MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Châu Á thở phào khi Indonesia nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu than

12-01-2022 - 19:15 PM | Thị trường

Châu Á thở phào khi Indonesia nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu than

Indonesia vừa thông báo cho phép 14 tàu chở than khởi hành đi giao hàng cho các khách hàng nước ngoài ngay sau khi có bảo xác minh từ các cơ quan khai thác và vận tải, chính thức nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu áp dụng trước đó 10 ngày.

Ngày 1/1, nước xuất khẩu than nhiệt lớn nhất thế giới đình chỉ xuất khẩu mặt hàng này sau khi Công ty Điện lực Nhà nước (PLN) báo cáo lượng dự trữ nhiên liệu còn rất thấp. Động thái này đẩy giá than trên toàn cầu tăng trong tuần qua, và khiến Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines cùng lên tiếng kêu gọi Indonesia xem xét lại chính sách xuất khẩu để hạ nhiệt giá than.

"Tính đến hôm nay, sau khi thấy điều kiện cung cấp than tại PLN đã tốt hơn nhiều, 14 tàu đã chất đầy than và đã được người mua thanh toán, có thể được xuất khẩu ngay lập tức", Bộ trưởng Điều phối Các vấn đề Hàng hải và Đầu tư, Luhut Pandjaitan, cho biết trong một tuyên bố phát đi ngày 10/1.

Trước đó, một loạt các quốc gia Châu Á đã kêu gọi Indonesia dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu than với lý do chính sách này sẽ gây bất lợi cho các nền kinh tế vốn phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu để phát điện. Trong đó, mới đây nhất, ngày 10/1, Bộ trưởng Năng lượng Philippines, Alfonso Cusi, đã phải đề nghị Bộ Ngoại giao thay mặt Philippines can thiệp và kêu gọi thông qua cơ chế hợp tác của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Philippines phụ thuộc tới 70% vào than nhập khẩu trong năm 2020.

Trong khi đó, từ Nhật Bản, người phát ngôn của JERA, nhà sản xuất điện lớn nhất Nhật Bản, tuần qua cũng cho biết: "Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ diễn biến của các cuộc đàm phán giữa ngành than địa phương và chính phủ Indonesia", và "Trong trường hợp lệnh cấm kéo dài, chúng tôi sẽ thu mua than linh hoạt thông qua công ty con thương mại toàn cầu của mình". Than Indonesia chiếm khoảng 19% tổng nhu cầu than của Nhật Bản trong tài khóa vừa qua. Nước này đã yêu cầu Indonesia cho phép 5 tàu đã chất đầy than được bắt đầu hành trình đến Nhật Bản.

Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Yeo Han-koo cũng đã gọi video với người đồng cấp Indonesia hôm 7/1 và nói rằng ông "lo ngại về lệnh cấm xuất khẩu than của Indonesia và mạnh mẽ yêu cầu chính phủ Indonesia hợp tác để nhanh chóng nối lại việc xuất khẩu than".

Ngay cả các nhà sản xuất than Indonesia cũng tha thiết mong Chính phủ cho xuất khẩu trở lại.

Hendra Sinadia, giám đốc điều hành của Hiệp hội khai thác than Indonesia, cho biết tập đoàn đã tổ chức các cuộc gọi với các nhà nhập khẩu than Trung Quốc để giảm bớt lo lắng cho phía khách hàng.

Lệnh cấm của Indonesia đã khiến giá than ở Trung Quốc và Australia tăng trong tuần vừa qua, trong khi số lượng tàu dự kiến ​​chở than cho các khách hàng lớn như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Ấn Độ đã ở trong tình trạng lấp lửng ngoài khơi Kalimantan, nơi có các cảng than chính của Indonesia.

Theo Bộ trưởng Luhut của Indoneia, sau khi xử lý khẩn cấp cho 14 tàu chở than xuất cảng, Chính phủ sẽ tiến hành xem xét vào thứ Tư (13/1), và nếu quyết định hủy bỏ lệnh cấm thì sẽ thực hiện dần dần đồng thời đánh giá việc nối lại xuất khẩu sẽ ảnh hưởng ra sao tới việc tuân thủ các quy tắc được gọi là Nghĩa vụ Thị trường Nội địa (DMO). Theo các quy định của DMO, các công ty khai thác phải bán 25% sản lượng của họ ở thị trường nội địa cho các nhà máy điện trong nước với giá tối đa 70 USD/tấn.

Ông Luhut cho biết Chính phủ sẽ đưa ra một công thức định giá mới để PLN sẽ trả giá mua than theo giá thị trường. Công thức đó có thể liên quan đến việc thu thuế than. Các nhà chức trách Indonesia sẽ thảo luận về kế hoạch này trong vòng một tuần, và hàng tháng sẽ đánh giá việc tuân thủ DMO .

Giám đốc điều hành Hiệp hội khai thác than Indonesia Hendra Sinadia cho biết tập đoàn đánh giá cao việc nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu và sẽ tuân thủ các quyết định của chính phủ. Trong khi đó, PLN chưa có bình luận gì.

Chính phủ Indonesia cũng cho biết họ sẽ đảm bảo tất cả nhu cầu than năm 2022 của PLN trong vòng hai tuần sau khi nối lại việc xuất khẩu để giảm thiểu rủi ro về nguồn cung trong tương lai tại các nhà máy phát điện trong nước. Công ty điện lực cho biết họ đã có 13,9 triệu tấn than dự trữ, nhưng muốn con số này là 20 triệu tấn để đạt mức tương đương sử dụng trong 20 ngày cho các nhà máy nhiệt điện của mình.

Thế giới vừa trải qua một cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng, một phần do giá than cao kỷ lục lịch sử dẫn đến thiếu điện trầm trọng ở nhiều nơi, nhất là Trung Quốc và Ấn Độ. Do đó, việc Indonesia ngừng xuất khẩu than được thế giới theo dõi chặt chẽ.

Trong một báo cáo phối hợp giữa Morgan Stanley cùng và Marius van Straaten, các nhà phân tích cho rằng bất cứ sự gián đoạn nào đối với than nhiệt xuất khẩu của Indonesia cũng có thể khiến giá than thế giới tăng trở lại, và dự báo giá than nhiệt chất lượng cao tại cảng Newcastle của Australia sẽ phổ biến ở mức 140 USD/tấn trong quý đầu tiên của năm 2022 sau lệnh cấm này. Giá than Newcastle đã tăng lên 270 USD/tấn vào tháng 10/2021, và hiện đang ở mức 152 USD/tấn, theo dữ liệu của Morgan Stanley. Giá tăng vọt như vậy là do nguồn cung eo hẹp và các quốc gia khắp châu Á phải chật vật trong tình trạng thiếu năng lượng.

Tham khảo: Reuters

Vân Chi

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên