MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thang máy thường xuyên hỏng, kẻ cắp từng đột nhập chung cư Carina Plaza trước khi xảy ra vụ cháy khiến 13 người chết

23-03-2018 - 10:26 AM | Bất động sản

Ngay buổi tối xảy ra vụ cháy, hàng chục hộ dân đã gặp ban quản lý tòa nhà Carina Plaza để phản ánh một số vấn đề mà khiến họ bức xúc, không hài lòng.

Carina là tòa chung cư cao cấp tọa lạc tại địa chỉ 1648 đường Võ Văn Kiệt, phường 16, quận 8. Theo thông tin giới thiệu về dự án, tổng diện tích dự án rộng 19.318,40 m2 với diện tích đất xây dựng 7.765,00 m2, diện tích đất cây xanh, giao thông là 11.553,40 m2. Tòa nhà gồm gồm 3 blocks, trong đó 2 blocks cao 14 tầng, 1 block cao 20 tầng ( 4 tầng dành cho khu thương mại, kết hợp hồ bơi, giải trí ) với tổng số căn hộ là 736 căn. Diện tích căn hộ 86 – 92 – 99 – 105m2. 

Như đã thông tin, vụ cháy kinh hoàng xảy ra tại tòa chung cư Carina Plaza (phường 16, quận 8, TPHCM) vào rạng sáng nay (23/3). Theo nguồn tin ban đầu từ nhà chức trách, đã có 13 người tử vong, 14 người bị thương. Về nguyên nhân thảm họa, cảnh sát bước đầu xác định ngọn lửa bất ngờ bùng phát từ tầng hầm giữ xe tại Block A chung cư Carina Plazasau đó lan rộng ra.

Ngay buổi tối xảy ra vụ cháy, hàng chục hộ dân đã gặp ban quản lý tòa nhà Carina Plaza để phản ánh một số vấn đề mà khiến họ bức xúc, không hài lòng.

Thang máy thường xuyên hỏng, kẻ cắp từng đột nhập chung cư Carina Plaza trước khi xảy ra vụ cháy khiến 13 người chết - Ảnh 1.

Biên bản cuộc họp trước đó vài tiếng.

Thang máy thường xuyên hỏng, kẻ cắp từng đột nhập chung cư Carina Plaza trước khi xảy ra vụ cháy khiến 13 người chết - Ảnh 2.

Một trong nhiều phản ánh của người dân đang sinh sống tại chung cư (Ảnh cư dân cung cấp).

Ông Trần Nam Thành (ở căn hộ A0605) cho biết: "Nhiều năm qua, Công ty TNHH Hùng Thanh (chủ đầu tư chung cư này) vẫn quản lý mọi việc điều hành chung cư, từ an ninh, vệ sinh, điện, nước… Họ cũng có thuê bảo vệ tư nhân, nhưng hiệu quả rất thấp. Xe cộ để dưới hầm thì bị mất. Hầm xe không được dọn vệ sinh. Chung cư có khóa cửa rào, nhưng không biết sao ban đêm kẻ gian vẫn vào trộm tài sản của người dân".

Một người dân khác than thở mỗi block nhà có một phòng chứa rác, nhưng xe đẩy rác bị thủng đáy, nên mỗi khi chuyển rác thì nước dơ chảy dọc hành lang. Mỗi block có thang máy để tải hàng, nhưng thường bị hư, thế là họ đẩy luôn xe rác vào đi chung thang máy của cư dân, rất mất vệ sinh. Chúng tôi đã nhiều lần phản ánh nhưng vẫn vậy. 

Bên cạnh đó, nước sinh hoạt ở chung cư này không đảm bảo vệ sinh, đỏ quạch. Nhiều người đã đem mẫu nước đi kiểm nghiệm và có kết quả là nước không đủ tiêu chuẩn sử dụng. Nhiều cư dân khác lại bức xúc chuyện bảo hành, bảo trì chung cư. 

Một cư dân nữ đang sinh sống tại tầng 8 tòa nhà cũng bức xúc cho biết, khoảng trước Tết ít lâu, chị và con sống ở lô C của tòa đi ra ngoài bằng thang máy, đi đến tầng thứ 4 thì bỗng dưng mất điện, thang máy đứng im hoàn toàn, không thể hoạt động được. Sau đó thì trôi tự do, chị bị mắc kẹt giữa tầng G và tầng hầm B.

Sau đó, chị gọi hotline trong thang máy nhưng không có người nghe máy, nút gọi cứu hộ cũng không hoạt động. Lúc sau bảo vệ bên ngoài chạy đến nhưng không dám lấy vật cứng phá cầu thang vì sợ hỏng, chỉ lấy tay cạy cửa nên không thể mở được. Cho đến khoảng 10 phút sau, khi có điện thì cầu thang mới hoạt động trở lại, chị và con mới thoát ra ngoài an toàn.

Theo ý kiến của một chuyên gia, đa số các chủ đầu tư bất động sản vì lợi nhuận bỏ qua tính mạng người dân vì đầu tư cho hệ thống PCCC giá trị rất lớn. Ngay từ bước phê duyệt các dự án bất động sản do việc đầu tư hệ thống PCCC là bắt buộc phải có. Là điều kiện cần để được cơ quan Nhà nước cho phép thực hiện. Hạng mục PCCC thường nằm trong quyết định phê duyệt quy hoạch, quyết định phê duyệt dự án. Nhưng khi triển khai thực hiện thường được bỏ qua. 

'Thực tiễn cho thấy rằng cháy ở tầng hầm các tòa nhà cao tầng rất khó chữa hậu quả rất lớn. Điển hình như cháy tầng hầm chung cư CT4 – Xa La, Hà Nội và chung cư Carina ở TP.HCM. Một số nước thường thiết kế khu để xe tách biệt với tòa nhà", vị này cho biết thêm. 

Việc đình chỉ các công trình vi phạm các quy định về an toàn PCCC của lực lượng Cảnh sát PCCC lâu nay dường như chỉ trên giấy. Bởi thực tế, hàng loạt các chung cư, trung tâm thương mại… trong danh sách đình chỉ một phần hoặc đình chỉ toàn bộ công trình vẫn đang hoạt động bình thường.

Một số chuyên gia bất động sản cho rằng, lỗi ở đây thuộc về cả chủ đầu tư và người mua nhà. Các chuyên gia cũng khuyến cáo người dân không mua nhà, không vào ở tại các công trình chưa được thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC theo quy định.

Tuy nhiên, để siết chặt quản lý, kiểm soát và hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro khi xảy ra cháy nổ tại chung cư cao tầng, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Phạm Sỹ Liêm nêu quan điểm: "Với tình trạng vi phạm này, không chỉ xử lý nghiêm đối với chủ đầu tư, mà cần xem xét lại vai trò, trách nhiệm của các cơ quan có chức năng kiểm tra, giám sát việc xây dựng các chung cư cao tầng".

"Nếu chủ đầu tư xây dựng dự án sai, đương nhiên phải phạt. Cơ quan quản lý mà để việc đó xảy ra thì cũng sai. Chúng ta cần có chế tài xử phạt nghiêm", ông Liêm nhấn mạnh.

Sẽ tiếp tục thông tin

Nguyên Minh

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên