Chàng trai đi phượt bằng xe lăn, chinh phục những con đèo hiểm trở nhất Việt Nam: “Mất 10 năm định nghĩa hai từ “tự do” bằng cách chưa ai từng làm!”
Tay lăn bánh xe, đáp lại ánh mắt tò mò của mọi người bằng một nụ cười, Minh quay sang nói với ekip: "Xong việc rồi chúng ta đi ăn mừng kỷ niệm 10 năm nhé?". Tôi hỏi trong sự ngạc nhiên: "10 năm gì thế?". Minh đáp: "Mười năm mình ngồi xe lăn rồi"...
Chẳng biết bắt đầu từ đâu để kể cho thật trôi chảy câu chuyện về một mầm sống nhưng nếu bạn đang cảm thấy uể oải và chán nản mọi thứ xung quanh thì hãy ở đây một chút để liên kết, để biết thái độ sống ảnh hưởng cuộc đời chúng ta nhiều như thế nào. Nếu như các bài viết trước đây, tôi đã dùng sự nể phục để viết về những tấm gương sống thì bài viết này lại khác, tôi đã dùng sự đồng cảm của một người từng không thể đứng được bằng chân để hiểu được nhân vật mà mình sẽ phải “phác thảo” bằng ngôn từ.
Phan Vũ Minh - chàng trai vừa hoàn tất cuộc hành trình vô cùng đặc biệt của đời mình.
Có hẹn với Phan Vũ Minh từ hồi tháng 4 nhưng đến tháng đầu tháng 11 chúng tôi mới có thể gặp mặt. Khác với những gì tôi và mọi người nghĩ, Minh chủ động bắt chuyện với cả ekip, không phải bằng sự tháo vát mà bằng nguồn năng lượng “có chất” từ bên trong bản thân mình. Tôi nghĩ, nếu như ngày xưa mình có dũng khí dùng đôi tay làm đôi chân, để xe lăn trở thành một vật bất ly, tự do ngồi trên xe lăn đến những nơi mình muốn,... thì can đảm thật.
“Minh đi cùng ai đến đây thế?”, đó là câu đầu tiên tôi hỏi Minh khi gặp cậu ở một quán cà phê khu trung tâm thành phố. Cậu nhanh nhẹn dùng tay xoay bánh xe, thân người trườn lên phía trước theo nhịp lăn của bánh xe. Kể mọi người nghe, không phải đồng cảm, mà sự thấu hiểu là cảm giác đầu tiên mà tôi có khi gặp cậu ấy.
Ở anh chàng này có một sự ấm áp, giản dị nhưng lại quyết liệt đến lạ thường.
“Minh đi một mình thôi. Đến lâu chưa? Mọi người đã ăn sáng chưa?”
Sự chủ động và điềm tĩnh ấy thật khác. Tôi đã kể cho Minh nghe về câu chuyện vì sao tôi phải ngồi xe lăn. Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như nó không rơi vào khoảng thời gian đẹp đẽ nhất của cuộc đời, trước mắt bạn ai nấy đều tốt nghiệp loại giỏi, dư sức vào đại học điểm. Thế nhưng, nhìn lại mình ngày đó tôi chỉ nhớ không biết bao nhiêu lần mình đã ước: Được chết! Đó gần như từng là tâm nguyện lớn nhất của tôi hay ngay cả Minh đang ngồi ở đây cũng vậy.
“10 năm rồi nhỉ?Mình đi ăn mừng thôi!”
“Ơ, nhưng mà nhân dịp gì cậu?”
“10 năm Minh ngồi xe lăn rồi”.
“10 năm rồi sao?”
“Ừ, Chính xác là 9 năm 11 tháng”...
10 năm để định nghĩa lại hai từ "tự do
Ngày xưa, Minh sống ở Sài Gòn là một chàng trai có ước mơ, hoài bão, sự ưu tú trên khuôn mặt giúp Minh chiếm được tình cảm của tất cả mọi người. Và rồi chẳng may, chỉ dám nói là chẳng may vì đó là cách nói duy nhất giúp cho mọi người nhìn Minh một cách… bình thường!
"Ngày xưa mình tự kỳ thị mình vì mình không đi được. Người ta thì đi được còn mình thì không. Khi mình thấy ấm ức lắm nên tập đi từ trong nhà ra đến cổng mà chỉ dám nhìn thẳng vì Minh thấy mọi người đang nhìn mình. Mình sợ ánh mắt đó, đến giờ vẫn sợ dù rất vô hình”.
Minh sống ở Vĩnh Long, được biết đến là chàng trai truyền cảm hứng sống cho cộng đồng bằng việc đi phượt trên xe lăn. Năm 11 tuổi, căn bệnh "Dị dạng mạch máu tủy sống" gần như thế chỗ tất cả những ký ức đẹp đẽ, sự nội tâm của Minh để thay vào đó những tháng ngày trong bệnh viện tự dằn vặt và trách cứ mình.
“Đầu tiên Minh đau lưng, sau đó là chân bắt đầu yếu, người có những vết bầm. Thời điểm đó gia đình đưa mình đi khám khắp các bệnh viện ở Sài Gòn rồi một trong số đó bác sĩ nói với mình là: “Căn bệnh này hiếm lắm, trên thế giới rất hiếm”.
Với người khác, ký ức đẹp đẽ nhất luôn rơi vào khoảng thời gian từ 11 tuổi đến 20 tuổi và với Minh những ký ức ấy dù sao cũng không quên đi được nhưng mà nhớ với một cách khác, không bao giờ tha thiết quay trở lại.
“Cơ thể mình không thích nghi được yếu dần, bác sĩ tả lại cho mình biết rằng để chữa được phải luồn kim vào trong từng dây thần kinh ở tủy sống sau đó chích bỏ các mạch máu dị dạng. Mà dây thần kinh của con người ai cũng biết rồi đó, nó bắt chéo nhau và cực kỳ khó để điều trị, nếu được thì phải mất một số tiền rất lớn. Gia đình Minh lúc ấy có bao nhiêu tiền đổ hết vào việc trị những mạch máu dị dạng. Phẫu thuật không biết bao nhiêu lần, mình luôn hy vọng rằng mình có thể sớm khỏi bệnh và đi lại được thế nhưng hy vọng đó tắt lịm vào năm mình 20 tuổi, trong một lần phẫu thuật, tủy sống bị phù lên và nó chính là dấu chấm hết cho đôi chân của mình. Muốn sống, phải cưa bỏ!”.
Khi bạn hỏi một người không đi được thứ họ muốn nhất, trong đầu bạn luôn đoán rằng chắc là đi được, tôi với Minh thì không ước thế. Tôi và Minh có lẽ đều biết thậm chí nhớ rất rõ câu nói của nhà văn Mỹ - Helen Keller: “Tôi đã khóc vì không có giày để đi cho đến khi nhìn thấy một người không có chân để đi giày".
- T. từng ước mình chết đi. Bởi vì thấy người nhà mình khổ quá!.
- Đó là cảm giác của Minh. Minh cũng từng thử chết rồi đấy chứ, nhưng vậy thì hèn lắm! Cuộc sống không quy định cho mình người đứng được mới là người có thể sống.
- Nhưng sống mà không đi được thì làm sao?
- Vì mình không muốn thôi, chứ cách thì lúc nào cũng có. Minh lúc ấy nghĩ chẳng lẽ mình cứ như vậy hoài. Sao mình không tập đi, Minh cũng tập đi nhưng T. biết gì không? Tập đi không đi được nhưng Minh vui lắm, vui vì mình tập được thứ khác nó lớn lao hơn nhiều và có lẽ nó là chìa khóa mở cánh cửa khác cho mình sống đến tận bây giờ.
- Minh tập vượt qua nhỉ?
- Không phải tập vượt qua, mà tập chiến thắng! Vượt qua thôi không đủ đâu mà phải chiến thắng. Ở bất kỳ suy nghĩ nào Minh cũng đặt cho mình một cái luật, gọi là luật chiến thắng. Mình phải thắng suy nghĩ của mình bằng bất cứ giá nào. Đừng phục theo nó, mình sẽ thua vì nội tâm chính là kẻ thù của con người. Kể cả bây giờ, Minh đi đâu cũng thường nói với mọi người đừng tập quen khuyết điểm của mình, điều đó chỉ khiến mình trở thành một người mang khuyết điểm nặng nề. Dùng ưu điểm lấp khuyết điểm là cách mà Minh đã dùng rất nhiều năm, ưu điểm của mình là sự mạnh dạn, tự tin”.
Minh hỏi tôi, thời điểm ngồi trên xe lăn tôi tập đi như thế nào? Tôi đã thuật lại những ký ức ấy bằng sự hoan hỉ. Năm 18 tuổi, để đi được sau khi bị liệt ½ cơ thể vì mắc phải căn bệnh về dây thần kinh tôi đã phải mất một thời gian dài để tập vật lý triệu liệu ở tại Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình và Trung tập Vật lý trị liệu ở quê. May mắn sau đó đi được nhưng thứ tôi học được không phải là những ngày tháng kiên cường ở đấy. Để trưởng thành bài học mà tôi hay Minh phải học có giá đắt gấp 3 hay 4 lần một người bình thường, tôi may mắn vượt qua được và hoàn toàn bình phục cho đến hiện tại đã rất nhiều năm trôi qua và không phát hiện di chứng, đôi khi cánh tay đau lên hoặc căng thẳng dẫn đến rất nhiều suy nghĩ dại dột nhưng rồi bằng cách nào đấy tôi cũng đã vượt qua được. Minh cũng thế.
