Cháy rừng chưa qua, nước Úc đã phải đối mặt với thảm họa mới: Kinh tế lao dốc, nguy cơ suy thoái lần đầu tiên trong 30 năm
Shane Oliver, nhà kinh tế trưởng của AMP Capital nói rằng TV và hình ảnh về thảm họa trên các phương tiện truyền thông có khả năng ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng.
- 07-01-2020Những con số lột tả thảm họa cháy rừng khiến nước Úc và cả thế giới bàng hoàng
- 06-01-2020Xác kangaroo, gấu koala và cừu cháy đen, nằm la liệt bên đường ở Úc cho thấy thảm hoạ cháy rừng đang kinh khủng đến mức nào
- 06-01-2020Cháy rừng ở Australia: Mưa lớn đã xuất hiện, trở thành "vị cứu tinh" cho lính cứu hoả!
Nước Úc đang trải qua những ngày tháng tồi tệ khi nhiều nơi bị tàn phá nặng nề bởi các vụ cháy rừng lớn. Hơn 6 triệu hecta đất rừng đã bị thiêu rụi, đẩy hàng loạt người dân Úc vào cảnh màn trời chiếu đất khi nhà cửa của họ bị tàn phá, đặc biệt là ở tiểu bang Victoria và New South Wales.
Theo các chuyên gia, ngoài thiệt hại về người và của cũng như hệ sinh thái tự nhiên, quốc gia này còn phải đối mặt với nguy cơ suy thoái kinh tế lần đầu tiên trong gần 3 thập kỷ. Chuyên gia phân tích tài chính kỹ thuật số Martin North, cho biết các vụ cháy rừng có thể đủ nghiêm trọng để đẩy Úc vào một cuộc suy thoái.
Ông lo ngại thảm họa thiên nhiên sẽ làm tăng nguy cơ suy thoái kinh tế do các đám cháy và tình trạng hạn hán có thể ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Ông nói thêm: "Tác động tâm lý đối với người dân ở thời điểm này là khá tiêu cực, ảnh hưởng không nhỏ đến mong muốn chi tiêu của họ. Chính vì vậy, nền kinh tế có thể rơi vào suy thoái trong vòng từ 12 tháng đến 18 tháng tới".
Một người dân Úc đang mua sắm trong dip tết Dương lịch.
Shane Oliver, nhà kinh tế trưởng của AMP Capital nói rằng TV và hình ảnh về thảm họa trên các phương tiện truyền thông có khả năng ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng ngay cả ở những thành phố không bị ảnh hưởng bởi hỏa hoạn. Ông chia sẻ: "Tác động thực sự sẽ đến với nền kinh tế khi người dân thành phố không muốn chi tiêu do tin tức tiêu cực về các vụ cháy rừng. Nếu tình trạng này kéo dài trong năm 2020, nó sẽ đủ để gây ra suy thoái kinh tế".
Tính đến tháng 9 năm ngoái, nền kinh tế của Úc tăng trưởng chậm hơn nhiều so với mức trung bình 1,7%. Tiền lương của nước này cũng tăng ở mức thấp hơn trung bình kể từ năm 2013, khiến khả năng chi tiêu của người dân bị hạn chế.
Khi cuộc khủng hoảng cháy rừng ngày càng tồi tệ, tháng 12 năm ngoái, Kho bạc liên bang đã xác định thặng dư ngân sách dự kiến trong giai đoạn 2019-2020 sẽ giảm từ 7,1 tỷ USD xuống còn 5 tỷ USD. Ngày 6/1, Thủ tướng Scott Morrison đã tuyên bố chính phủ Úc cam kết sẽ chi 2 tỷ USD để giúp người dân bị ảnh hưởng của vụ cháy rừng.
Ngoài những cơn mưa có thể làm dịu bớt vụ cháy, có lẽ niềm hy vọng về trung hạn duy nhất cho nền kinh tế của Úc là công tác xây dựng lại cơ sở hạ tầng và nhà cửa bị tàn phá sẽ tạo thêm cơ hội cho các công ty xây dựng đang gặp khó khăn. Theo North, điều đó có thể thúc đẩy chi tiêu nhưng tất nhiên là sau này chứ không phải ở thời điểm hiện tại.
Dữ liệu mới từ phòng Công nghiệp Ô tô Liên bang cho thấy doanh số bán xe trong năm 2019 ở Úc đã giảm 7,8% xuống mức thấp hàng năm, một dấu hiệu khác của nền kinh tế giảm tốc. Theo các chuyên gia, cách tốt nhất để kéo nền kinh tế là tác động tới Ngân hàng dự trữ của Úc, đặc biệt là trong việc cắt giảm lãi suất của ngân hàng trung ương. Điều này sẽ đưa tỷ lệ tiền mặt xuống mức thấp kỷ lục mới là 0,5%. Ngoài ra, các biện pháp như mua trái phiếu chính phủ để hạ lãi suất dài hạn cũng nên được chính phủ thông qua.
Trí thức trẻ