Châu Âu chạy đua tiêm vắc xin Covid-19: Những bức tranh xám xịt và chuyện những người “vô hình” bị bỏ rơi
Giữa lúc các nước châu Âu chạy đua để tiêm vắc xin Covid-19 cho công dân do biến chủng Delta nguy hiểm hoành hành, chiến dịch này đã phải đối mặt với một lỗ hổng lớn.
- 14-07-2021Cái kết buồn của Jack Ma: Khi đế chế hùng mạnh nhất Trung Quốc bị chặt gãy đôi cánh, chỉ còn lại cái bóng mờ
- 13-07-2021Ôm tư tưởng nợ sẽ giải quyết được mọi áp lực, chính phủ các nước phát triển tiếp tục đi vay nhiều chưa từng thấy
- 13-07-2021Nỗi ám ảnh bong bóng dot-com quay trở lại với những tấm séc khổng lồ cho các startup
- 13-07-2021Mỹ: Thị trường quyền chọn 'nóng rực', đội quân đầu cơ ồ ạt đặt cược giá lên làm tăng rủi ro dầu biến động mạnh
BỨC TRANH KHÁC BIỆT Ở MỸ VÀ CHÂU ÂU
Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, ước tính có khoảng 4,8 triệu người nhập cư trái phép đã sống ở 32 quốc gia châu Âu vào năm 2017. Các nghiên cứu cho thấy họ là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất do dịch Covid-19 so với đại bộ phận dân số của “lục địa già” này.
Nhưng nhiều quốc gia đã thẳng tay loại những người này ra họ khỏi các đợt tiêm chủng đại trà và cùng với tâm lý ngờ vực sâu sắc của một số người nhập cư đối với giới chức chính quyền các nước sở tại càng khiến chiến dịch tiêm chủng đầy tham vọng của các nước châu Âu càng thêm phức tạp và khó khăn hơn.
Khoảng 64% người trưởng thành đã được tiêm ít nhất một liều vắc xin và khoảng 44% đã được tiêm đầy đủ trên khắp các quốc gia châu Âu, theo khảo sát Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu (ECDC). Nhưng biến chủng Delta đang càn quét lục địa già, khiến các nước phải nỗ lực thúc đẩy chiến dịch tiêm phòng khẩn cấp cho những người còn lại.
Trong khi đó, tại Mỹ, những người nhập cư trái phép vẫn đủ điều kiện được tiêm vắc xin và chính phủ liên bang cho biết họ sẽ không cưỡng chế bắt buộc những người nhập cư không có giấy tờ đến các điểm tiêm chủng.
Vì vậy, hồi tháng 3, EU đã công bố hướng dẫn kêu gọi các quốc gia thành viên đưa tất cả những người nhập cư, dù là hợp pháp hay trái phép, vào danh sách tiêm vắc xin.
Tuy nhiên, các chính sách và quy trình tiêm chủng rất khác nhau trên khắp châu Âu và một báo cáo của ECDC vào tháng trước cho thấy, tỷ lệ tiêm chủng ở một số nhóm người nhập cư vẫn rất thấp.
“Luật Y tế công cộng bắt buộc phải tiêm phòng cho người nhập cư, nhưng vấn đề này ở một số quốc gia Châu Âu thật sự phớt lờ”, Alyna Smith, một chuyên viên vận động tại Diễn đàn Hợp tác Quốc tế về Người di cư trái phép (PICUM), cho biết.
NHỮNG NGƯỜI "VÔ HÌNH" BỊ BỎ RƠI VÀ NỖI LO BỊ TRỤC XUẤT
“Cuộc chiến” tiêm vắc xin cho nhóm dân số “vô hình” này đã nhấn mạnh sự chênh lệch trong chăm sóc sức khỏe hiện nay ở các nước châu Âu.
Các chuyên gia sức khỏe cộng đồng cho rằng, chính thực trạng này khiến kế hoạch mở cửa trở lại cuộc sống bình thường sau khi đạt tỷ lệ tiêm chủng ở mức cao ở châu Âu có nguy cơ trật bánh.
Benedetta Armocida, một nghiên cứu sinh về sức khỏe toàn cầu tại Đại học Geneva và là trợ lý tại Viện Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em-IRCCS Burlo Garofolo cho biết: “Điều quan trọng hiện nay là phải giải quyết vấn đề người di cư vì đó là nhóm người ưu tiên, nhóm dễ bị tổn thương vì các yếu tố rủi ro, điều kiện sống và làm việc của họ”.
Những người nhập cư trái phép ở châu Âu rất khó tiếp cận để tiêm vắc xin Covid-19. Ảnh: WP
Theo Sally Hargreaves, một chuyên gia y tế và là tác giả chính của báo cáo của ECDC, ngay cả trước khi xảy ra đại dịch, ở nhiều nước châu Âu, những người nhập cư trái phép đã phải đối mặt với những rào cản lớn trong việc chăm sóc sức khỏe.
Trên thực tế, các quốc gia bao gồm cả Vương quốc Anh đã từng tính phí y tế những người nhập cư trong khi công dân của họ được miễn phí. Thậm chí nhiều nước khác còn từ chối điều trị y tế cho những người nhập cư trái phép. Ở một số nước, cơ quan y tế cung cấp thông tin của bệnh nhân cho các cơ quan quản lý nhập cư.
Các chuyên gia sức khỏe cộng đồng cho biết, nỗi lo bị trục xuất cùng với hóa đơn y tế đắt đỏ khiến nhiều người nhập cư trái phép không dám điều trị các bệnh mãn tính khiến họ có nguy cơ bị biến chứng do Covid-19. Mối quan ngại tương tự đang khiến một số người nhập cư không dám đến các cơ sở tiêm vắc xin.
“Bạn sẽ thấy rõ được vấn đề thật sự đáng lo ngại ở đây là khi nói chuyện với rất nhiều người di cư và cộng đồng dân tộc thiểu số rộng lớn hơn, bạn sẽ thấy họ không có niềm tin vào hệ thống y tế”, chuyên gia Hargreaves nói.
NHIỀU RÀO CẢN HÀNH CHÍNH
Một số quốc gia đã ưu tiên những người nhập cư trái phép trong các chương trình tiêm vắc xin Covid-19. Tại Hà Lan, nội dung kế hoạch tiêm chủng đại trà nêu rõ nhóm người này đủ điều kiện tiêm vắc xin. Bồ Đào Nha cũng mở nền tảng đăng ký tiêm chủng trực tuyến cho những người nhập cư trái phép, và tính đến tháng 6 đã có hơn 19.000 người đăng ký lịch tiêm, theo PICUM .
Tất cả những người nhập cư trái phép tại Bỉ cũng được tiêm vắc xin và chính phủ Bỉ đã quy định rằng, dữ liệu thu thập được trong quá trình tiêm chủng chỉ được sử dụng cho mục đích y tế. Tại thủ đô Brussels, chính quyền cung cấp phương tiện đi lại miễn phí đến các trung tâm tiêm chủng.
Nhưng ở một số quốc gia mà về mặt lý thuyết, mọi người đều có quyền được tiêm vắc xin, vẫn còn đó nhiều rào cản hành chính. Tại Anh, vắc xin Covid-19 được tiêm miễn phí cho những người nhập cư trái phép nhưng vấn đề là để được tiêm, họ phải đặt lịch với một bác sĩ đa khoa. Nhưng rồi, một số bác sĩ "thường từ chối" đăng ký cho người nhập cư nếu họ không thể cung cấp bằng chứng về địa chỉ hay căn cước công dân, theo Anna Miller từ Tổ chức Bác sĩ Thế giới của Anh.
Trong khi đó, các nhà chức trách Italia đã phát đi nhiều thông điệp nhiễu loạn về việc liệu những người nhập cư trái phép có đủ điều kiện tiêm vắc xin hay không. Tại một hội thảo trực tuyến hồi tháng trước, nhà nghiên cứu cấp cao của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Belkis Wille cho biết, các yêu cầu đăng ký tiêm chủng cho thấy họ “trên thực tế thường bị loại ra”.
Hồi đầu năm nay, chính phủ Đức nói rõ, những người không có giấy tờ có thể tiếp cận vắc xin. Nhưng luật vốn yêu cầu các giới chức phải báo cáo thông tin của những người này cho các quan chức nhập cư vẫn có hiệu lực. Và các tổ chức phi chính phủ (NGO) cho biết, rồi kết quả là: những người nhập cư trái phép luôn tránh hệ thống y tế vì nỗi lo bị bắt hay bị trục xuất.
Một số nước khác thực hiện rất ít hoặc không thúc đẩy những nỗ lực tiêm chủng cho người nhập cư trái phép. Tại Hungary, nơi Thủ tướng Viktor Orban đã từ lâu đã nổi tiếng với chính sách chống nhập cư, người dân gần như không thể đăng ký tiêm vắc xin nếu không có giấy tờ chứng minh cư trú hợp pháp.
Hy Lạp bắt đầu tiêm cho những người tị nạn sống trong các trại tập trung từ tháng 6, sau khi bị chỉ trích chậm chạp trong việc triển khai. Tuy nhiên, người nhập cư trái phép vẫn không thể đăng ký tiêm, Lefteris Papagiannakis, cựu phó thị trưởng Athens và hiện là Trưởng bộ phận vận động chính sách và nghiên cứu tại SolidarityNow, một tổ chức phi chính phủ làm việc với những người tị nạn và nhập cư ở Hy Lạp, cho biết.
Ông Papagiannakis đổ lỗi cho chính sách chống nhập cư của đất nước, cho rằng, lập trường này sẽ phản tác dụng khi Hy Lạp tìm cách hồi sinh ngành du lịch vốn hái ra tiền.
Một người đàn ông đi bộ bên trong trại Ritsona cho người nhập cư và tị nạn ở Hy Lạp hôm 15/6. Ảnh: Reuters.
RÀO CẢN HẬU CẦN
Nghiên cứu của ECDC cho thấy ngay cả ở những quốc gia đang nỗ lực tiêm vắc xin cho người nhập cư trái phép, rào cản ngôn ngữ và thông tin sai lệch cũng khiến những người này do dự. Với những người muốn tiêm, thời gian làm việc kéo dài hay những khó khăn trong việc di chuyển đến các địa điểm tiêm chủng có thể cản trở họ.
Tuy nhiên, các nhóm nhân quyền đang kêu gọi EU đóng vai trò tích cực hơn trong việc điều phối nỗ lực của các quốc gia thành viên để các nhóm chịu thiệt thòi có thể tiếp cận được với vắc xin.
Một số tổ chức phi chính phủ và các thành phố tự trị đã đi đầu trong nỗ lực giải quyết những lo ngại này. Các bác sĩ của Tổ chức Bác sĩ Thế giới của Anh đã mở các buổi tư vấn và cung cấp thông tin về tiêm chủng trên khắp London và với sự hỗ trợ của chính phủ, họ đang làm việc với các bên liên quan để dịch các tài liệu tiêm chủng qua hàng chục ngôn ngữ khác. Tại Italia, các cơ quan y tế trong khu vực bao gồm Rome đã tiến hành một đợt tiêm chủng xuyên đêm vào đầu tháng 7 này cho "những người sống bên lề xã hội", New York Times đưa tin.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cũng yêu cầu chính phủ các nước bỏ các yêu cầu về giấy tờ hành chính đối với việc đăng ký tiêm vắc xin và không cung cấp thông tin người nhập cư trái phép cho giới chức quản lý nhập cư.
Các chuyên gia y tế công cộng cho biết, đại dịch đã phơi bày nguy cơ khiến những người nhập cư không có giấy tờ bị gạt ra khỏi hệ thống y tế và cả nhu cầu cấp thiết là phải nhanh chóng khắc phục điều này trong tương lai./.
(Theo Washington Post)
Doanh nghiệp và tiếp thị