- Minh chứng kiến những người khổ hơn mình, họ mất cả tay và cả chân. Mình lúc đấy mới chịu ngồi xe lăn nhưng thấy nếu cuộc sống chỉ ngồi thôi thì chưa đủ. Mình thấy mình muốn nhiều hơn và để có được những thứ mình muốn, mình phải đi. Không đi được bằng chân thì đi bằng cách khác, đôi chân được có nhiệm vụ là phải đi, phải đứng, nhưng đó là do chúng ta quy định, không phải mong muốn nhất thiết của nó. Nếu nó không thể, thì hãy để nó nghỉ ngơi.
- Minh đi bằng xe lăn sao?
- Không hẳn, mình đi bằng tinh thần.
Ngồi trên chiếc "chiến mã" của mình, Minh tự tin và cũng vô cùng tự hào vì "người bạn" song hành trên mọi nẻo đường. Lúc chúng tôi chụp ảnh cho Minh, mọi người xung quanh ai cũng trầm trồ rồi lại ngưỡng mộ khi nghe chúng tôi kể về những gì Minh làm.
Phượt bằng xe tự chế từ Nam ra Bắc đã chinh phục 3 con đèo hiểm trở nhất Việt Nam
Để thực hiện tất cả những chuyến đi, Minh nhờ một thợ cơ khí cùng chế tạo một chiếc xe máy thành chiếc xe 3 bánh theo những phác thảo của mình. Phần đầu và thân xe máy được tháo rời ra sau đó bên trên người ta lắp cho Minh một khung sàn sắt đủ diện tích chứa một chiếc xe lăn. Khi di chuyển chỉ cần hạ sàn cho xe lăn lên trên sau đó điều khiển bằng đầu xe máy. Như vậy là chàng trai này cũng đã có thể thực hiện ước mơ bằng chiếc xe “thần thánh” có một không hai ấy, vào năm 2017 Minh đến Bạc Liêu đánh dấu chuyến đi xa đầu tiên trong hành trình phượt bằng xe ba bánh của mình.
Chiếc xe đã được sửa lại, thêm một số phụ kiện và chức năng để giúp Minh di chuyển thuận lợi.
“Chiếc xe đi đâu cũng thu hút sự chú ý. Có người nhìn thấy là lấy điện thoại ra chụp. Tí nữa Minh chở mọi người đi một vòng nhé! Chiếc xe có thể chở 3 người, ở nhà Minh hay đưa mấy đứa cháu đi trên xe này, để Minh chỉ cho xem”.
Minh vừa lăn xe ra khỏi quán, vừa kể cho tôi nghe hành trình phượt Đà Lạt cách đây một vài tháng của cậu ấy. Không phải bắt đầu từ TP.HCM mà bắt đầu từ Vĩnh Long nơi cậu đang sống. Bóng chúng tôi đổ xuống đường, nắng sớm không gay gắt quá nhưng quan trọng hơn hết là tôi được dịp hưởng một nguồn năng lượng không phải nhờ không gian tuyệt vời này mà nhờ một người đồng hành tuyệt vời.
Đây là những bức ảnh mà Minh đã đi phượt trong hành trình lần đó.
Hơn 30 tỉnh thành là một số lượng không hề nhỏ với một người như Minh. Ngày xưa, từ giường ra đầu ngõ thôi tôi đã thấy kiệt sức, từng dây thần kinh cứ tê và đau đớn không ngừng, mồ hôi tuôn lã chã ngay cả khi tôi cảm thấy lạnh. 100 mét đã là mơ ước huống hồ là vài trăm cây số, chưa từng dám nghĩ đến.
“Minh định sẽ đi đến bao giờ?”
“Minh không đặt ra chỉ tiêu mà khi sẵn sàng là Minh sẽ đi, có khi sẽ đi hết cả nước. Nếu năm nay không do dịch bệnh thì có lẽ mình đang ở Bắc rồi”.
Tôi nhắc đến những nơi xa hơn và không thể di chuyển bằng xe máy, Minh trả lời bằng một phương tiện khác như mọi người đó là máy bay. “Máy bay không cấm người ngồi xe lăn!”
“Có những điểm đến là đèo, núi hay dốc. Tàm tạm không nguy hiểm thì Minh vẫn chinh phục được còn có những nơi dốc quá thì mình đến, đứng dưới chân núi và nhìn lên. Nhìn được đã thấy hạnh phúc rồi”.
