MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chẳng riêng ở Việt Nam, thành phố lớn thứ 4 của Mỹ cũng ngập nặng vì quy hoạch kém

03-09-2017 - 16:34 PM | Tài chính quốc tế

Chắc chắn không thành phố nào có thể chống chọi với siêu bão Harvey mà không bị thiệt hại nặng nề, nhưng Houston đã tự khiến mình dễ bị tổn thương hơn. Xóa bỏ đồng cỏ rộng lớn khiến mức độ ngấm nước của đất bị giảm đi đáng kể. Các hồ chứa nước có tác dụng kiểm soát lũ thì quá nhỏ.

Kể từ khi mới được thành lập, Houston đã là 1 thành phố ướt át. Trong những năm 1840, nhà thám hiểm người Đức Ferrdinand von Roemer miêu tả vùng đồng cỏ bên cạnh sông Brazos là một “đầm lầy vô tận” khiến xe ngựa của ông bị mắc kẹt . Ông kể lại rằng một số người từng có ý định định cư ở Texas đã bỏ đi sau khi nhìn thấy “bức tranh ảm đạm” này.

Tuy nhiên, Houston chưa bao giờ đầu hàng. Trong quá trình phát triển, Houston đã chi hàng tỷ USD để xây dựng nhiều con đập và phát triển các dự án thoát nước. Giờ đây nó là thành phố lớn thứ 4 ở Mỹ, là nơi đóng đô của 1 trong những trung tâm y tế lớn nhất giới, thủ phủ của ngành dầu mỏ với nhiều nhà máy lọc dầu. Ở nơi đây có những trang trại nuôi gia súc khổng lồ, một nền kinh tế tràn đầy sinh lực và nền văn hóa đa dạng với 145 ngôn ngữ.

Thế nhưng siêu bão Harvey chính là 1 lời nhắc nhở thô bạo đối với Houston, rằng con người khó lòng chiến thắng trước thiên nhiên. Cơn bão cấp 4 dội lượng mưa kỷ lục xuống Houston, mưa nhiều đến nỗi được đo bằng feet chứ không phải bằng inch như bình thường. Cả thành phố chìm trong biển nước.

Thiệt hại kinh tế mà bão Harvey gây ra không phải là lớn nếu so sánh với quy mô 19.000 tỷ USD của kinh tế Mỹ. Các công ty bảo hiểm cũng không phải chi trả nhiều vì bảo hiểm lũ lụt là khá hiếm. Nhiều nhà máy lọc hóa dầu phải đóng cửa, nhưng họ đã đầu tư khá nhiều cho việc phòng chống bão, giúp giảm thiệt hại về cơ sở vật chất.

Thay vào đó người nộp thuế sẽ bị thiệt hại nhiều hơn. Quỹ cứu trợ khẩn cấp sẽ phải chi hàng chục tỷ USD. Các nhà máy lọc dầu đóng cửa đẩy giá khí đốt bán buôn ở New York tăng lên mức cao nhất 2 tháng.

Những gì bão Harvey gây ra giống với 1 thảm họa nhân đạo nhiều hơn. Người dân Texas hoàn toàn không chuẩn bị gì để đối phó với ngập lụt kèm theo rác rưởi và cả những tổ kiến lửa khổng lồ trôi nổi trên mặt nước.

Chắc chắn không thành phố nào có thể chống chọi với siêu bão Harvey mà không bị thiệt hại nặng nề, nhưng Houston đã tự khiến mình dễ bị tổn thương hơn. Xóa bỏ đồng cỏ rộng lớn khiến mức độ ngấm nước của đất bị giảm đi đáng kể. Các hồ chứa nước có tác dụng kiểm soát lũ thì quá nhỏ. Cả thành phố này phụ thuộc vào 1 mạng lưới các hồ chứa nước và nhánh sông để thoát nước. Tuy nhiên chúng không được thiết kế đủ lớn để chịu đựng những cơn bão quá lớn như Harvey.

Quy hoạch xây dựng chưa hợp lý. Kết quả là đường biến thành sông. Dù bệnh viện vẫn mở cửa nhưng người dân Houston di chuyển rất khó khăn vì không thể dùng ô tô.

Houston là thành phố lớn duy nhất của Mỹ không có quy hoạch xây dựng đồng bộ. Và bang Texas dù là bang dễ bị bão “vùi dập” nhất lại “dễ dãi” nhất với chuyện quy hoạch xây dựng.

Samuel Brody, 1 người dân sống ở phía Tây Houston, cho rằng thành phố nên áp dụng các giải pháp xanh như bảo tồn các khu vực đầm lầy và đào thêm nhiều hồ chứa nước (những cái hồ này cạn khô lúc bình thường như khi có bão sẽ chứa đẩy nước). Quy hoạch các tòa nhà phải hợp lý để nước có thể thoát đi.

Tuy nhiên thực hiện được những điều này không phải là dễ. Đôi lúc các giải pháp xanh đòi hỏi phải đập bỏ một vài tòa nhà hay bảo vệ những khoảng không gian xanh thay vì xây nhà trên đó. Tất cả đều có chi phí đắt đỏ.

Dân số của Houston đã tăng 25% kể từ năm 1995 đến nay, đạt 2,2 triệu người năm 2015. Theo Washington Post, kể từ năm 2010, ít nhất 7.000 tòa nhà chung cư đã được xây dựng ở quận Harris, phần lớn nằm trên phần đất mà chính quyền liên bang đã nhận định là có khả năng bị ngập lụt.

Các dự án mở rộng nhánh sông và xây đập chứa nước không thể bắt kịp với tốc độ xây dựng đường sá, nhà cao tầng và bãi đỗ xe cần thiết phục vụ khoảng 150.000 cư dân mới mỗi năm.

Trên thế giới có không ít thành phố như Houston. Những thành phố nghèo nhất lại dễ bị tổn thương nhất. Mùa hè vừa qua, đã có hơn 1.200 người ở Bangladesh, Ấn Độ và Nepal thiệt mạng vì những trận lụt tồi tệ nhất trong nhiều năm.

Biến đổi khí hậu khiến trái đất ngày càng phải gánh chịu nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan. Do đó có 1 giải pháp rõ ràng là giảm thiểu khí thải nhà kính. Tuy nhiên, công tác phòng chống thiên tai quan trọng hơn.

Singapore là 1 mô hình mà các nước nên học tập. Mặc dù dân số của Singapore đã tăng hơn gấp đôi kể từ những năm 1980 đến nay, diện tích phủ xanh của thành phố đã tăng từ 35% lên 46%.

Thu Hương

Bloomberg, Washington Post

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên