MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ChatGPT khiến Google hoảng hốt phát báo động đỏ toàn công ty, nhưng lại không dám tung chatbot AI ‘nhà làm’ ra tuyên chiến

03-01-2023 - 16:23 PM | Kinh tế số

ChatGPT khiến Google hoảng hốt phát báo động đỏ toàn công ty, nhưng lại không dám tung chatbot AI ‘nhà làm’ ra tuyên chiến

‘Báo động đỏ’ hay ‘Code Red’ trong Google mang ý nghĩa: ‘Hai tay đặt hết lên bàn phím! Nhân viên dù phải làm thêm giờ, bỏ ăn bỏ ngủ cũng phải giải quyết xong vấn đề.’

Ngay trước lễ Giáng Sinh, Sundar Pichai - CEO của Google - đã vội vã phát ‘Báo động đỏ’ (‘Code Red’) cho toàn công ty công ty vì ChatGPT đang trở nên quá bùng nổ trên toàn cầu.

ChatGPT là gì mà lại khiến Google 'phát hoảng'?

ChatGPT là một chatbot do Open AI phát triển, được ra mắt vào ngày 30/11/2022. Chỉ sau 5 ngày, đã có hàng triệu người dùng đăng ký công cụ này. ChatGPT được đánh giá là ‘trả lời câu hỏi như người thật’, có thể trình bày ý tứ một cách logic, có chiều sâu và cực kỳ trôi chảy cho các câu hỏi phức tạp. Được đánh giá là công cụ mạnh hơn bất cứ chatbot nào từng có trước đây, ChatGPT có thể viết kịch bản, viết tiểu luận cấp đại học, viết content, ‘nghĩ’ hộ tên công ty hay cửa hàng cho bạn, vân vân.

Khi ChatGPT mới ra mắt, nhiều người dùng thử nghiệm cho rằng ‘ChatGPT có thể thay thế công cụ tìm kiếm của Google’. Hồi đó, Google bỏ ngoài tai các bình luận như vậy và nói ‘không có gì phải lo lắng’. Nhưng chỉ một tháng sau, đội ngũ điều hành của Google bất chợt ‘quay xe’ và phát hoảng trước sự đe dọa tiềm tàng của chatbot này.

‘Báo động đỏ’ ở Google có nghĩa là gì?

Việc bật báo động đỏ không phải chuyện hiếm trong nội bộ Google. Trong quá khứ, công ty đã từng làm vậy với một số sản phẩm hay hệ thống nội bộ khi có vấn đề.

Ở thung lũng Silicon, các công ty công nghệ thường có một hệ thống cảnh báo màu lấy cảm hứng từ hệ thống báo động phòng thủ của phi thuyền trong phim Star Trek. Hệ thống bao gồm các màu xanh lá cây, xanh dương, vàng, đỏ và các màu khác, đại diện cho các mức khẩn cấp cao thấp khác nhau. Google và LinkedIn cũng đang sử dụng hệ thống cảnh báo màu này.

Ở Google, báo động vàng (Code Yellow) được bật khi có các sự kiện sắp sửa đe dọa đến hệ thống hay sản phẩm trong trong tương lai gần. Ví dụ, khi ổ cứng của một sản phẩm sắp hết chỗ hay API bên thứ ba cần được loại bỏ. Báo động vàng có nghĩa là công ty có vấn đề nhưng tình hình không nghiêm trọng. Nhân viên cần ưu tiên vấn đề ấy hàng đầu nhưng chưa cần phải làm thêm giờ để khắc phục. Thông thường báo động vàng sẽ kéo dài vài tuần hay vài tháng, bởi tình hình không đến nỗi quá cấp bách.

Nhưng báo động đỏ thì khác, nó tượng trưng cho một cuộc khủng hoảng khẩn cấp. Ví dụ như công cụ tìm kiếm, Gmail hay một chức năng quan trọng của sản phẩm nào đó đột nhiên bị treo trong những trường hợp không mong muốn. Khi đó, nhân viên dù phải làm thêm giờ, bỏ ăn bỏ ngủ thì cũng phải cố mà sửa cho xong. Báo động đỏ thường kéo dài lâu nhất là vài ngày. Khi có báo động đỏ, code sau khi sửa sẽ được đẩy vào hệ thống sản phẩm luôn mà không cần phải đi qua các quy trình như rà soát hay chạy thử, nếu có bug không đáng kể thì xử lý sau cũng được.

Ý nghĩa thật sự của lần báo động đỏ với ChatGPT

Các nhân viên của Google cho rằng lần bật báo động đỏ với ChatGPT không phải là do có vấn đề thật sự mà chỉ là một cảnh báo mang tính ẩn dụ trước mối đe dọa của công cụ này. Ý của ‘sếp’ Pichai khi gióng lên hồi chuông cảnh báo này là: ‘ Các anh phải coi mối đe dọa của ChatGPT cũng nghiêm trọng không khác gì Google Tìm Kiếm bị sập’ , nhằm ‘đánh thức’ nội bộ Google khỏi giấc ngủ quên chiến thắng. Trong thời gian báo động đỏ vừa qua, đội ngũ R&D các công nghệ tương tự của Google đã tổ chức các cuộc họp chuyên sâu để thảo luận chiến lược cho giai đoạn sau kỳ nghỉ Giáng Sinh.

Google cũng có sản phẩm tương tự, tại sao phải e sợ ChatGPT?

Về lý thuyết, ChatGPT không có gì mới. Nó được dựa trên mô hình GPT3/GPT3.5. Mô hình này đã có từ lâu và Google không còn lạ gì với nó.

Tuy nhiên, trên thực tế, ChatGPT đã đạt được một kỳ tích mà các sản phẩm dựa trên GPT-3 khác đều không thể với tới. Nó đã trở thành sản phẩm đầu tiên trong giới học thuật AI được số đông người dùng phổ thông tiếp cận. Tuy đã đóng đăng ký người dùng nhưng ChatGPT vẫn liên tục được truyền thông theo dõi. Cư dân mạng chia sẻ các cuộc trò chuyện thú vị với ChatGPT trên khắp các nền tảng mạng xã hội, trở thành chủ đề ‘hot’ nhất gần đây.

Chính việc phá vỡ hàng rào và bước ra thế giới này của ChatGPT đã khiến Google thực sự lo lắng. Năm ngoái, Google đã phát hành mô hình ngôn ngữ lớn LaMDA (Language Model for Dialog Applications) và mô hình đa tác vụ đa phương thức MUM (Multitask Unified Model) cho các ứng dụng hội thoại. Hai mô hình này có các khả năng cơ bản giống như ChatGPT như đối thoại, tạo văn bản, tìm kiếm đa phương thức, vân vân.

Một đoạn hội thoại với LaMDA của Google:

‘- Bí mật để làm nên một chiếc máy bay giấy tốt là gì?

- Hừm, bạn ơi, bạn phải nói rõ thế nào là ‘tốt’ đã. Là bay được xa, bay được thẳng hay là hạ cánh mượt. Bạn nghĩ sao?’

Google đã đi trước và làm nên sản phẩm tương tự của riêng mình, tại sao phải lo sợ? Nguyên nhân là LaMDA tuy đã ra mắt được một năm nhưng vẫn chưa được công chúng tiếp cận rộng rãi như ChatGPT. Nói thẳng ra, Google nhận ra rằng LaMDA và MUM đã được phát hành sớm hơn nhưng lại tụt hậu so với ChatGPT, đây là một sai lầm lớn và mức độ nghiêm trọng cũng như cấp bách của nó nên được coi là sự cố nội bộ.

Tại sao Google không tung luôn AI ‘nhà làm’ ra để cạnh tranh?

Google vẫn chưa dám mạo hiểm với các sản phẩm AI do hai lý do chính sau đây.

Thứ nhất, Google vẫn đang e ngại trước vấn đề đạo đức AI. Trong vài năm qua, Google đã dính vào nhiều bê bối đạo đức AI, ví dụ như chặn các bài viết học thuật của các nhà nghiên cứu nữ vốn đang thuộc nhóm thiểu số, hay phát triển các sản phẩm công nghệ nhạy cảm cho chính phủ các nước khác. Google lo ngại nếu tung sản phẩm tương tự ra thị trường mà lại gặp phải cú ‘phốt’ tương tự về mặt đạo đức thì rất khó duy trì hình ảnh công ty.

Thứ hai, Google sợ ‘tự bắn vào chân mình’. Lợi nhuận chính của Google đến từ quảng cáo. Nhưng trong chatbot nói riêng hay khái niệm ‘dịch vụ hội thoại’ nói chung, quảng cáo là điều cấm kỵ. Cứ thử tưởng tượng mà xem, khi đang tâm sự với một người bạn, thi thoảng anh ta lại đọc cho bạn nghe đôi ba dòng quảng cáo thì mới thật là khó chịu! Do đó, việc thương mại hóa LaMDA một cách chậm chạp không hẳn là lỗi của Google.

Trên đây là những lý do khiến Google 'phát hoảng' và vội vàng đi tìm đối sách trước sự đe dọa của ChatGPT. Thẳng tay mua lại OpenAI cũng là cách hay vì Google cũng đâu thiếu tiền. Tuy nhiên, trước xu hướng chống độc quyền công nghệ ngày càng nghiêm ngặt của Hoa Kỳ, Google liệu có giành được mọi thứ mình muốn hay không thì còn phụ thuộc vào các cơ quan quản lý.

Tham khảo từ: Sina Tech

Theo Thùy An

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên