MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chào bán gấp 2,7 lần thị giá đang giao dịch trên sàn, Giấy Việt Trì vẫn ‘đắt hàng’

Có 11 nhà đầu tư cá nhân đăng ký mua gấp 3 lần khối lượng cổ phần Giấy Việt Trì do Tổng công ty Giấy Việt Nam mang ra đấu giá.

Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa thông báo kết quả đăng ký mua cổ phần CTCP Giấy Việt Trì do Tổng công ty Giấy Việt Nam – Công ty TNHH sở hữu.

Theo đó, Tổng công ty Giấy Việt Nam đăng ký bán hơn 2,13 triệu cp Giấy Việt Trì, tương ứng 29% vốn với giá khởi điểm 27.100 đồng/cp. HNX cho biết Có 11 nhà đầu tư cá nhân đăng ký mua đến 6,39 triệu cp, gấp 3 lần lượng cổ phần Tổng công ty Giấy Việt Nam mang ra đấu giá.

CTCP Giấy Việt Trì hoạt động trong lĩnh vực sản xuất bột giấy, giấy và bìa; kinh doanh các sản phẩm bột giấy. Vốn điều lệ 73,45 tỷ đồng. Theo số liệu từ bản công bố thông tin, tính đến 30/9, Giấy Việt Trì có 528 cổ đông gồm 2 tổ chức và 526 cá nhân. Các cổ đông lớn gồm Tổng công ty giấy Việt Nam nắm 29% vốn và 4 cổ đông cá nhân khác sở hữu 29,53% vốn.

Chào bán gấp 2,7 lần thị giá đang giao dịch trên sàn, Giấy Việt Trì vẫn ‘đắt hàng’ - Ảnh 1.

Về hoạt động kinh doanh, năm 2017, công ty sản xuất và tiêu thụ lần lượt đạt 87,5 ngàn tấn và 89,5 ngàn tấn, tăng trên 22% so với năm 2016. Theo đó, doanh thu đạt 1.153,2 tỷ đồng, tăng 27,2%. Lợi nhuận sau thuế năm 2017 ghi nhận 16,3 tỷ đồng, tăng 33,2% so với cùng kỳ năm trước. 6 tháng đầu năm 2018, doanh thu công ty tiếp tục tăng trưởng 10,7% và đạt 584,3 tỷ đồng, lãi ròng đạt 11 tỷ đồng.

Năm nay, Giấy Việt Trì đề ra mục tiêu doanh thu 1.006 tỷ đồng, giảm 13% và lãi ròng 13,6 tỷ, giảm 16,5%. Như vậy, công ty thực hiện được 58% chỉ tiêu doanh thu và 81% chỉ tiêu lãi ròng.

Chào bán gấp 2,7 lần thị giá đang giao dịch trên sàn, Giấy Việt Trì vẫn ‘đắt hàng’ - Ảnh 2.

Trong bối cảnh ngành giấy in, giấy viết không còn nhiều dư địa phát triển và cạnh tranh cao, công ty cho biết đã thực hiện chuyển dịch dây chuyền sản xuất giấy in, giấy viết sang giấy bao bì có tiềm năng tăng trưởng tốt và trở thành một trong những sản phẩm thế mạnh của công ty.

Tuy nhiên, công ty đang vấp phải vấn đề về nguyên vật liệu đầu vào. Chi phí nguyên vật liệu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu chi phí công ty (khoảng 80%) là giấy lề phế liệu và bột giấy. Hiện nay, việc Chính phủ Việt Nam đang siết chặt chính sách nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam ảnh hưởng trọng yếu đến kế hoạch sản xuất kinh doanh công ty, giấy phép nhập khẩu giấy của Việt Trì hết hạn từ đầu tháng 7 và chưa được cấp phép mới. Điều này đồng nghĩa với việc công ty sẽ phải đóng máy vì không có đủ nguyên liệu cho sản xuất trong thời gian tới nếu không được cấp phép lại.

Giấy Việt Trì đưa cổ phiếu lên giao dịch trên thị trường UPCoM vào đầu năm 2017 với giá ngày giao dịch đầu tiên 11.000 đồng/cp. Tuy nhiên, cổ phiếu Việt Trì hầu như không có thanh khoản và đi ngang ở mức giá 10.000 đồng/cp, thấp hơn mức giá Tổng công ty Giấy Việt Nam chào bán đến 63%.

Theo Tường Như

NDH

Trở lên trên