MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Chạy đua" rót vốn đầu tư dự án Khu Liên hợp thể thao nghìn tỷ tại TP.HCM

13-12-2017 - 09:57 AM | Bất động sản

Theo thông tin từ UBND TPHCM, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đã có buổi làm việc với Công ty Bouygues Batiment International liên quan đến dự án sân vận động 50.000 chỗ ngồi tại Khu liên hợp Thể dục thể thao Rạch Chiếc. Đây là dự án quan trọng trong đề án đăng cai Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) của TPHCM.

"Chạy đua" rót vốn đầu tư dự án Khu Liên hợp thể thao nghìn tỷ tại TP.HCM

Được biết, Sở Quy hoạch - kiến trúc TP.HCM vừa có văn bản tham mưu với UBND TP.HCM đề nghị hai công ty tư vấn trong và ngoài nước tự đề ra một phương án tốt nhất để hội đồng thẩm định tuyển chọn. Thời gian cho hai nhà tư vấn này nộp phương án của mình ngay trong tháng 12/2017, để trong tháng 1/2018 hội đồng thẩm định tuyển chọn và UBND TP.HCM sau đó đưa ra quyết định.

Theo tìm hiểu, hai công ty tư vấn này là Sasaki (Mỹ) và HTT . Theo lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM, hai nhà đầu tư này sẽ tự ứng vốn luôn khi xây dựng phương án thiết kế, giúp TP.HCM tiết kiệm ngân sách và đẩy tiến độ nhanh hơn, vì phải chờ thủ tục phê duyệt kinh phí khá lâu nếu dùng tiền từ ngân sách.

Nhà đầu tư được chọn phương án thiết kế sẽ tự ứng vốn để giải tỏa đền bù, xây dựng công trình nhằm kịp hoàn thành cho SEA Games 2021. Theo tiến độ, việc đền bù, giải phóng mặt bằng sẽ mất gần hết năm 2018 và công trình chỉ có thể khởi công vào đầu năm 2019.

Ngoài dự án sân vận động hơn 50.000 chỗ ngồi, TP.HCM cũng đang xin Chính phủ cơ chế đặc biệt, nhằm tạo điều kiện cho các nhà đầu tư vì tại Khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc còn phải đầu tư xây dựng 3 công trình lớn khác mà quỹ tài chính của thành phố không thể đáp ứng nổi, gồm sân đua xe đạp lòng chảo, Nhà thi đấu Thái Sơn Nam, học viện bóng đá.

Được biết, Dự án Khu liên hợp thể dục thể thao Rạch Chiếc có chủ trương đầu tư từ năm 1994. UBND TP.HCM quyết định xây dựng dự án trên diện tích trên tổng thể 222 ha. Trong đó, 180 ha sẽ dùng đầu tư vào các cơ sở hạ tầng, trang thiết bị kỹ thuật. Phần còn lại sẽ dành cho các doanh nghiệp tư nhân đấu thầu đầu tư vào công trình phức hợp nằm trong khuôn viên của Khu liên hợp. Tuy nhiên, hơn 20 năm qua, nơi đây vẫn là khu đầm lầy, mênh mông là ao hồ do người dân khai thác nuôi trồng thủy sản.

Hiện nay, một số vị trí đã thực hiện xong công tác đền bù giải phóng mặt bằng, thành phố đang chỉ đạo các nhà thầu tổ chức thi công san lắp mặt bằng, hoàn thiện một phần hạ tầng nội khu còn dang dở. Một tập đoàn đầu tư đã đồng ý sẽ bỏ ra hơn 7.000 tỷ đồng để thực hiện công tác đền bù giải phóng mặt bằng, đổi lại doanh nghiệp này sẽ được thành phố giao cho một khu đất ở vị trí khác cho phát triển dự án nhà ở.

Đến nay, khi dự án này được hồi sinh đã có tác động mạnh mẽ lên thị trường BĐS. Qua quan sát, khu vực này hiện nay là một trong những địa điểm có mức độ giao dịch BĐS sôi động nhất TP.HCM, hàng loạt dự án đang đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng. Trao đổi với chúng tôi mới đây, ông Ngô Quang Phúc - Phó TGĐ Him Lam Land cũng cho rằng cùng với hệ thống hạ tầng đang được cải thiện mạnh mẽ thì khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc sẽ là đòn bẩy mạnh cho thị trường địa ốc khu Đông sắp tới.


Theo quan sát, trong ngày 12/12 các nhà thầu đang tấp nập thi công san lắp mặt bằng một số khu vực trên khu đất của dự án Khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc để chuẩn bị xây dựng một tòa nhà làm văn phòng điều hành.

Theo quan sát, trong ngày 12/12 các nhà thầu đang tấp nập thi công san lắp mặt bằng một số khu vực trên khu đất của dự án Khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc để chuẩn bị xây dựng một tòa nhà làm văn phòng điều hành.

Theo báo cáo của một công ty nghiên cứu thị trường BĐS, là điểm nóng tăng giá ngoạn mục nhất quanh khu thể thao Rạch Chiếc, đất mặt tiền đường Nguyễn Thị Định, thuộc phường An Phú, đầu năm ghi nhận mức giá 42,52 triệu đồng mỗi m2 nay đã tăng mạnh ở ngưỡng 80,55 triệu đồng. So với cùng kỳ năm ngoái, xuất phát điểm từ mốc 40,9 triệu đồng mỗi m2, trong vòng 12 tháng qua, giá đất tuyến phố này bứt phá 96,9%, tăng xấp xỉ gấp đôi.

Trong khi đó, đường Nguyễn Thị Định, phường Bình Trưng Tây, cũng có giá đất từ 44,39 triệu đồng mỗi m2 đội lên 73 triệu đồng, tăng 64,4% trong 9 tháng qua. So với mức giá khởi điểm của đoạn đường này vào tháng 9/2016 chỉ ở mức 43,33 triệu đồng mỗi m2, giá đất tăng gấp 1,7 lần.

Cung đường Đồng Văn Cống, thuộc phường Bình Trưng Tây, đoạn đi ngang cao tốc Long Thành - Dầu Giây về phía Nam của khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc có giá đất từ 35,5 triệu đồng mỗi m2 nhảy lên 59 triệu đồng, tăng 66% so với đầu năm.

Cũng nằm quanh khu liên hợp thể thao phục vụ SEA Games 31, đường Mai Chí Thọ, phường An Phú hiện giao dịch 76,59 triệu đồng mỗi m2 còn Đỗ Xuân Hợp, phường Phước Long B ghi nhận 65 triệu đồng mỗi m2. Giá đất hai tuyến phố này lần lượt tăng 18-19% chỉ trong 9 tháng.

Cá biệt tuyến đường Mai Chí Thọ - du khu vực này quỹ đất không còn nhiều nhưng qua khảo sát cho thấy nhiều khu vực giáp ranh với siêu dự án Khu thể thao giá đang tăng "chóng mặt". Một số hộ gia đình có đất ao hồ liên tục nhận được nhiều lời đề nghị mua lại nhưng họ vẫn chưa muốn bán. Theo đó, hồi đầu năm 2017, giá mỗi m2 đất vườn ở đây được chào bán 40-50 triệu/m2, nhưng hiện nay đã "nhảy" đến 85 triệu/m2 đối với đất mặt tiền đường, còn đất trong các con hèm sâu cũng nằm ở ngưỡng 60-65 triệu/m2. Giá căn hộ của các dự án đã bàn giao đang tăng khoảng 40-60% tùy theo vị trí.

Nguyên Minh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên