MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chàng phi công 9x kiếm 264 triệu đồng/tháng vẫn ngao ngán: Phải "thắt lưng buộc bụng", lúc nghèo nhất không đủ tiền mua bánh mì

19-08-2023 - 21:25 PM | Sống

Dù có thu nhập cao nhưng chàng phi công 9x vẫn gặp khó khăn bởi ảnh hưởng từ dịch bệnh COVID-19.

Bài viết là lời tâm sự của một chàng trai được đăng tải trên Toutiao - một diễn đàn MXH của Trung Quốc. 

Nỗ lực không ngừng

Tôi là Shuke (Trung Quốc), thuộc thế hệ sau những năm 90. Khi tôi học năm thứ hai Trung học phổ thông, anh trai của bạn thân tôi là một phi công. Anh gợi ý cho chúng tôi sau này có thể trở thành phi công nếu thực sự mơ ước. Nhưng hoàn cảnh gia đình tôi chỉ ở mức trung bình, tôi chưa có bất kỳ kế hoạch gì cho tương lai nên không chú ý tới lời khuyên này.

Sau đó, thầy hiệu trưởng thông báo lực lượng không quân tuyển phi công, khuyên tôi nên thử sức. Nếu không trúng tuyển, tôi sẽ vẫn thi đại học mà không gây bất kỳ ảnh hưởng nào. Lớp tôi có 9 bạn tham gia khám quân y, may mắn tôi vượt qua vòng kiểm tra thể chất.

China Southern Airlines là đơn vị tổ chức thi tuyển, yêu cầu rất cao đối với điểm thi đại học và điểm tiếng Anh của thí sinh. Trình độ tiếng Anh không tốt nên tôi vô cùng lo lắng.

May mắn sau khi có điểm thi đại học, tôi biết mình trúng tuyển vào Học viện Hàng không dân dụng Trung Quốc. Và đội trưởng Liu Chuanxiong là người hướng dẫn tôi trực tiếp. Thời gian đầu, tôi không hứng thú với việc học. Ngoài kiến thức cơ khí, nghiệp vụ liên quan đến máy bay, chúng tôi còn phải học thêm các tình huống khẩn cấp như sơ cứu, thoát hiểm,…

Chàng phi công 9x kiếm 264 triệu đồng/tháng vẫn ngao ngán: Phải "thắt lưng buộc bụng", lúc nghèo nhất không đủ tiền mua bánh mì - Ảnh 1.

Chàng phi công Shuke.

Mỗi khi phát âm, tôi cảm thấy lưỡi không kiểm soát được và mất nhiều thời gian mới vượt qua những bài kiểm tra. Học xong, chúng tôi tiếp tục sang Úc tập huấn. Thời tiết ở đây rất khó chịu, trời hanh khô, nóng bức như đổ lửa vào mùa hè, lạnh giá như nhà băng vào mùa đông.

Về đồ ăn thức uống, tôi cũng không quen nên thường xuyên bỏ bữa. Những khó khăn trong cuộc sống không là gì cả, điều khó khăn nhất là tôi phải thích nghi với giọng địa phương. Khi ra nước ngoài, tất cả chúng tôi đều học tiếng Anh với cách phát âm chuẩn nhưng người bản địa lại phát âm hoàn toàn khác. Người hướng dẫn của tôi đến từ Scotland, chúng tôi không quen với cách phát âm ấy. Giọng của anh nặng, cùng với việc nói nhanh nên rất khó hiểu. Nếu hỏi lại nhiều lần, anh ấy sẽ khó chịu, thậm chí là quát mắng.

Trong quá trình đào tạo sẽ có các kỳ thi theo giai đoạn và quan trọng nhất là kỳ thi cấp chứng chỉ bay. Tôi còn có một khoá thực tập khác tại Canada. Sau khi kết thúc khoá học, tôi được phân công về Bắc Kinh làm việc.

Bắt đầu hành trình đầy thử thách nhưng cũng khá thú vị

Sau khi lấy được tấm bằng, tôi chưa thể lái máy bay độc lập mà cần quan sát trong 200 giờ, tức là ngồi cạnh phi công trưởng để xem cách ông ta vận hành và liên lạc với bộ phận điều khiển dưới mặt đất. Sau hơn nửa năm thực hành bay, cuối cùng tôi cũng đáp ứng yêu cầu về thời gian và bắt đầu bay độc lập.

Thu nhập của tôi được tính như sau: Lương cơ bản + Hiệu suất công việc. Hiệu suất được tính theo thời gian bay. Mỗi khi bị hoãn chuyến khiến tôi rất mệt mỏi, đó có thể do điều kiện thời tiết hoặc sự cố phát sinh ngoài tầm kiểm soát.

Ngoài những lúc áp lực, căng thẳng, tôi cũng gặp nhiều nhân vật quan trọng như các chuyên gia, người nổi tiếng, nghệ sĩ, người giàu có,… Mỗi chuyến đi lại giúp tôi có thêm kinh nghiệm, được trò chuyện với những người thú vị,…

Chàng phi công 9x kiếm 264 triệu đồng/tháng vẫn ngao ngán: Phải "thắt lưng buộc bụng", lúc nghèo nhất không đủ tiền mua bánh mì - Ảnh 2.

