Chàng trai mua được nhà với mức lương 20 triệu/tháng nhờ tuân thủ 3 quy tắc
Mua nhà là việc lớn, nên cũng cần quyết tâm lớn mới có thể thực hiện được.
- 19-09-2024Chàng trai khoe lương cứng 13 triệu, dân tình chỉ ra điều nguy hiểm, cảnh báo: Sắp bị đuổi việc rồi
- 19-09-2024Tôi buột miệng nói mức lương 40 triệu/tháng, bạn gái cười nói bằng cô ấy, nghe xong tôi lặng lẽ chia tay
- 18-09-2024Em chồng khoe lương 200 triệu/tháng, tôi không tin vì làm gì có người lương cao thế, để rồi phải sững người khi thấy em mua chiếc Porsche
Với tình hình giá BĐS tăng chóng mặt như hiện nay, đặc biệt là BĐS ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM, nhiều người đã phải tạm gác lại mục tiêu mua nhà, vì ngân sách không đủ dày, nếu quyết mua sẽ phải vay ngân hàng con số khá lớn. Lúc này, hoặc là không vay được do không có tài sản đảm bảo, hoặc là vay được nhưng không dám vay vì rủi ro mất khả năng trả nợ là không nhỏ.
Thế nên, quyết định tạm gác lại mục tiêu mua nhà ở thời điểm này cũng không có gì khó hiểu, vừa là để đợi giá BĐS bình ổn trở lại, vừa để bản thân có thời gian tích lũy thêm ngân sách mua nhà.
3 quy tắc giúp chàng trai mua được nhà với mức lương 20 triệu/tháng
Trên kênh TikTok cá nhân @duyhouse, một chàng trai đã chia sẻ hành trình mua nhà với mức lương 20 triệu/tháng. Đây rõ ràng không phải mức lương quá thấp, nhưng so với mục tiêu mua nhà thì rõ ràng, cũng chưa hẳn là con số to.
Dẫu vậy, nhờ tuân thủ 3 quy tắc dưới đây, chàng trai đã hiện thực hóa được mục tiêu có một căn nhà của riêng mình. Nếu bạn cũng đang trên hành trình chinh phục mục tiêu ấy, 4 quy tắc này chắc chắn sẽ phần nào giúp ích cho bạn.
1 - Quản lý chi tiêu chặt chẽ
Chàng trai cho rằng việc quản lý chi tiêu chặt chẽ là bước đầu tiên, cũng là bước quan trọng nhất, đặt nền tảng cho việc tích lũy, xây dựng ngân sách mua nhà.
“Có thể bạn chưa tiết kiệm được vào lúc này, nhưng giữ cho tài khoản không bị âm giữa việc thu - chi, biết mình chi tiêu vào những khoản gì đã là thành công bước 1 rồi đó” - Anh chia sẻ.
Để làm được như vậy, việc đặt ngân sách cho từng nhu cầu, ghi chép lại các khoản chi là vô cùng cần thiết. Bởi nếu không, cứ mỗi hôm tiêu “túc tắc” mỗi thứ 1 ít, đến cuối tháng thành ra hết tiền, mà nhìn lại cũng chẳng biết tiền đã “bay” đi đâu. Cứ thế, làm sao mà quản lý chi tiêu cho được?
2 - Bắt buộc phải tiết kiệm!
Khi đã quản lý được dòng tiền ra - vào tài khoản mỗi tháng, bạn nên nghĩ tới mục tiêu tiết kiệm và thực hiện một cách nghiêm túc. Vì để mua được nhà, ít nhất cũng phải có vài trăm triệu trong tay để đặt cọc trước, rồi mới tính tới việc vay ngân hàng. Làm công ăn lương mà không tiết kiệm, đào đâu ra mấy trăm triệu?
“Thu nhập bao nhiêu không quan trọng, mà quan trọng là bạn dư ra bao nhiêu mỗi tháng. Nhiều người có thu nhập cao nhưng chẳng dư, thậm chí còn âm, vì chi tiêu quá nhiều. Lương của bạn là 50-100 triệu mà chẳng tiết kiệm được đồng nào thì cũng như 0.
Nếu gói ghém chi tiêu với 10 triệu/tháng, với mức lương 20 triệu, sau 3 năm, bạn sẽ để dành được hơn 360 triệu. Đây là số vốn ban đầu lý tưởng để tiến hành mua nhà” - Chàng trai khẳng định.
3 - Dự toán rõ ràng, chi tiết khoản vay
Vay ngân hàng để mua nhà là phương án được nhiều người lựa chọn, đơn giản vì giá trị căn hộ thường là tiền tỷ, hiếm ai có sẵn chừng đó trong tay. Vay tiền mua nhà không xấu, nhưng nếu không tính toán kỹ, dẫn tới tình trạng khoản vay quá lớn, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống và sức khỏe, rõ ràng cũng là điều không nên.
“Nếu dư 10 triệu mỗi tháng, theo phương án vay lãi dư nợ giảm dần của ngân hàng, bạn có thể vay tối đa 700 triệu trong vòng 20 năm. Số tiền trả gốc lãi là 10 triệu cho tháng đầu và giảm dần theo thời gian. Như vậy, với mức lương 20 triệu/tháng, bạn vẫn có thể mua 1 căn hộ nhỏ ở vùng ven TP.HCM với giá trên dưới 1 tỷ đồng.
Các căn hộ tầm 1 tỷ sẽ có diện tích tương đối cơ bản, khoảng 35-40m2 ở các vị trí như Bình Dương, Long An. Dĩ nhiên, tiền nào của đó, trong bán kính 15km vào trung tâm thì gần như không còn căn hộ nào dưới 2 tỷ” - Chàng trai chia sẻ.
Trong một video khác, chủ kênh TikTok @duyhouse cũng từng tiết lộ bản thân anh đã mua một căn hộ nhỏ ở vùng ven TP.HCM vào năm 2016 - khi lương mới chỉ được 16 triệu/tháng, và trong tay có vẻn vẹn 140 triệu đồng.
“Năm 2016, 26 tuổi, mình đã sợ khi về già, không còn sức lao động, tiền đâu mà trả tiền trọ? Sợ người ta tăng giá tiền thuê trọ mà không có khả năng chi trả. Nghe thì hơi phi lý, nhưng mình đã tiết kiệm được rất nhiều tiền từ khi mua nhà trả góp… Bạn tiết kiệm tiền, bạn có lời, nhưng giá nhà vẫn tăng và bạn vẫn phải trả tiền thuê nhà… Vậy khi nào bạn mới mua được nhà?”.
Còn bạn, bạn nghĩ sao về chia sẻ của chàng trai này?
Nhịp sống thị trường