“Chấp” hàng T+3, tiền mua sầm sập, cổ phiếu ngân hàng dựng ngược
Diễn biến chỉ số VN-Index hôm nay thể hiện đà tăng kéo dài liên tục.
Hôm nay không ít nhà đầu tư thấp thỏm trước khối lượng cổ phiếu lớn bắt đáy trong ngày lao dốc 8/6 về tài khoản. Tuy nhiên lực mua đã cuốn hết những ai muốn chốt lời ngắn hạn...
Thị trường hào cực cao độ trong phiên cuối tuần, đặc biệt là hệ thống giao dịch của HoSE bất ngờ thông suốt. Thanh khoản có chiều hướng giảm nhẹ, nhưng tiền vào cổ phiếu ngân hàng vẫn “khủng”.
Tâm điểm của thị trường vẫn là nhóm cổ phiếu ngân hàng, những mã đang bị xả nhiều nhất từ đầu tuần. Mức điều chỉnh là khác nhau, nhưng nhóm ngân hàng blue-chips giảm ít nhất và hôm nay phục hồi mạnh nhất toàn thời gian. Bất ngờ là đây lại chính là các cổ phiếu lời nhất trong vòng quay bắt đáy đầu tiên.
CTG tăng kịch trần là cổ phiếu mạnh nhất nhóm. Lợi nhuận T+3 của CTG cũng lên tới gần 8%, cao nhất nhóm chủ yếu nhờ phiên hôm nay. Trong số các mã điều chỉnh từ đỉnh cao tuần trước, CTG cũng phục hồi tốt nhất, hiện chỉ còn thấp hơn đỉnh khoảng 2,04%.
Thanh khoản của CTG hôm nay đáng lẽ cao hơn mức 18 triệu cổ, do đến cuối phiên chiều mã này đã được chặn mua trần. Khối lượng bán ra trong phiên chiều không cao nên thanh khoản cả phiên xuống thấp. Nhà đầu tư nước ngoài cũng mua ủng hộ 1,1 triệu CTG.
Nhóm ngân hàng nói chung đều phục hồi mạnh mẽ và đem lại lợi nhuận bắt đáy T+3 rất khả quan. STB tăng 5,54%, so với tham chiếu, lãi T+3 khoảng 6,64%. HDB tăng 5,35%, lãi T+3 là 6,66%. TCB tăng 4,99%, lãi T3 6,26%. MBB tăng 3,96%, lãi T3 5,63%...
Những cổ phiếu ngân hàng khác tuy lãi T3 có phần kém hơn, nhưng mức tăng giá hôm nay cũng khá tốt: TPB tăng 3,83%, BID tăng 2,96%, ACB tăng 1,61%, VCB tăng 0,98%. Duy nhất VPB lại giảm 0,14% nhưng cổ phiếu này cũng là mã ngân hàng duy nhất không giảm trong tuần.
Một điều rất rõ là mặc dù tăng mạnh mẽ ngày cuối tuần, cổ phiếu ngân hàng vẫn chưa thể bù đắp được hết mức giảm đầu tuần. Có tới 14 cổ phiếu ngân hàng vẫn ghi nhận mức giảm tuần này trên 5% và trong 27 mã ngân hàng nói chung thì duy nhất VPB là không giảm. Mất giá sâu nhất tuần là BAB -10,89%, NAB -10,66%, SGB -10%, EIB -8,98%, SHB -8,31%. Ngược lại, nhóm ngân hàng blue-chips có mức giảm không quá mạnh: VCB giảm 2% trong tuần, CTG giảm 2,04%, HDB giảm 2,82%, TCB giảm 3,66%.
Việc cổ phiếu thanh khoản nhất thị trường và biến động mạnh nhất là ngân hàng vượt qua phiên T+3 đã đem lại sự tự tin nhất định cho thị trường chung. Đà tăng giá của nhóm này có sức lan tỏa lớn. Nếu hôm nay lực xả T+3 đẩy cổ phiếu ngân hàng tiếp tục lao dốc thì rất có thể các cổ phiếu còn lại cũng rơi vào hoảng loạn.
VN-Index tăng mạnh 28,16 điểm phiên này có công rất lớn từ cổ phiếu ngân hàng. CTG, TCB, BID lọt vào top 5 cổ phiếu kéo điểm số mạnh nhất. Nếu mở rộng ra Top 10 thì có thêm MBB, VCB và STB.
Cơ cấu này cho thấy không phải chỉ riêng nhóm ngân hàng nâng đỡ thị trường hôm nay. VN30-Index tăng 2,51% cuối ngày với 27 mã tăng và 3 mã giảm. VNM là trụ duy nhất đỏ, mất 0,22%. Còn lại VIC tăng tốt 1,29%, VHM tăng 1,83%, MSN tăng 2,81%, HPG tăng 2,91%.
Điều quan trọng hơn là độ rộng của HoSE cuối ngày có tới 293 mã tăng/104 mã giảm, khoảng 110 cổ phiếu tăng trên 2%, khoảng 75 cổ phiếu khác tăng trên 1%. Đó là độ rộng tích cực xác nhận biên độ tăng giá ấn tượng. Thị trường chung điều chỉnh ngay từ đầu tuần và cổ phiếu cũng vậy. Nói cách khác, thị trường bước vào ngày T+3 hầu hết là như nhau và cũng vượt qua áp lực ngắn hạn thành công như nhau.
Thực tế thanh khoản phiên này đã sụt giảm nhẹ. Ngay cả khi giá cổ phiếu tăng mạnh thì giá trị khớp lệnh cũng giảm hơn 3% trên sàn HoSE, đạt 22.583 tỷ đồng. Trong khi đó khối lượng giao dịch lại tăng gần 5%. Điều đó nghĩa là thanh khoản có tín hiệu dồn vào các cổ phiếu thị giá thấp. Giá trị khớp của VN30 hôm nay giảm 4% trong khi Smallcap là nhóm duy nhất tăng gần 5%.
Nhà đầu tư nước ngoài hôm nay có phiên mua ròng thứ hai liên tiếp khá tích cực. Hôm qua cổ phiếu HoSE được mua ròng 221,3 tỷ đồng. Hôm nay sàn này được mua ròng gần 611 tỷ đồng. PLX, VHM, KDH, STB, PDR, VNM, SSI, CTG, HDB được mua ròng mạnh mẽ, đều trên 40 tỷ đồng trở lên. Phía bán ròng có DXG, HPG, GEX tương đối lớn.
VnEconomy