Châu Âu 60 năm tuổi: Phình to nhưng "rối như tơ vò"
Ngày 25/3 vừa qua, châu Âu kỷ niệm 60 năm ngày hiệp ước Rome “khai sinh” ra EU được ký kết. Và, liên minh này đang ở trong cuộc khủng hoảng tồi tệ hơn bao giờ hết.
- 26-03-2017EU sinh nhật 60 tuổi: Liệu có phép màu nào cho châu Âu?
- 17-02-2017Bí mật kinh doanh thành công của một trong những gia tộc quyền lực nhất châu Âu
- 17-01-2017Châu Âu nín thở chờ Anh công bố kế hoạch ra đi "một cách đau đớn"
Đôi lúc, ấn tượng mà nhiều người có được khi nhắc đến “dự án” Liên minh châu Âu là những cuộc khủng hoảng không bao giờ chấm dứt. Trên thực tế thì “cha đẻ” của nó, Jean Monnet, coi Liên minh này là cách tốt nhất để tiến đến mục tiêu về “sự đoàn kết chặt chẽ hơn bao giờ hết”. Ông cho rằng với sự đoàn kết, “châu Âu sẽ được tôi luyện trong những cơn khủng hoảng”.
Ngày 25/3 vừa qua, châu Âu kỷ niệm 60 năm ngày hiệp ước Rome “khai sinh” ra EU được ký kết. Và, liên minh này đang ở trong cuộc khủng hoảng tồi tệ hơn bao giờ hết.
Quá nhiều thử thách
Những rắc rối về chính trị ở các nước thành viên là nguyên nhân chính. Trong năm nay, nhiều cuộc bầu cử sẽ diễn ra trong khi các đảng dân túy phản đối EU và mong muốn tổ chức trưng cầu dân ý để ra đi đang mạnh lên trông thấy. Ở Hà Lan, dù giành được ít ghế hơn so với dự đoán trong cuộc bầu cử hôm 15/3, đảng Tự do chống EU của Geert Wilder vẫn là một minh chứng cho chủ nghĩa dân túy. Ở Pháp, đảng Mặt trận dân tộc của bà Marine Le Pen được dự báo có thể làm nên bất ngờ trong cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào đầu tháng sau. Dù có thể bà Le Pen sẽ thua cuộc (giống như cha bà năm 2002), nhưng chắc chắn bà ở gần chiến thắng hơn rất nhiều. Bên cạnh đó còn là Emmanuel Macron, người tự cho rằng mình chẳng thuộc cánh hữu cũng chẳng thuộc cánh tả, "không ủng hộ liên minh châu Âu, không chỉ trích nó, cũng không theo chủ nghĩa liên bang theo nghĩa cổ điển".
Tháng 9 là thời điểm của nước Đức. Mặc dù Thủ tướng Angela Merkel nhiều khả năng vẫn chiến thắng, đối thủ Martin Schulz đang bám đuổi sát nút trên kết quả thăm dò. Nếu bà Merkel bị thay thế, đó sẽ là 1 cú sốc lớn với EU – liên minh mà bà đã dẫn dắt suốt 12 năm qua.
Italy cũng tổ chức bầu cử vào đầu năm 2018, và 2 đảng dẫn đầu đều đã từng kêu gọi trưng cầu dân ý về tư cách thành viên Eurozone.
Một trong những lý do khiến chủ nghĩa dân túy có thể trỗi dậy ở châu Âu nằm ở chỗ nền kinh tế của châu lục này quá ảm đạm. Mặc dù tăng trưởng đã quay trở lại và khu vực đồng euro cũng dần đi vào ổn định, tốc độ tăng trưởng vẫn đang ở mức quá thấp. Đặc biệt ở các nước Địa Trung Hải, tỷ lệ thất nghiệp quá cao. Hy Lạp vẫn nằm trong nhóm bên bờ vực phá sản, và thị trường tài chính hoang mang về Italy cũng như Pháp.
Nợ công trên toàn EU vẫn ở mức cao, và các cải cách thì bị ngưng lại. Eurozone có 1 liên minh ngân hàng, 1 quỹ cứu trợ tập trung và 1 NHTW đóng vai trò là người cho vay cuối cùng. Tuy nhiên, cấu trúc của nó vẫn chưa hoàn thiện và có quá ít thỏa thuận về việc làm thế nào để cải thiện tình hình.
Bên cạnh kinh tế thì nhập cư là một vấn đề quan trọng không kém. Số người nhập cư vào EU từ khu vực Trung Đông và châu Phi đã giảm mạnh, nhưng đó là nhờ thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ (để chặn đứng con đường chính) có thể sụp đổ bất cứ lúc nào. Hàng trăm người tị nạn vẫn liều mạng lênh đênh trên biển với hi vọng mong manh rằng có thể vượt qua Địa Trung Hải để vào vùng đất hứa. Vấn đề “phân phối” người nhập cư giữa các nước thành viên đã gây ra căng thẳng nghiêm trọng, trong đó Đức vô cùng giận dữ khi các nước Trung Âu từ chối người nhập cư.
Rủi ro cho EU ở chỗ bối cảnh địa chính trị thế giới hiện nay quá phức tạp và khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn. Xung đột nổ ra ở khắp Trung Đông và Bắc Phi chính là nguyên nhân tạo nên một trong những làn sóng di cư lớn nhất trong lịch sử. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đang quay lưng lại với liên minh mà ông từng bị từ chối khi đệ đơn gia nhập. Ở bên kia Đại Tây Dương, tân Tổng thống Mỹ Donald Trump ngợi ca quyết định ra đi của Anh và cho rằng các nước khác nên đi theo Anh.
Có thể thấy, EU không được lòng không chỉ các cử tri mà cả Chính phủ các nước thành viên. Brexit có thể gây cho Anh nhiều thiệt hại hơn so với 27 nước còn lại, nhưng đó là mối đe dọa lớn đối với tương lai của liên minh trước đó chỉ kết nạp thêm chứ không giảm số thành viên. Một số chính trị gia của các nước khác đã công khai tuyên bố họ muốn noi gương Anh.
Có một thực tế là trong mấy năm gần đây, bất cứ khi nào có 1 cuộc bỏ phiếu về bất cứ hiệp ước nào ở châu Âu, khả năng nó bị từ chối cũng ngang với khả năng được thông qua. Người Đan Mạch và Ireland đã bỏ phiếu 2 lần nhưng đều cho ra kết quả đúng như mong đợi. Năm ngoái, Hà Lan từ chối thỏa thuận với Ukraine. Ở các thủ đô trên khắp châu Âu, các nhà ngoại giao buồn rầu rút ra kết luận rằng sẽ chẳng có hiệp ước nào nữa, vì sẽ có ít nhất 1 quốc gia không thể thông qua.
Các định chế của Brussels đang ở trong tình cảnh không ổn định. Ủy ban châu Âu (EC) dưới thời Jean-Claude Juncker mới đây đã được biểu dương vì những động thái chống tham nhũng quyết liệt. Tuy nhiên ông Juncker có vẻ như đang gượng ép các nhà lãnh đạo châu Âu bằng một Nghị viện đầy tham vọng. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đôi lúc phải bận tâm đến việc chống lại chính quê hương – Chính phủ Ba Lan. Nghị viện châu Âu tiếp tục tự tạo ra cho mình quyền lực trong khi cử tri không hài lòng. Năm 2014, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu đã giảm xuống 42,6%, thấp nhất kể từ năm 1979.
Một vòng luẩn quẩn
Những nhà lãnh đạo châu Âu vẫn nhận ra những vấn đề này. Trong quá khứ, đối với những vấn đề tương tự sẽ có 2 kiểu phản ứng. Một là nghe theo lời khuyên của Monnet và gắn bó với nhau chặt hơn nữa. Kể từ sự kiện Brexit, ngày càng có nhiều lời bàn tán về một sáng kiến mới do Pháp và Đức chủ trì, theo đó sẽ đập đi làm lại, khởi động lại dự án.
Nhưng rõ ràng là người dân ở hầu hết các nước thành viên không đồng tình với phương án thứ nhất. Brexit là 1 lời cảnh báo về những gì có thể xảy ra khi EU “mất liên lạc” với các cử tri. Và, nhiều chính phủ cũng phản đối. Các nhà lãnh đạo Đức và Pháp công khai chê bai EC và Nghị viện. Trong suốt thời kỳ khủng hoảng đồng euro, bà Merkel đi theo phương pháp dựa trên các quốc gia chứ không phải dựa vào các định chế của liên minh. Kể cả ở Italy, ông Matteo Renzi – vốn là 1 người “cuồng” châu Âu – cũng dành nhiều thời gian để tấn công Brussels vì chuyện các luật lệ được áp dụng một cách quá cứng nhắc.
