MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Châu Á đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng trị giá 800 tỷ USD?

12-12-2019 - 17:00 PM | Tài chính quốc tế

Theo một báo cáo, châu Á hiện “không thể tự nuôi sống mình” - và cần đầu tư thêm 800 tỷ USD trong 10 năm tới để sản xuất thêm lương thực và đáp ứng nhu cầu của khu vực này.

Dân số ở châu Á đang tăng lên, và người tiêu dùng đang đòi hỏi thực phẩm an toàn hơn, lành mạnh hơn và bền vững hơn.

Chi tiêu dành cho thực phẩm sẽ tăng hơn gấp đôi - từ 4 nghìn tỷ USD vào năm 2019 lên hơn 8 nghìn tỷ USD vào năm 2030, báo cáo "Thách thức về vấn đề thực phẩm của châu Á" được công bố vào tuần trước cho biết.

Theo các tác giả của báo cáo do PwC, Rabobank và công ty đầu tư Temasek của Singapore biên soạn, "nếu khoản đầu tư này không thành hiện thực, chúng tôi tin rằng ngành công nghiệp này sẽ phải vất vả để theo kịp nhu cầu, dẫn đến những kết quả về lương thực kém hơn cho dân số châu Á".

Tại sao châu Á đang phải đối mặt với vấn đề lương thực?

Theo báo cáo được công bố vào ngày 20/11 vừa qua, "châu Á hiện không thể tự nuôi sống mình, mà phải dựa vào hàng nhập khẩu qua các chuỗi cung ứng dài từ châu Mỹ, châu Âu và châu Phi".

Điều đó phù hợp với nghiên cứu từ một báo cáo của Hội nghị Liên hiệp quốc về thương mại và phát triển năm 2018. "Nhìn chung, các quốc gia ở Mỹ Latinh, Đông Phi và Nam Á là những nhà xuất khẩu thực phẩm ròng, trong khi hầu hết phần còn lại của châu Á và châu Phi vẫn là nơi nhập khẩu thực phẩm ròng", báo cáo "Thống kê và xu hướng chính trong thương mại quốc tế" cho biết.

Điều đó có nghĩa là châu Á phụ thuộc rất nhiều vào các quốc gia khác để đáp ứng một trong những nhu cầu cơ bản của lục địa này.

"Thực phẩm là một chủ đề nhạy cảm và nhiều cuộc chiến tranh cũng như nhiều cuộc nổi dậy nội bộ đã xảy ra trong lịch sử cũng là vì thực phẩm. Và điều đó có thể sẽ tiếp tục là như thế", Richard Skinner, trưởng bộ phận chiến lược và hoạt động khu vực Thái Bình Dương của PwC, nói với truyền thông một ngày trước khi báo cáo trên được công bố.

"Chúng ta hiện rất phụ thuộc vào những nước khác về công nghệ và thực phẩm. Và nếu không giải quyết điều này, sẽ có nhiều vấn đề ở ngưỡng cửa của chúng ta", Skinner phát biểu thêm.

Biến đổi khí hậu và gia tăng dân số cũng sẽ làm tăng thêm các vấn đề của khu vực bằng cách gây ra những vấn đề về nguồn cung, cũng như biến động giá cả. Chẳng hạn, thời tiết khắc nghiệt có thể làm giảm năng suất cây trồng và thay đổi cách thức trồng trọt, báo cáo cho biết. Lượng đất trồng trọt cho mỗi người ở châu Á dự kiến ​​sẽ giảm 5% vào năm 2030, báo cáo viết.

Trong khi đó, dân số Châu Á có thể tăng khoảng 250 triệu người trong thập niên tới - tương đương với một quốc gia Indonesia khác, báo cáo cho hay.

"Khi bạn bắt đầu gộp tất cả chúng lại với nhau, cho dù đó là sự thay đổi khí hậu, dân số gia tăng, người tiêu dùng khó tính hơn, thì tất cả những thứ đó sẽ là một bức tranh khá đáng sợ", Skinner nói với CNBC. "Nếu không giải quyết vấn đề này, chúng ta sẽ rơi vào một tình hình trong 10 năm tới".

800 tỷ USD sẽ đi về đâu?

"Có một cơ hội đầu tư trị giá 800 tỷ USD trong ngành công nghiệp thực phẩm nông nghiệp ở châu Á cần được lấp đầy trong thập niên tới", Skinner nói, đồng thời cho biết thêm rằng công nghệ, mà là đặc biệt sự đổi mới, sẽ là điều then chốt.

Khoảng một nửa khoản đầu tư đó có thể đến Trung Quốc, theo báo cáo.

"Cơ hội lớn nhất cho ngành thực phẩm nông nghiệp ở châu Á có lẽ là ở Trung Quốc, Anuj Maheshwari, giám đốc điều hành của Temasek, phát biểu với truyền thông vào hôm thứ Ba. Đó là vì các công ty nông nghiệp mà sử dụng những công nghệ tự động hóa thông minh đã tồn tại sẵn ở quốc gia này, ông nói thêm.

Chẳng hạn, công ty DJI có trụ sở tại Thâm Quyến sản xuất máy bay không người lái phục vụ cho nông nghiệp, chuyên phun thuốc trừ sâu và phân bón, và tìm ra nguồn dịch bệnh. Công ty công nghệ Trung Quốc này đã chiếm được hơn 70% thị phần máy bay không người lái dân dụng thế giới trong năm 2018, theo Skylogic Research, công ty chuyên phân tích về máy bay không người lái, cho biết.

Các tác giả của báo cáo cho rằng đó là lý do vì sao các thành phố của Trung Quốc như Thâm Quyến, Bắc Kinh và Thượng Hải có thể là trung tâm đổi mới về thực phẩm nông nghiệp tiềm năng. Những nơi này có kinh nghiệm về thực phẩm nông nghiệp, môi trường pháp lý mạnh mẽ dành cho các công ty khởi nghiệp và tài năng có khả năng cạnh tranh, theo báo cáo. Với tất cả những điều đó, họ đã sẵn sàng thúc đẩy đổi mới và đầu tư trong ngành này.

Singapore và thành phố Bangalore của Ấn Độ, cùng nhiều nơi khác, cũng được xem là những trung tâm tiềm năng.

"Có lẽ một ngày nào đó người tiêu dùng sẽ chọn và trả nhiều tiền hơn cho một loại thực phẩm nào đó vì trên đó có dán con tem phê duyệt của Singapore hoặc Bangalore", báo cáo viết.

"‘Được sản xuất với công nghệ Singapore’ có thể trở thành một dấu ấn khu vực đáng tin cậy cho thực phẩm Đông Nam Á trong những năm tới".

Lê Thanh Hải

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên