77 triệu USD và lợi nhuận ròng 19,5 triệu USD.

Ngày 8/7 vừa qua, Tổng công ty công nghiệp Tàu Thủy (Vinashin) đã bán đấu giá hơn 7 triệu cổ phần tại CTCP Cho thuê máy bay Việt Nam (VALC) với giá khởi điểm 11.600 đồng/cp. Đã có 7 nhà đầu tư đăng ký mua nhưng kết quả cuối cùng, chỉ có duy nhất 1 nhà đầu tư trúng với giá trúng là 16.600 đồng/cp. Số cổ phần này tương đương 5,3% vốn điều lệ của VALC.

Cách đây vài tháng, VinaCapital cũng thoái gần 12% cổ phần của VALC cho BRG Group.

Chẳng cần thực hiện chuyến bay nào, VALC đút túi mỗi năm hàng trăm tỷ đồng lợi nhuận

VALC là công ty duy nhất tại Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực cho thuê máy bay. Xuất phát từ ý tưởng của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VietNam Airlines), VALC được thành lập vào năm 2007 với nhiệm vụ chính là mua máy bay rồi cho các hãng hàng không trong nước thuê lại khai thác.

VietNam Airlines là khách hàng chính của VALC, ngoài ra công ty này đang tiếp cận Vietjet Air nhưng chưa đạt được thỏa thuận về giá thuê.

Bên cạnh việc cho các hãng hàng không thuê máy bay dân dụng, VALC cũng cho thuê máy bay trực thăng. Ví dụ như năm 2011, VALC đã cho Tổng công ty trực thăng Việt Nam thuộc Bộ quốc phòng thuê lại chiếc trực thăng EC-155B1 - chiếc trực thăng được ông chủ Facebook Mark Zuckerberg sử dụng khi đến Việt Nam.

Trong 2 năm 2014, 2015, VALC đạt mức doanh thu khoảng 77 triệu USD và lợi nhuận ròng 19,5 triệu USD tương ứng biên lợi nhuận hơn 25%. ROE cũng đạt trên 20%.

Tính đến cuối năm 2015, tổng tài sản của VALC đạt gần 724 triệu USD. Tuy nhiên, cần biết rằng 90% số tiền sử dụng để mua máy bay là phải đi vay. Nợ phải trả của VALC chiếm tới 87% tổng tài sản mà phần lớn là vay nợ dài hạn. Theo đó, giá trị sổ sách của VALC khoảng 15.500 -16.000 đồng/cp.

VALC - đứa con của các ông lớn…

Doanh nghiệp cho thuê máy bay không phải là mô hình xa lạ ở nước ngoài nhưng với việc xuất hiện ở Việt Nam và khách hàng gần như chỉ có Vietnam Airlines, sẽ có người đặt câu hỏi, tại sao cần phải lập ra một doanh nghiệp “độc quyền” về dịch vụ này và "nghiễm nhiên" đút túi hàng trăm tỷ đồng lợi nhuận như vậy?

Thực tế, cho thuê máy bay là lĩnh vực đòi hỏi năng lực tài chính rất lớn. Đối với VALC, các tập đoàn và doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam đã cùng góp vốn để tạo nên đứa con này. Nếu không có VALC, áp lực vốn đối với Vietnam Airlines lớn vô cùng.

Trước khi Vinashin thoái hết vốn, cơ cấu cổ đông lớn của VALC là những cái tên như Vietnam Airlines, BIDV, Pvcombank, CTCP Tập đoàn BRG, Tổng CTCP Phong Phú và CTCP Đại Siêu thị Mê Linh. Trong đó, lớn nhất là VNA và BIDV với tỷ lệ sở hữu lần lượt là 32,5% và 32,2%.

Tại ĐHCĐ thường niên 2016 tổ chức vào tháng 4 của VALC, đại diện cổ đông BRG (nắm 11,6%) đã đề nghị HĐQT VALC sớm triển khai việc giới thiệu đại diện của BRG tham gia thành viên HĐQT và Ban kiểm soát của công ty. BRG trở thành cổ đông của VALC từ ngày 23/02/2016.

Góp vốn vào VALC, với lĩnh vực kinh doanh “độc quyền” và kết quả kinh doanh khả quan nói trên, các cổ đông yên tâm hưởng khoản cổ tức hàng năm với tỷ lệ hơn 20% bằng tiền mặt. Còn đối với các cổ đông là ngân hàng hay có tham gia lĩnh vực ngân hàng thì các hợp đồng tiền gửi và cho vay mua máy bay là những hợp đồng “béo bở”.

… Với nhiệm vụ đầu tư các siêu dự án

Thời điểm mới ra đời, VALC công bố ngay bản hợp đồng lên tới 1,4 tỷ USD mua 8 “siêu máy bay” Boeing 787-8. Tuy nhiên thương vụ khổng lồ này đã đi vào bế tắc và công ty phải tìm cách để hủy hợp đồng thông qua việc chuyển nhượng cho một hãng thứ 3 là Airlease Corporation.

VALC cũng có dự án đầu tư mua 5 máy bay ATR72-500 với tổng mức đầu tư hơn 100 triệu USD, hoàn tất vào năm 2010 để cho Vietnam Airlines thuê. Mặc dù hợp đồng có thời hạn gần 12 năm nhưng vào cuối tháng 1/2016, Vietnam Airlines có công văn trình Thủ tướng Chính phủ về việc “Chấm dứt trước thời hạn hợp đồng thuê máy bay ATR 72-500 từ năm 2016” với lý do là hầu hết các sân bay đã được nâng cấp để đón các tàu bay phản lực, việc khai thác dòng máy bay này trở nên kém ưu thế, không phù hợp.

Mới đây, 5 chiếc máy bay được báo chí gọi là “cục nợ” này đã được chào bán với giá 9,62 triệu USD/chiếc – tương đương 215 tỷ đồng/chiếc.

Siêu dự án đình đám khác thực hiện trong năm 2012 – 2013 với tổng mức đầu tư hơn 700 triệu USD là đầu tư mua 10 máy bay Airbus A321-200. Tuy nhiên, 10 máy bay này cũng đang bị Vietnam Airlines đề nghị giảm giá.

Minh Châu

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên