Châu Âu náo loạn và phản đối yêu cầu mua năng lượng bằng đồng rúp, tại sao khí đốt của Nga vẫn chảy sang 'nhà hàng xóm'?
"Deadline" trong thông báo mới đây của Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đến và trôi qua. Tuy nhiên, dòng khí đốt tự nhiên của Nga vẫ đang chảy sang châu Âu.
Hôm 31/3, Tổng thống Nga đưa ra tối hậu thư yêu cầu các quốc gia "không thân thiện" phải thanh toán khi mua năng lượng của quốc gia này bằng đồng rúp từ ngày 1/4. Nếu không tuân thủ, các nước đó có thể sẽ bị cắt đứt nguồn cung thiết yếu.
Phát ngôn viên của Điện Kremlin - Dmitry Peskov, cho biết hôm thứ Sáu rằng Nga sẽ không ngừng cung cấp khí đốt cho châu Âu ngay lập tức. Lời đe dọa của ông Putin đã khiến cả châu Âu náo loạn, khi nền kinh tế khu vực này có thể sẽ tê liệt nếu không có năng lượng của Nga. Moscow đã gửi đi một tín hiệu rõ ràng rằng họ có thể cứng rắn đáp trả các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Tại sao Nga lại đóng vai trò quan trọng với kinh tế châu Âu?
Châu Âu nhập khẩu khoảng 40% khí đốt tự nhiên từ Nga, được lưu thông qua các đường ống đi qua Belarus, Ukraine và Ba Lan hoặc dưới biển Baltic. Đức là nhà nhập khẩu lớn nhất và ngành công nghiệp sản xuất có quy mô lớn của nước này tiêu tốn nhiều khí đốt và năng lượng.
Chính phủ Đức trong tuần này đã bắt đầu thực hiện giai đoạn đầu tiên trong kế hoạch bao gồm 3 giai đoạn nhằm kiểm soát cuộc khủng hoảng năng lượng. Theo đó, Đức sẽ hạn chế việc sử dụng năng lượng và kêu gọi người dân sử dụng càng ít càng tốt.
Đường ống khí đốt tự nhiên của Nga sang châu Âu.
Việc mất đi nguồn cung từ Nga có thể khiến nền kinh tế lớn nhất châu Âu rơi vào suy thoái và thậm chí còn lan ra ở quy mô rộng hơn. Giá khí đốt tăng cao khiến các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng mất lợi nhuận và ảnh hưởng đến khả năng tài chính của các hộ gia đình.
Dữ liệu được khảo sát được công bố hôm 1/4 cho thấy, hoạt động sản xuất của Đức đang ở mức thấp nhất trong 18 tháng. Do đó, có thể thấy, "bức tranh" kinh tế ở những nơi khác của châu Âu cũng không mấy khả quan.
Mục đích của Nga là gì?
Hầu hết các hợp đồng xuất khẩu khí đốt của Nga hiện được định giá bằng euro hoặc USD. Theo sắc lệnh được ông Putin ký hôm thứ Năm, các bên mua nước ngoài phải mở tài khoản tại 1 ngân hàng do nhà nước Nga kiểm soát, thay vì giao dịch trực tiếp với tập đoàn khí đốt Gazprom. Họ sẽ gửi euro vào một tài khoản, ngân hàng sau đó sẽ đổi euro sang rúp và chuyển vào một tài khoản khác đứng tên người mua để thanh toán cho khí đốt.
Moscow có thể đang nỗ lực làm tăng nhu cầu đối với đồng rúp - đồng tiền này đã hồi phục sau khi rớt giá mạnh do ảnh hưởng của chiến dịch quân sự tại Ukraine. Tuy nhiên, Điện Kremlin đã yêu cầu Gazprom và các nhà xuất khẩu lớn khác của Nga phải chuyển 80% nguồn thu ngoại tệ thành đồng rúp, nên lợi nhuận sẽ bị hạn chế.
Các nhà phân tích của Eurasia Group viết trong một báo cáo trong tuần này: "Chính sách thanh toán mới được đề xuất cho việc nhập khẩu khí đốt dường như là một yếu tố thúc đẩy đồng rúp trong những tuần gần đây."
Châu Âu phản ứng ra sao?
Đức, Pháp và các chính phủ châu Âu đã phản đối yêu cầu của Điện Kremlin.
Paolo Gentiloni - quan chức kinh tế hàng đầu của EU, cho biết các hợp đồng hiện tại giữa châu Âu và Nga không bao gồm nghĩa vụ phải thanh toán bằng đồng rúp và yêu cầu đó phải được tôn trọng. Điều này có nghĩa là cơ chế hoán đổi euro sang rúp như Moscow đề xuất có thể sẽ không được thực hiện.
Tương lai sẽ ra sao?
Dù nguy cơ châu Âu đối mặt với tình trạng gián đoạn nguồn cung đã tăng lên, nhưng khí đốt của Nga vẫn chảy về phía Tây ở 2/3 đường ống vào ngày 1/4, theo Reuters.
Điện Kremlin cho biết các khoản thanh toán khí đốt được giao ngay sẽ giảm dần vào cuối tháng hoặc đầu tháng 5. Đó là lý do tại sao Nga chưa ngay lập tức chặn dòng khí đốt đến châu Âu.
Hiện tại, Nga đang rất cần dòng tiền từ xuất khẩu năng lượng do nền kinh tế đang bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt. Các nhà phân tích cho rằng, GDP của Nga có thể giảm khoảng 1/5 trong năm nay. Hơn nữa, Nga chưa thể đẩy mạnh xuất khẩu khí đốt tự nhiên cho các quốc gia khác, như Trung Quốc, vì cơ sở hạ tầng đường ống chưa được xây dựng.
Tham khảo CNN