Cổ phiếu giảm 99%, hiện còn gần 0 USD, điều gì xảy ra với startup một thời danh giá nhất nước Mỹ?
Năm 2019, WeWork từng là công ty tư nhân thuê nhiều diện tích văn phòng nhất ở Manhattan và London, vận hành hàng triệu m2 ở hàng chục quốc gia. Công ty từng được định giá 47 tỷ USD.
- 31-07-2023Bữa tiệc tàn của startup kỳ lân: Suốt nửa năm chỉ có 7 công ty được thành lập, thung lũng Silicon không còn là ‘miền đất hứa’
- 28-07-2023Shein - Startup mạnh nhất thế giới thời điểm này: Được định giá 66 tỷ USD, tuyên bố đã có lãi khiến Zara, H&M run sợ
- 27-07-20231 startup từng trị giá 22 tỷ USD trên bờ vực thẳm: Cạn sạch tiền, founder khóc khi phân trần với các nhà đầu tư, văn phòng bị cảnh sát đột kích, tịch thu toàn bộ máy tính
Thông báo buồn của WeWork
Suốt 4 năm qua, WeWork đã cố gắng phác họa nên câu chuyện về sự chuyển biến tích cực từ 1 startup vướng phải nhiều bê bối sang 1 công ty đại chúng hoạt động ổn định và có lãi. Công ty thẳng tay sa thải nhà đồng sáng lập kiêm CEO Adam Neumann, thay thế bằng 1 nhân vật kỳ cựu trong ngành đã có kinh nghiệm giải cứu nhiều công ty bất động sản.
Nhưng cuối cùng thì WeWork đã không được cứu. Và công ty tiên phong trong mảng không gian làm việc chung vừa tuyên bố rằng họ “thực sự hoài nghi” về tương lai của mình.
Hôm qua, công ty có trụ sở tại New York cho biết đang cạn kiệt tiền mặt, trong khi các khách hàng thuê văn phòng đồng loạt hủy thẻ thành viên. Ngay sau khi thông báo được phát đi, cổ phiếu WeWork lao dốc 40%.
So với khi mới lên sàn vào tháng 10/2021, cổ phiếu WeWork đã giảm tới 99%, thổi bay gần 9 tỷ USD vốn hóa. Phiên hôm qua, cổ phiếu này giảm 40% và chốt phiên giao dịch ở mức 13 cent. Trái phiếu do WeWork phát hành cũng đang ở trong trạng thái bết bát: trái phiếu không đảm bảo đáo hạn vào năm 2025 có lợi suất 7,875% đang được giao dịch ở mức 33,5 cent trên mỗi 1 USD mệnh giá, theo dữ liệu từ Trace.
Trong lịch sử, có không nhiều trường hợp công ty từng đạt được đỉnh cao rồi lại lao xuống vực thẳm tệ như WeWork. Năm 2010, Neumann cùng với nhà thiết kế Miguel McKelvey lập nên WeWork, lấy cảm hứng từ ý tưởng và cả phong cách của Neumann. Tầm nhìn của họ là thuê 1 không gian làm việc lớn và sau đó chia nhỏ không gian này và cho 1 nhóm khách hàng thuê lại.
Bê bối liên tiếp, cộng thêm đại dịch
Có thể nói hoạt động kinh doanh của WeWork đã bùng nổ nhờ môi trường lãi suất siêu thấp. Tận dụng mức lãi suất gần 0, các nhà đầu tư mạo hiểm đã rót rất nhiều tiền vào các startup đạt được mức tăng trưởng ấn tượng nhưng thực chất lại chưa có lợi nhuận. Thời điểm năm 2019, WeWork từng là công ty tư nhân thuê nhiều diện tích văn phòng nhất ở Manhattan và London, vận hành hàng triệu m2 ở hàng chục quốc gia. Công ty từng được định giá 47 tỷ USD, trở thành startup danh giá nhất nước Mỹ.
Khi đã có trong tay nhiều tiền và công ty đang trên đà bùng nổ, Neumann từng cố gắng đưa WeWork lên sàn vào năm 2019. Tuy nhiên, kế hoạch thất bại khi các nhà đầu tư nhận thức rõ ràng về thói quen chi tiêu hoang phí vô độ và tính cách bị ám ảnh bởi quyền lực của Neumann.
Những thông tin được tiết lộ trong bản cáo bạch khiến nhiều người bàng hoàng. WeWork đang thua lỗ nặng và bộ máy quản trị có nhiều vấn đề. Đến cuối năm 2019, Neumann bị sa thải và sau đó là hàng nghìn nhân viên mất việc. Tháng 2/2020, sau khi nhận cứu trợ từ nhà đầu tư lớn nhất là SoftBank, công ty bổ nhiệm Sandeep Mathrani làm CEO với hi vọng có thể phục hồi.
Tuy nhiên Mathrani phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Gần như ngay trước khi ông nhậm chức, đại dịch Covid-19 ập đến và khiến các văn phòng trên khắp thế giới phải đóng cửa.
Thử mọi cách
Kể cả khi cuộc sống đã bình thường trở lại, đà phục hồi vẫn rất chậm chạp. Mất hơn 2 năm để các văn phòng cho thuê của WeWork quay trở lại tỷ lệ lấp đầy tương đương cuối năm 2019. Trong quãng thời gian đó, Mathrani thử mọi cách để giữ cho công ty có thể tiếp tục hoạt động.
Năm 2021, ông đạo diễn thương vụ sáp nhập với 1 công ty séc trắng (SPAC) để đưa WeWork lên sàn đúng vào thời điểm cơn sốt SPAC nóng nhất. Ông cũng tạo ra 1 công cụ mới cho phép các chủ đất mua phần mềm của WeWork để sử dụng trong các tòa nhà của họ, đồng thời phát triển những cách thức bán hàng mới để phù hợp hơn với nhu cầu của khách hàng.
Tháng 3 vừa qua, dường như WeWork đã đạt được cột mốc lớn khi đạt được thỏa thuận với một số chủ nợ lớn nhất và SoftBank, cho phép giảm khoảng 1,5 tỷ USD nợ và gia hạn thêm cho một số khoản nợ. Tuy nhiên, đến tháng 5, Mathrani đột ngột từ chức sau 3 năm gắn bó.
WeWork quả quyết rằng xu hướng làm việc từ xa và làm việc online kết hợp offline sẽ đem lại nhiều lợi thế cho công ty chứ không phải là điều bất lợi. Theo lập luận của công ty, các chủ sử dụng lao động sẽ không muốn ký hợp đồng thuê dài hạn mà chuyển sang những mô hình linh hoạt hơn mà WeWork cung cấp.
Nhưng sự dịch chuyển đó không đến nhanh như WeWork mong muốn. Trong thông báo hôm qua, công ty cho biết ngày càng có nhiều khách hàng rời đi và khách hàng mới không tăng nhiều như kỳ vọng.
Để đảo ngược tình hình, WeWork cam kết trong 12 tháng tới sẽ giảm chi phí, tăng doanh thu và huy động thêm vốn. 3 thành viên độc lập trong ban quản trị được thay thế bằng 4 người mới, và công ty vẫn đang tìm kiếm CEO thay thế cho Mathrani.
Tham khảo Bloomberg
Nhịp sống thị trường