Minh tiếp tục câu chuyện khi nhắc về Đà Lạt. Minh yêu mến sự thành phố ngàn hoa này không phải bởi nó lãng mạn. Cậu có nhà người quen trên đấy, một người nằm cùng bệnh viện thời cậu còn nằm chờ phẫu thuật, khi ra viện mỗi người một nơi nhưng vẫn giữ liên lạc, điều quan trọng hơn hết là tất cả đều xem nhau như người nhà, như ruột thịt. Minh lăn bánh xe và phấn khích chỉ cho chúng tôi cái xe anh thuê người chế tạo. Tháo rời đầu và thân của một chiếc xe máy lắp cho chúng có mặt bằng đặt xe lăn bên trên.
“Mình bỏ thời gian ra nghiên cứu lộ trình trước khi đi, nhờ đứa cháu mà Minh di chuyển thuận tiện hơn. Hoặc khi không có cháu thì mình đi một mình. Mọi sinh hoạt cá nhân mình đều tự làm được, gia đình chỉ cực một vài năm đầu sau đó Minh tự làm hết, mình đôi lúc cũng thấy mẹ mình sướng ở khoản này ấy chứ!”.
Tôi hỏi về nơi Minh đến, hẳn là ai cũng sẽ nghĩ nói phải là một hành trình dễ đi hơn những nơi hiểm hóc như đèo núi, dốc đá cheo leo.
- Mình không từ chối bất kì điểm đến nào cả. Hành trình vượt đèo, vượt núi của mình cũng gian truân lắm, từ Bảo Lộc, đèo Hải Vân, đèo Cả hay kể cả đỉnh Langbiang ở Lâm Đồng Minh đều đã chinh phục. Để nói nhớ nhất thì chắc là đỉnh Langbiang, đi lần đó về cứ tưởng mình không còn sống được, rách cả vai, trầy trật lắm thì mới tai qua nạn khỏi, trải qua rồi mình thấy mình liều lĩnh thôi!.
- Chừa nhỉ? Rồi Minh sẽ thấy chúng ta cần nhất vẫn là sự an toàn!
- Không phải. Chúng ta cần nhất là sức khỏe!
Đủ hiểu biết người ta sẽ chỉ cần sức khỏe
Minh kể về cơ ngơi mà cậu ấy gầy dựng được trong mấy năm vừa qua. Một shop mỹ phẩm và một cửa hàng cây cảnh giao hàng từ Nam ra Bắc.
“5 năm trước, hoa hồng nhập từ Thái Lan khá phổ biến nhưng ở miền Nam rất hiếm người bán nên người bán có thu nhập khá cao. Sau này khi người ta nhân giống được nên nguồn cây này khá đa dạng và không còn khan hiếm như trước đó. Lúc trước Minh tìm nguồn cây hoa hồng ở Thái Lan về, về phải dày công chăm sóc và cắt tỉa, chưa kể công vận chuyển và đầu tư về kiến thức. Vốn cao, công bỏ ra cũng cao nhưng bù lại mình bán được, có thể nói công việc này đã mang lại nguồn thu nhập tốt cho Minh, tạo điều kiện cho Minh đi đây đi đó”, Minh bộc bạch về công việc của mình.
Không ai có thể tưởng tượng được rằng trên chiếc xe lăn tự chế của mình, Minh vận chuyển hàng chục chậu cây đi giao và hướng dẫn người ta cách bón cây và chăm sóc chúng.
"Người không đi được thì ước được đi. Vào viện rồi mới hiểu khao khát lớn nhất của đời người là sự khỏe mạnh. Nếu Minh không khỏe, ngày hôm nay sẽ không thể ngồi đây với mọi người. Nghe nó nhàm chán quá nhưng đủ hiểu biết thì sẽ chỉ cần sức khỏe, sức khỏe giúp mình có những thứ mình mong muốn".
Có đôi lúc tôi nghĩ để trưởng thành, tôi và Minh phải học một bài học đắt quá. Với người khác họ chỉ cần những lần vấp ngã rồi đứng lên, còn với cả hai chúng tôi, chúng tôi học cách tự lập, cách thích nghi, chúng tôi học cách vượt qua và học cảm hoá cả sự yếu mềm từng dày vò chúng tôi đến bên bờ vực của cái chết. Hôm nay gặp nhau, tôi và Minh đều ổn, rất vui và phấn khởi.
Chúng tôi cảm ơn cuộc đời vì những bài học... dẫu phải trà cái giá đắt ra sao!
Pháp luật và bạn đọc