MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Châu Âu có thể hủy công nhận an toàn sản xuất máy bay của Boeing nếu cần thiết

15-03-2024 - 09:45 AM | Tài chính quốc tế

Quyền Giám đốc điều hành Cơ quan An toàn Hàng không Liên minh châu Âu - ông Luc Tytgat - hôm 13/3 đã đưa ra thông tin trên.

Tuy nhiên, ông Luc Tytgat cho rằng hãng sản xuất máy bay Boeing đang nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng an toàn mới nhất.

Trong một cuộc phỏng vấn với Reuters, ông Luc Tytgat đã đưa ra dấu hiệu công khai đầu tiên rằng hợp tác quốc tế làm nền tảng cho hoạt động sản xuất máy bay toàn cầu đang bị thử thách bởi cuộc khủng hoảng đang diễn ra, điều hiếm khi xảy ra.

Khi được hỏi liệu Cơ quan An toàn Hàng không Liên minh châu Âu (EASA) có dự định dừng việc công nhận các phê duyệt an toàn sản xuất máy bay của Mỹ, trong đó xác nhận rằng máy bay phản lực Boeing được chế tạo an toàn hay không, ông Tytgat nói: "Nếu cần, có".

Boeing đã phải chịu áp lực ngày càng tăng về vấn đề kiểm soát chất lượng máy bay kể từ ngày 5/1 sau sự cố bung cửa khi máy bay 737 MAX 9 đang bay giữa không trung mà nguyên nhân được cho là do các chốt bị thiếu bu lông.

Cục Hàng không Liên bang Mỹ cho biết vào tuần trước rằng một cuộc kiểm tra của Boeing và công ty cung cấp linh kiện Spirit AeroSystems đã phát hiện ra nhiều trường hợp kiểm tra chất lượng không đạt yêu cầu.

Châu Âu có thể hủy công nhận an toàn sản xuất máy bay của Boeing nếu cần thiết- Ảnh 1.

(Ảnh: AP)

Theo hiệp ước xuyên Đại Tây Dương, FAA và EASA quản lý nhà máy của các hãng sản xuất máy bay tương ứng của họ. Tuy nhiên, nếu một bên mất niềm tin vào hoạt động kiểm tra của bên kia, họ có thể kêu gọi tham vấn và nếu thất bại sẽ đình chỉ công nhận sau 30 ngày tạm dừng. Những bước như vậy rất hiếm khi xảy ra.

Ảnh hưởng của EASA đối với sản xuất máy bay Boeing đã tăng lên sau vụ tai nạn máy bay dòng MAX. Tuy nhiên, EASA có tương đối ít biện pháp để tăng cường giám sát việc sản xuất các mẫu máy bay Boeing hiện có ngoài lựa chọn quyết liệt là đình chỉ công nhận các phê duyệt an toàn sản xuất máy bay.

FAA không bình luận trực tiếp về nhận xét của EASA nhưng người phát ngôn của tổ chức này đã nhắc lại tuyên bố trước đó của FAA rằng Boeing phải cam kết thực hiện "những cải tiến thực sự và sâu sắc".

Boeing đã không đưa ra bình luận.

Các chuyên gia cho biết quyết định của FAA hay EASA, hai cơ quan quản lý hàng không quyền lực nhất thế giới, về việc hủy bỏ phê duyệt sản xuất máy bay phản lực Boeing hoặc Airbus sẽ đẩy cuộc khủng hoảng an toàn máy bay lên mức chưa từng có và có thể gây ra phản ứng chính trị.

Theo Quỳnh Chi

VTV

Trở lên trên