Trong mắt mọi người, làm phi công khá ngầu bởi được gặp người nổi tiếng, kiếm được nhiều tiền, đi du lịch khắp nơi, ở khách sạn hạng sang,… Lương của tôi rất tốt. Tháng 10/2019, tại tháng cao điểm, tôi có thể kiếm đến 80.000 NDT (khoảng 264 triệu đồng). Các tháng khác cũng chỉ thấp hơn một chút so với con số trên.

Thế nhưng không có lợi ích nào gọi là miễn phí. Mọi người từ ngoài nhìn vào thấy cuộc sống của tôi và mơ ước được như vậy nhưng sự thật khá tàn khốc. Trước mỗi chuyến bay, tôi phải chuẩn bị ít nhất 4 tiếng, bao gồm: An ninh, nồng độ rượu, đo huyết áp, đo nhịp tim,… Sau khi lên máy bay, tôi tiếp tục phải khởi động động cơ, kiểm tra nhiên liệu,… để đảm bảo an toàn.

Mặt trái của nghề

Người làm nghề phi công ít có thời gian ở bên gia đình, đặc biệt vào những dịp lễ Tết bởi họ phải thực hiện công việc.

Ngoài ra, do đi máy bay dài ngày, cùng với việc ăn uống không điều độ nên tôi gặp vấn đề về dạ dày, thoái hoá đốt sống cổ và thắt lưng. Những đồng nghiệp lớn tuổi sắp về hưu của tôi cũng gặp tình trạng này, họ luôn than phiền đau nhức, khó chịu.

Mặc dù số giờ bay càng nhiều thì thu nhập càng cao nhưng mỗi hãng bay sẽ quy định số giờ bay của phi công. Như tôi sẽ không bay quá 100 giờ/ tháng để đảm bảo sự an toàn của bản thân, cũng như của khách hàng.

Và một điều thách thức trong nghề là chúng tôi sẽ bị ảnh hưởng bởi môi trường, thu nhập luôn có sự dao động lớn. Nếu xảy ra biến cố, chúng tôi có thể bị dồn vào thế tuyệt vọng vì khó chuyển đổi công việc.

Sau khi đi làm, tôi mua được một căn hộ ở Bắc Kinh, ngoài ra còn xây tặng bố mẹ căn nhà ở quê. Sức khoẻ của bố mẹ tôi không được tốt. Bố tôi bị suy thận, thường xuyên phải lọc máu, điều trị bằng thuốc, chi phí mỗi tháng lên tới 40.000 NDT (khoảng 130,6 triệu đồng).

Chàng phi công 9x kiếm 264 triệu đồng/tháng vẫn ngao ngán: Phải "thắt lưng buộc bụng", lúc nghèo nhất không đủ tiền mua bánh mì - Ảnh 3.

Trước dịch COVID-19, nhờ có thu nhập tốt nên cuộc sống thoải mái. Nhưng sau dịch, tôi không bay được nhiều. Mỗi lần bay phải cách 14 ngày, có tháng tôi chỉ nhận được vỏn vẹn vài nghìn NDT. Vào năm 2021, về cơ bản tôi chỉ bay khoảng 20 tiếng/tháng, vì thế mức lương rất thấp. Khi nghèo nhất, tôi thậm chí không đủ tiền mua nổi chiếc bánh mì. Trong 3 năm dịch bệnh, tôi phải vay mượn tiền của đồng nghiệp, người thân, bạn bè để duy trì cuộc sống.

Tiếp viên hàng không có thể chuyển việc nếu cảm thấy không hài lòng nhưng phi công thì không. Một khi xin nghỉ việc hoặc chuyển việc, tôi sẽ phải đền bù cho hãng hàng không số tiền rất lớn, thậm chí lên tới 12 triệu NDT. Đối với tôi, đó là số tiền mà chưa chắc làm việc cả đời đã kiếm được. Bởi chi phí đào tạo phi công rất cao. Hãng cũng đã cố cân đối thời gian bay trong mùa dịch để đảm bảo thu nhập cho phi công.

Hết dịch, công việc của tôi đã ổn định hơn trước rất nhiều. Tuy nhiên, tình trạng bệnh của bố tôi ngày càng suy yếu, phải tốn khoản lớn hàng tháng để điều trị. Vì thế, tôi phải cố gắng làm việc chăm chỉ mỗi ngày. Mỗi khi tôi mệt mỏi với những chuyến bay, muốn rời bỏ công việc, tôi lại nghĩ đến những khoản cần chi tiêu, số tiền dư trong thẻ ngân hàng. Tất cả những điều đó đã níu chân tôi lại và trở thành động lực để tôi phải nỗ lực nhiều hơn nữa.

Theo Ứng hà Chi

Phụ nữ số

Trở lên trên