Điều này dẫn chúng ta đến cách phản ứng thứ hai. Có vẻ như cuộc khủng hoảng đồng euro cũng như khủng hoảng nhập cư đều đã đi qua thời kỳ đỉnh điểm. Thắt lưng buộc bụng có thể làm nền kinh tế teo tóp, nhưng cuối cùng thì khối thị trường chung (cũng là thành tựu lớn nhất của liên minh) đã sống sót qua khủng hoảng và cũng chống đỡ tốt với Brexit. Về đối ngoại, châu Âu nhất quán trong lệnh cấm vận Nga cũng như trong thỏa thuận hạt nhân với Iran. Vì nền kinh tế đã cải thiện và những cuộc bầu cử vẫn có thể được cứu vãn, bằng cách nào đó liên minh sẽ vượt qua được sóng gió.
Tuy nhiên, đây chính là nguồn gốc của những rắc rối. Một đồng euro không hoàn chỉnh sẽ không bền vững trong dài hạn. Nếu 1 cuộc khủng hoảng tài chính khác nổ ra, đồng tiền này sẽ đổ vỡ. Bên cạnh đó là quá nhiều nguy cơ, từ 1 cuộc khủng hoảng mới ở Hy Lạp, chiến thắng của những nhà lãnh đạo công khai bài EU ở Pháp hay Italy, hoặc 1 cú xáo trộn chính trị ở các nước Đông Âu.
Nhìn vào những thách thức mà liên minh đang phải đối mặt, cứ luẩn quẩn trong mớ rắc rối không phải là lựa chọn an toàn nhất. Brexit có thể được nhân rộng, dẫn đến liên minh dần sụp đổ.
Châu Âu nên làm gì?
Điều châu Âu thực sự cần làm là suy nghĩ lại thật kỹ về toàn bộ dự án Liên minh châu Âu. Cần dỡ bỏ mô hình cứng nhắc “1 cỡ áp cho tất cả mọi người” và áp dụng cơ chế linh hoạt hơn, dựa trên 3 lưu ý. Thứ nhất, rất ít trong số 27 nước thành viên EU muốn liên kết sâu hơn về cả chính trị và kinh tế. Thứ hai, 27 nước này được ghép vào EU theo nhiều cách khác nhau: tất cả ở trong 1 thị trường chung nhưng chỉ có 26 nước ở trong liên minh ngân hàng, 21 nước thuộc khối Schengen, 21 nước khác thuộc NATO và 19 nước thuộc eurozone.
Thứ ba, châu Âu là châu lục không chỉ có các nước thuộc EU mà tất cả có tới 48 nước. Những nước bên ngoài EU đều có những mối quan hệ đặc biệt với EU. Tính chất không đồng nhất này dẫn đến tình trạng các nước thành viên chuyển động với các tốc độ khác nhau và không phải lúc nào họ cũng cùng hướng đến 1 mục tiêu.
Và ngay trong EU, luận điểm này cũng không phải là mới. Năm 1975, ý tưởng châu Âu 2 tốc độ đã xuất hiện. Năm 1994, Edouard Balladur, khi đó là Thủ tướng Pháp, đề xuất nên xây dựng châu Âu theo mô hình 3 vòng tròn: vòng tròn lõi trong cùng là khu vực đồng tiền chung, ở giữa là những nước thuộc EU nhưng không dùng đồng tiền chung và ngoài cùng là những nước không là thành viên EU nhưng có mối quan hệ thân thiết.
Sách trắng mới nhất của EC đưa ra 5 lựa chọn cho tương lai của châu Âu, trong đó có kịch bản châu Âu đa tốc độ. Các nhà lãnh đạo Pháp, Đức, Italy và Tây Ban Nha ủng hộ phương án này. Liên minh gồm 28 quốc gia sẽ khác hẳn so với câu lạc bộ chỉ có 6 thành viên lúc ban đầu. Đã đến lúc châu Âu phải thay đổi.