MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chàng trai Sài Gòn từ bỏ công việc làm thêm 1000 USD và lên kế hoạch cho 36 ngày xuyên Việt

18-01-2021 - 07:11 AM | Sống

Chàng trai Sài Gòn từ bỏ công việc làm thêm 1000 USD và lên kế hoạch cho 36 ngày xuyên Việt

Trong khi những bạn bè cùng trang lứa còn chênh vênh mơ hồ về tương lai sau khi tốt nghiệp, Thanh Tính quyết thực hiện chuyến đi xuyên Việt 36 ngày bắt đầu từ Cà Mau và kết thúc ở Hà Nội để tìm hiểu mảnh đất hình chữ S.

Nguyễn Thanh Tính, sinh năm 1998, cử nhân ngành truyền thông đa phương tiện trường Đại học Công Nghệ TP HCM. Anh vừa mới kết thúc chuyến hành trình xuyên Việt của mình tại Hà Nội vào ngày 26 tháng 9 năm 2020. Mặc dù có khi phải sắp xếp lại lịch trình do dịch Covid-19 bùng phát, nhưng chàng trai Sài Gòn cảm thấy rất hạnh phúc vì mình đã hoàn thành chuyến đi theo kế hoạch đề ra và nhận được sự theo dõi và yêu mến của người thân, bạn bè trên Facebook và Instagram. Mỗi album ảnh ở những nơi anh đi qua đều nhận được hơn 1000 like. 

*Chuyến hành trình của Tính bắt đầu và kết thúc thế nào? Trong hành trình của mình, Tính ấn tượng nhất điều gì về con người và phong cảnh từ Nam chí Bắc?

Chuyến hành trình của tôi bắt đầu từ Cà Mau ngày 20 tháng 8 năm 2020 và điểm kết thúc là Tà Xùa Yên Bái, sau đó tôi quay về Hà Nội bằng xe khách và bay về Sài Gòn ngày 26 tháng 9 năm 2020. Hành trình xuyên Việt kéo dài hơn 1 tháng, tôi đến được 26 tỉnh thành khác nhau. Ở mỗi tỉnh là một khung cảnh, những con người và cả những câu chuyện khác nhau. Tôi đã biết được người dân miền Tây bươn chải vùng sông nước như thế nào để kiếm tiền, những người phụ nữ nghèo khổ ở Tây Nguyên, cho đến cụ già vùng biển miền Trung cào don xuyên đêm để kiếm sống, hay như những nụ cười trong trẻo của trẻ em vùng núi phía Bắc… Trong hành trình ấy, từ một chàng trai ngủ lười, tôi đã phải dậy từ rất sớm để đi hàng chục cây số ngắm bình minh, tìm ảnh đẹp, săn mây, và đặc biệt dậy sớm để tiết kiệm thời gian để đi được nhiều hơn, khám phá nhiều hơn… 

Điều ấn tượng nhất đối với tôi đó là hành trình khám phá vùng biên giới phía Bắc Việt Nam. Tôi băng qua những cung đường đèo bất tận, trải qua những ngày tại miền biên giới, dường như không suôn sẻ giống như dự định lắm vì… mưa. Mưa trắng xóa triền núi, bản làng khiến tôi không thể nào di chuyển nhiều như mình đã dự định, tuy nhiên, khi những cơn mưa dứt, mùi đất ngai ngái cùng không khí mát như đánh thức chàng trai trẻ trong tôi và khiến lòng tôi yêu thêm chuyến đi. Những chiếc lồng đèn nhỏ xinh tôi đã gửi đến các bé vùng cao tuy là món quà nhỏ nhưng cũng phần nào mang đến cho các em niềm vui. Và chỉ cần có vậy, các em đã vui cười tít mắt, trên những khuôn mặt ấy có những nụ cười vô cùng đáng yêu.

Trong hành trình, do dịch bệnh, một số dịch vụ tại Cà Mau đóng cửa không cho du khách tham quan, khiến tôi rút ngắn lịch trình. Điều này vừa có lợi là tôi sẽ đi lướt qua nếu nơi đó không có gì đặc biệt. Tuy vậy, tôi đã không thể trải nghiệm được các dịch vụ bên trong rừng U Minh như ăn ong, hái rau rừng…

Thời điểm tôi khám phá An Giang là mùa nắng, nhiệt độ tầm 38 độ C. Đôi khi nắng nóng và bụi đường cũng khiến tôi phải dừng chân đôi chút. Nhưng có lẽ nhớ nhất là chuyến đi Quảng Bình, tôi đón sinh nhật 22 tuổi một mình. Lúc đó, tôi cảm thấy rất cô đơn và nhớ nhà, có khi cũng chùn bước nhất là đúng ngày sinh nhật, tôi lại làm rơi máy ảnh. Tôi cố gắng vượt qua những giây phút chán nản ấy bằng cách sốc lại tinh thần và tự hỏi tại sao mình lên đường.

*Chi tiêu trong chuyến đi như thế nào cho hợp lý?

Tôi cố gắng tiết kiệm tối đa. Tôi chủ yếu thuê xe máy, giá trung bình là 150.000 đồng để tự mình đến các điểm tham quan hoặc xin quá giang được ai thì xem như hôm đó mình may mắn. 

Trước khi đến một tỉnh thành nào đó, tôi lọc danh sách những người bạn mình quen biết để xin ở nhờ hoặc giảm một phần chi phí khách sạn. Nếu không ai thân thích, buộc lòng tôi thuê khách sạn nhưng với giá bình dân, chừng 250.000 đồng/đêm. 

Tôi cũng không phải là người chi tiêu quá nhiều cho các món đặc sản. Vì thế, có khi các món ăn sáng, trưa và tối của tôi rất đơn giản, hay ở mức giá 100.000 đồng/phần. Tôi quan niệm “ăn để lấy năng lượng cho chuyến đi.”

 Chàng trai Sài Gòn từ bỏ công việc làm thêm 1000 USD và lên kế hoạch cho 36 ngày xuyên Việt  - Ảnh 1.

Thanh Tính tặng trẻ con vùng cao Hà Giang những chiếc lồng đèn nhỏ xinh.

*Trước khi là một người yêu xê dịch, Tính đã có cuộc sống thế nào? Và điều gì khiến Tính thay đổi?

Ở Sài Gòn, nhịp sống nhanh, những năm tháng học đại học, tôi đã phải trải qua nhiều công việc làm thêm khác nhau như: nhân viên phục vụ ở quán nước, phát tờ rơi, sau này thì tôi có cơ hội cộng tác với nhiều thương hiệu lớn như Gucci, Burberry, Dior... ở vị trí nhân viên tư vấn bán hàng mà tôi tự làm đơn xin vào. Thu nhập của tôi là 1000 USD, đối với một sinh viên lúc bấy giờ, đó là một khoản tiền lớn. Tôi có cuộc sống thoải mái lúc đó, nhưng công việc không làm bản thân tôi yêu thích. Tôi nghĩ mình còn rất trẻ và chưa tốt nghiệp ra trường. Vì thế, mình đã xin nghỉ việc để có thể theo đuổi ước mơ và đam mê của bản thân. Có thể nhiều người nghĩ tôi điên, nhưng tuổi trẻ cứ như con chim muốn tung cánh lên bầu trời xanh, không muốn sống mãi trong chiếc lồng son. Và như thế, tôi đã lên kế hoạch cho cuộc đời mình. Bằng một chuyến đi, nhận thức trong tôi đã thay đổi và từ đó tôi điều chỉnh được thái độ sống của mình. Tôi trân trọng giá trị lao động và văn hóa dân tộc. 

*Kết thúc chuyến đi, Tính có nuối tiếc điều gì không? Và muốn nhắn nhủ điều gì đến các bạn trẻ?

Trong 36 ngày xuyên Việt, bản thân không hối tiếc điều gì cả. Có chăng là vì thời tiết quá khắc nghiệt nên mình dừng lại hành trình sớm hơn dự định. Ở lứa tuổi giống mình chắc chắn các bạn sẽ gặp nhiều khủng hoảng lớn vì đại dịch Covid vì khoảng thời gian ra trường nhưng chưa tìm được việc làm, và mơ hồ trong việc tìm cho mình một lối riêng. 

Năm 2020 là một năm không mấy thuận lợi với tất cả mọi người. Ngay cả lịch học hành và tốt nghiệp của tôi cũng bị nhà trường thay đổi nhiều lần. Tôi cũng đã trải qua khoảng thời gian cả ngày trong căn phòng với bốn bức tường, có khi “stress” nặng. Nhưng rồi tôi đã vượt qua và có một năm 2020 đáng nhớ. Hàng triệu suy nghĩ hiện lên trong đầu mỗi tối: “Hay là tiếp tục tìm việc để xoay xở khó khăn hiện tại? nhưng thật khó”, “hay là rời Sài Gòn để đi đến những nơi chưa bao giờ được đến? để tiếp tục hành trình của một chàng trai ưa xê dịch”,.. Tôi như muốn nổ tung cả cái đầu nếu cứ tiếp tục suy nghĩ. Nhưng rồi bạn biết đấy tôi đã quyết định đi và tiếp tục theo đuổi đam mê của mình. Đừng chần chừ nữa vì thời gian và sự phát triển của xã hội ngoài kia sẽ không chờ đợi bạn. 


Theo Thanh Thu. Ảnh: Thanh Tính.

Doanh nghiệp và Tiếp thị

Trở lên trên