MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Châu Á sẽ là động lực chính thúc đẩy giá ngô lập những kỷ lục mới

18-01-2021 - 20:29 PM | Thị trường

Châu Á sẽ là động lực chính thúc đẩy giá ngô lập những kỷ lục mới

Giá ngô trên thị trường thế giới đã tăng liên tiếp kể từ tháng 8/2020 tới nay. Ngày 14/1/2021, hợp đồng ngô tham chiếu trên sàn Chicago đã đạt 5,39 USD/bushel, mức chưa từng thấy kể từ giữa năm 2013.

Chỉ riêng trong một tuần qua, giá ngô trên sàn Chicago tăng 7,6%, kết thúc tuần ở mức 5,33-3/4 USD/bushel. Tính từ đầu năm 2021 đến nay, giá ngô đã tăng 10%, còn so với một tháng trước đây, mặt hàng này đã tăng thêm 1/4 giá trị.

Trước đó, trong năm 2020, giá ngô đã tăng khoảng 25%.

Châu Á sẽ là động lực chính thúc đẩy giá ngô lập những kỷ lục mới - Ảnh 1.

Đặc biệt, giá ngô tại Châu Á năm 2020 đã tăng rất mạnh, theo đó giá tại Trung Quốc đã tăng lên cao gấp đôi so với ngô Mỹ. Cụ thể, giá ngô tại Trung Quốc tháng 12/2020 đạt 394 USD/tấn.

Các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi Hàn Quốc đã phải trả giá ngô trung bình cho hợp đồng giao hàng trong nửa đầu năm 2021 lên đến 243,42 USD/tấn, CFR, tăng 32,5 USD/tấn (15%) so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu của Platts.

Châu Á sẽ là động lực chính thúc đẩy giá ngô lập những kỷ lục mới - Ảnh 2.

Nguyên nhân chính đẩy giá ngô tăng mạnh trong thời gian qua là nhu cầu từ các thị trường Châu Á, nhất là Trung Quốc, tăng đột biến khi các nước trong khu vực khôi phục đàn lợn sau dịch tả lợn Châu Phi, và triển vọng nguồn nguồn ở các nước Nam Mỹ sụt giảm do thời tiết khô hạn, giữa bối cảnh dòng chảy thương mại toàn cầu bị gián đoạn vì dịch Covid-19 và tình trạng thiếu container.

Nhu cầu thức ăn chăn nuôi

Thị trường ngô năm thế giới 2020 đối mặt với những sóng gió chưa từng có. Nhu cầu giảm mạnh trong quý II/2020 do đại dịch Covid-19 làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, nhu cầu hồi phục rất nhanh sau đó, và tính chung cả năm 2020, nhập khẩu ngô vào hầu hết các thị trường trên thế giới đều tăng, trong đó nhập khẩu vào Trung Quốc tăng gấp 4 lần.

Châu Á sẽ là động lực chính thúc đẩy giá ngô lập những kỷ lục mới - Ảnh 3.

Nhu cầu ngô tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam năm qua đều ổn định, mặc dù nhu cầu trên toàn cầu nhìn chung sụt giảm do các lĩnh vực thực phẩm, đồ uống và du lịch bị gián đoạn bởi đại dịch Covid-19.

Người tiêu dùng Hàn Quốc chuyển hướng từ ăn ở nhà hàng sang ngoài sang ăn tại nhà và điều đó giúp duy trì nhu cầu thực phẩm chế biến, trong đó có các sản phẩm chăn nuôi. Theo công ty tư vấn Euromonitor, quốc gia này năm 2019 đứng thứ 3 trên thế giới về dịch vụ đặt hàng thực phẩm, và xu hướng này dự kiến vẫn tiếp diễn trong năm 2021.

Bên cạnh nhu cầu đối với các dịch vụ thực phẩm, chi phí các thành phần thức ăn chăn nuôi khác như bã rượu khô (DDGS - sản phẩm phụ của quá trình chiết xuất ehtanol từ ngũ cốc lên men) cũng giúp đẩy tăng nhu cầu ngô làm thức ăn chăn nuôi. Việc thay thế ngô bằng DDGS sẽ còn tiếp diễn trong năm 2021.

Nhu cầu ethanol toàn cầu năm 2021 dự báo sẽ tăng 13,2% so với năm trước, đạt 1,89 triệu thùng/ngày, song sẽ chưa hồi phục trở lại mức trước khi xảy ra đại dịch Covid-19 cho tới 2022.

Báo cáo tháng 11/2020 của Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo sử dụng ngô làm thức ăn chăn nuôi của Hàn Quốc giai đoạn 1/9/2020 đến 31/10/2021 sẽ tăng lên 9,1 triệu tấn, cao hơn 4,3% so với con số đưa ra ở tháng trước đó, so số lợn nuôi tăng lên.

Đặc biệt đáng chú ý là thị trường Trung Quốc, với nhập khẩu ngô và đậu tương tăng mạnh trong năm 2020, và dự báo nhập khẩu ngô sẽ còn tiếp tục tăng trong năm 2021. Sự thiếu hụt nghiêm trọng thịt lợn ở Trung Quốc đã đẩy nhập khẩu thịt vào nước này tăng lên mức cao kỷ lục lịch sử trong năm 2020, giữa bối cảnh nước này cũng hết sức nỗ lực tái đàn lợn lên gấp đôi để đáp ứng nhu cầu thịt lợn.

Tính đến ngày 31/10/2020, sản lượng thịt lợn của Trung Quốc đã bằng 88% mức trước khi xảy ra dịch tả lợn Châu Phi (ASF), theo thông tin mới nhất từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trung Quốc.

Tổng đàn lợn của nước này đã đạt 387 triệu con, tăng 27% so với cùng kỳ năm trước, trong đó số lợn nái liên tục tăng trong 13 tháng liên tiếp và tính chung cả năm 2020 tăng 32%.

Nhập khẩu ngô của Trung Quốc dự kiến ​​sẽ vượt trội so với các khu vực khác. Có nhiều dự báo khác nhau về con số dự báo nhập khẩu ngô vào Trung Quốc trong năm 2021, theo đó sẽ vào khoảng 22 - 30 triệu tấn.

"Nhu cầu thức ăn chăn nuôi ở Trung Quốc dự báo sẽ tiếp tục tăng do lượng lợn nuôi sẽ tiếp tục hồi phục trong vài tháng tới, và chúng tôi hy vọng đàn lợn của Trung Quốc sẽ được khôi phục hoàn toàn vào cuối năm 2021", Bryan Lohmar, Giám đốc mảng thị trường Trung Quốc của US Grains cho biết.

Để đáp ứng nhu cầu "khổng lồ" của Trung Quốc đối với mặt hàng thịt lợn, hàng nghìn con lợn nhập khẩu đã được chở tới Trung Quốc b ằng đường hàng không, và xu hướng này dự báo vẫn tiếp diễn trong năm 2021", "Năm 2021 có lẽ sẽ là một năm kỷ lục của hãng Genesus khi chúng tôi đăng ký với các trang trại lợn ở Anh và Mỹ để mua lợn", Lyle Jones, giám đốc kinh doanh của Genesus Inc ở Trung Quốc, cho biết.

Nguồn cung bị ảnh hưởng

Trong khi nhu cầu ngô tăng thì hiện tượng thời tiết La Nina ảnh hưởng tới sản lượng tại những nước xuất khẩu chủ chốt.

Trong báo cáo công bố tháng 1/2021, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã hạ dự báo về sản lượng ngô thế giới niên vụ 2020/21 do sản lượng giảm nhiều ở Argentina, Brazil, Liên minh Châu Âu và Mỹ, mặc dù của Trung Quốc và Ấn Độ tăng nhẹ. Do đó, xuất khẩu ngô thế giới dự báo cũng sẽ giảm sút.

Châu Á sẽ là động lực chính thúc đẩy giá ngô lập những kỷ lục mới - Ảnh 4.

Với dự báo cầu tăng mạnh hơn cung, triển vọng thị trường ngô thế giới năm 2021 sẽ vẫn sôi động, và giá trung bình dự báo sẽ cao hơn năm 2020.

Tuy nhiên, khi giá tăng quá nhiều, các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi sẽ có xu hướng chuyển sang những nguyên liệu thay thế khác.

Ngoài ra, dịch ASF vẫn là mối đe dọa lớn đối với đàn lợn của thế giới, ảnh hưởng gián tiếp đến nhu cầu ngô. Hiện nhiều nước Châu Âu và Châu Á vẫn thông báo phát hiện các ổ dịch mới.

Vắc-xin ngừa ASF sẽ là giải pháp hiệu quả cho ngành chăn nuôi trong thời gian tới. Hiện các nước đang chạy đua trong cuộc sản xuất vắc xin này. Một số loại vắc-xin đã qua nhiều giai đoạn thử nghiệm, song các nhà phân tích cảnh báo rằng vẫn còn quá sớm để nói rằng khi nào vắc-xin ASF sẽ có mặt trên thị trường. Mà chừng nào chưa có vắc-xin thì nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại vẫn còn rất cao.

Tham khảo: Spglobal, USDA, Refinitiv

Thu Ngân

Kinh doanh và phát triển

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên