MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chặng đường 33 năm lăn bánh đến đích thương hiệu xe hơi 100% nội địa của ngành ô tô Malaysia

06-09-2017 - 11:18 AM | Tài chính quốc tế

Nhà máy đầu tiên của Proton đi vào hoạt động năm 1985 với dòng xe Proton Saga 1,3 lít. Động cơ của chiếc xe này vẫn phải nhập khẩu từ nhà máy Mitsubishi tại Nhật và tỷ lệ nội địa hóa chỉ vào khoảng 18%. Tuy nhiên, con số này đã tăng lên hơn 69% vào giữa năm 1989 và đến năm 2000, Proton đã hoàn toàn sản xuất được xe hơi “Made in Malaysia”.

Nói đến ngành công nghiệp ô tô tại Đông Nam Á thì không thể không nói đến Malaysia. Mặc dù chỉ đứng thứ 3 trong khu vực về tổng số xe hơi sản xuất với hơn 500.000 chiếc/năm nhưng Malaysia lại xây dựng được một thương hiệu ô tô nội địa cho riêng mình.

Hiện nay, quốc gia này có 27 nhà sản xuất xe hơi đang hoạt động trong nước và 640 nhà máy sản xuất phụ tùng. Ngành công nghiệp này hàng năm đóng góp bình quân 4% GDP, tương đương khoảng 40 tỷ Ringgit (RM) với hơn 700.000 lao động. Thương hiệu xe nội cũng chiếm tới hơn 60% tổng sản lượng sản xuất ô tô tại Malaysia.


Doanh số bán xe thường (xanh lam) và xe vận tải (xanh lá) tại Malaysia giai đoạn 2008-2016.

Doanh số bán xe thường (xanh lam) và xe vận tải (xanh lá) tại Malaysia giai đoạn 2008-2016.

Made in Malaysia

Nền công nghiệp ô tô của Malaysia có thể truy ngược về thời kỳ thực dân Anh thống trị với nhà máy liên doanh Ford Malaya được thành lập vào năm 1926. Đây cũng là nhà máy ô tô đầu tiên được xây dựng trong khu vực.Ngành sản xuất xe hơi tại Malaysia lúc này còn rất sơ khai khi thị trường tiêu thụ còn nhỏ do phần lớn những người sở hữu xe là công dân nước ngoài hoặc quan chức chính quyền. Trong khoảng 1910-1925, lượng sở hữu xe hơi tại Malaysia đã tăng 10 lần nhưng phần lớn là những chiếc ô tô ngoại nhập.

Vào năm 1957, sau khi giành được độc lập, chính phủ Malaysia hướng đến phát triển kinh tế, chú trọng đến những ngành công nghiệp tiềm năng như sản xuất ô tô. Bởi vậy, hàng loạt các chính sách ưu đãi được đưa ra như cấp phép miễn phí cho những nhà đầu tư muốn mở nhà máy tại Malaysia hay ưu đãi thuế cho các hãng xe muốn đầu tư. Các doanh nghiệp lắp ráp trong nước cũng nhận được ưu đãi thuế nhằm cạnh tranh với các công ty nước ngoài.

Đến năm 1964, khoảng 19 doanh nghiệp cả trong và ngoài nước đã đồng ý xây dựng nhà máy sản xuất phụ tùng hoặc lắp ráp xe hơi ở Malaysia. Ngay từ thời điểm này, chính phủ Malaysia đã hướng tới mục tiêu 10 năm để sản xuất xe hơi "Made in Malaysia" bằng việc định hướng sản xuất những phụ kiện rất nhỏ như bánh xe, ắc quy hay những thiết bị khác cho ô tô.

Tuy nhiên, thị trường Malaysia phải đối mặt vấn đề khá lớn khi đó là sự bùng nổ của các hãng xe hơi Nhật Bản như Nissan. Kể từ thập niên 1950, các hãng xe Nhật với giá thành rẻ, chất lượng tốt đã thống trị thị trường Malaysia và làm thui chột các hãng xe trong nước.


Thủ tướng Malaysia Nazib Razak bên 1 sản phẩm mới của Proton

Thủ tướng Malaysia Nazib Razak bên 1 sản phẩm mới của Proton

Trước tình hình đó, chính phủ bắt buộc phải vào cuộc nhằm đảm bảo mục tiêu sản xuất xe hơi nội địa "Made in Malaysia". Dự án phát triển xe hơi quốc gia (NCP) được xây dựng vào đầu thập niên 1980 đã dẫn đến việc thành lập hãng xe hơi nội địa Perusahaan Otomobil Nasional (Proton) vào năm 1983 và tiếp đó là dòng xe nội địa Proton Saga được ra mắt vào tháng 7/1985, sau đó là Perodua vào năm 1993.

Đến thập niên 2000, chính phủ Malaysia bắt đầu nới lỏng thị trường sản xuất xe hơi sau thời gian dài bảo hộ, như dỡ bỏ các quy định về cổ phần hóa, tăng cường hiệp định thương mại liên quan đến xuất khẩu xe hơi cũng như tuân thủ các tiêu chuẩn về tự do thị trường.

Nhờ những chính sách đúng đắn trên, ngành xe hơi nội địa của Malaysia đã gặt hái được khá nhiều thành công. Năm 2002, Proton đã giúp Malaysia trở thành quốc gia thứ 11 trên thế giới có đầy đủ hệ thống thiết kế, sản xuất động cơ, lắp ráp… hoàn chỉnh cho một chiếc xe trong nước.

Đến năm 2006, chính phủ Malaysia xây dựng dự án phát triển ngành sản xuất ô tô quốc gia (NAP) với mục tiêu thúc đẩy sản xuất xe hơi trong nước, thu hút nhà đầu tư nước ngoài và xuất khẩu thương hiệu "Made in Malaysia" ra nước ngoài.

Cụ thể, những chiếc xe có dung tích nhỏ hơn 2.0 lít có hàm lượng nội địa trên 30% sẽ không phải chịu thuế. Những nhà đầu tư vào ngành xe hơi sẽ được giảm 100% thuế trong 10 năm đầu hoặc nhận trợ cấp thuế đầu tư trong vòng 5 năm đầu.

Phần lớn những chiếc xe thương hiệu nội của Malaysia được bán cho thị trường trong nước và chỉ khoảng vài nghìn chiếc xe được xuất khẩu hàng năm sang quốc gia khác. Những thiết bị phụ tùng ô tô tự sản xuất mới là các mặt hàng xuất khẩu chủ đạo của ngành này tại Malaysia trong vòng 10 năm qua với đóng góp 11 tỷ RM cho GDP năm 2016.


Bảng xếp hạng sản lượng sản xuất xe hơi thường (xanh lam) và xe vận tải (xanh lá) của một số nước năm 2015 (nghìn chiếc)

Bảng xếp hạng sản lượng sản xuất xe hơi thường (xanh lam) và xe vận tải (xanh lá) của một số nước năm 2015 (nghìn chiếc)

Trang mới của ngành ô tô Malaysia

Nhắc đến ngành công nghiệp sản xuất ô tô của Malaysia, không thể không nói đến niềm tự hào Proton, hãng xe được thành lập năm 1983 bởi Cựu thủ tướng Mahathir Mohamad.

Quan điểm cá nhân của tôi là chúng ra phải duy trì một hãng xe biểu tượng quốc gia… Ngành xe hơi không chỉ là vấn đề liên quan đến một chiếc ô tô mà còn liên quan đến vấn đề kỹ thuật, công nghệ. Một đất nước không có kỹ năng công nghệ và kiến thức sẽ không bao giờ trở thành một quốc gia phát triển”, Cựu thủ tướng Mahathir từng nói.

Nhà máy đầu tiên của Proton đi vào hoạt động năm 1985 với dòng xe Proton Saga 1,3 lít. Động cơ của chiếc xe này vẫn phải nhập khẩu từ nhà máy Mitsubishi tại Nhật và tỷ lệ nội địa hóa chỉ vào khoảng 18%. Tuy nhiên, con số này đã tăng lên hơn 69% vào giữa năm 1989 và đến năm 2000, Proton đã hoàn toàn sản xuất được xe hơi “Made in Malaysia”.

Tiếp theo sự thành công của Proton, hàng loạt các hãng xe nội địa khác đã được thành lập tại Malaysia như Perodua, Tan Chong Motor, Inokom, Bufori, Naza.


Top 10 thương hiệu xe hơi có doanh số cao nhất tại Malaysia năm 2015

Top 10 thương hiệu xe hơi có doanh số cao nhất tại Malaysia năm 2015

Thành lập muộn hơn vào năm 1993, Perodua tập trung chủ yếu vào phân khúc những chiếc xe cỡ nhỏ hoặc siêu nhỏ. Động cơ và hộp số của Perodua nhập của Daihatsu chứ không tập trung thái quá vào mục tiêu “Made in Malaysia”. Dẫu vậy, giá thành phải chăng cùng tiết kiệm nhiên liệu đã khiến Perodua trở thành đối thủ đáng gờm của Proton chỉ sau một thời gian ngắn ra mắt.

Một dòng xe cũng khá thú vị khác là Bufori khi chuyên sản xuất thủ công theo phong cách cổ điển cho giới siêu giàu. Thân xe được làm từ sợi tổng hợp carbon và vật liệu composite nên siêu nhẹ và bền. Với khoảng 108 thợ lành nghề, hãng này chỉ sản xuất khoảng 300 chiếc xe mỗi năm cho các nhà giàu đặt hàng ở Malaysia.

Những hãng xe còn lại mặc dù mang thương hiệu Malaysia nhưng phần lớn vẫn tập trung lắp ráp hoặc nhượng quyền thương hiệu kinh doanh xe nước ngoài chứ chưa tự sản xuất và có sản phẩm xuất sắc như Proton và Perodua.

Doanh số bán xe tại Malaysia năm 2016 đạt 580.124 chiếc và dù giá xe nội địa khá thấp nhưng chính phủ vẫn áp mức thuế cao với xe ngoại nhập để bảo hộ thị trường. Hiện Perodua đang chiếm gần 40% thị phần trong nước với khoảng 200.000 chiếc xe được bán mỗi năm. Hai hãng còn lại thống trị thị phần xe hơi Malaysia là Proton và Toyota. Với mức giá hợp lý, ngay cả những sinh viên mới ra trường tại đây cũng có thể sở hữu những chiếc xe của 3 thương hiệu trên.

Để có được những thành công đó, chính phủ Malaysia đã đóng góp vai trò rất lớn khi áp dụng những quy định ngặt nghèo để bảo hộ các công ty trong nước. Mức thuế nhập khẩu khoảng 140-300% tùy loại xe và yêu cầu tỷ lệ nội địa hóa khác cao cho những hãng xe muốn kinh doanh tại đây. Các thiết bị phụ tùng và những chiếc xe cũ qua sử dụng trên 5 năm cũng bị cấm nhập khẩu vào thị trường này, đi kèm với đó là hàng loạt những lệ phí và thuế đối với các hãng xe ngoại.

Nhiều nghiên cứu thậm chí cho thấy những chính sách bảo hộ của chính phủ Malaysia khiến giá xe nội địa tại đây rẻ hơn 57% so với thực tế. Hơn nữa, chính phủ Malaysia cũng thực hiện chính sách bảo hộ rất khôn ngoan nhằm chống lại các tiêu chuẩn về thị trường tự do cũng như hiệp định thương mại. Thay vì trợ giá trực tiếp, những hãng xe nội địa được bán trả góp trong thời hạn tới 9 năm với mức lãi suất vô cùng ưu đãi từ các ngân hàng. Chính điều này đã tạo nên sức hút vô cùng lớn trên thị trường.

Bên cạnh việc bảo hộ thị trường trong nước, Malaysia cũng bắt đầu tiếp cận thị trường nước ngoài với việc xuất khẩu xe hơi cho khoảng 50 quốc gia. Vào năm 1986, Proton xuất khẩu 25 chiếc xe cho Bangladesk và khởi đầu cho hàng loạt những thương vụ sau này. Đến năm 2015, tổng số xe nội được Malaysia xuất khẩu đã đạt 27.792 chiếc. Tuy nhiên, thị trường chính của xe hơi “Made in Malaysia” vẫn chủ yếu xoay quanh các nước Châu Á.

Theo BT

Thời Đại

Trở lên trên