Chạy theo ngành “hot” ở hiện tại có lo thất nghiệp trong tương lai?
Chỉ còn khoảng 3 tháng nữa, thí sinh cả nước sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học 2023. Ở giai đoạn nước rút, ngoài những lo lắng, căng thẳng chuẩn bị hành trang kiến thức, nhiều em vẫn loay hoay chọn ngành, chọn nghề. Trong đó không ít học sinh vẫn có tâm lý chạy theo ngành hot với hy vọng sẽ có cơ hội việc làm tốt trong tương lai.
- 23-03-20239 ngành học hot nhất dành cho sinh viên quốc tế 2023
- 18-03-2023TikToker chê các ngành học 'vô dụng': Hành vi trái đạo đức, cần xử phạt nặng
- 17-03-2023Làm clip hướng nghiệp "độc hại", một bộ phận TikToker khiến học sinh hoang mang, chuyên gia thì bức xúc: "Không có ngành học nào là vô dụng!"
Nguyễn Thùy Linh (Hải Dương) quyết định tham gia thêm cả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội bên cạnh kỳ thi tốt nghiệp THPT, thế nhưng việc sử dụng kết quả của kỳ thi này để xét tuyển vào ngành nào, trường nào vẫn là băn khoăn lớn của Thùy Linh.
Linh chia sẻ, cá nhân em yêu thích ngành Marketing, nhưng điểm chuẩn ngành này tại hầu hết các trường khu vực phía Bắc đều rất cao, với sức học hiện tại và đối chiếu với điểm chuẩn năm ngoái, Linh nhận thấy cơ hội khá mong manh. Nói về lý do muốn theo đuổi ngành Marketing, Linh cho biết, đây là ngành khá "hot" những năm gần đây, nhiều bạn học khác của Linh cũng mong muốn theo đuổi ngành này.
Nguyễn Hoàng Mạnh (Thanh Xuân, Hà Nội) lại đang được bố mẹ định hướng theo ngành Công nghệ thông tin, trong khi đó nguyện vọng cá nhân của nam sinh lại là các ngành thuộc nhóm kỹ thuật, cơ khí.
“Em được gia đình định hướng theo ngành CNTT vì đây là ngành khá "hot", có mức lương “khủng” và dễ tìm việc, thậm chí nếu thực sự giỏi có thể tự làm các phần mềm riêng để start up. Tuy nhiên em không thực sự hứng thú với công việc này, em thích những công việc liên quan đến cơ khí nhiều hơn. Bên cạnh đó, em cũng lo ngại rằng, nếu không thực sự giỏi, thì ngành CNTT sẽ rất khó khăn vì tính cạnh tranh cao. Em đang rất băn khoăn không biết nên lựa chọn ngành nào”.
TS Cao Xuân Liễu, Trưởng phòng Đào tạo Học viện Quản lý Giáo dục cho rằng, những năm gần đây, thí sinh ngày càng có sự hiểu biết rõ hơn về các ngành nghề cũng như xác định rõ những định hướng trong tương lai. Song bên cạnh đó vẫn có không ít thí sinh chọn ngành theo tâm lý đám đông, chọn vì bạn bè xung quanh đăng ký ngành đó, chọn theo ý kiến của gia đình hoặc thấy thị trường đang có nhu cầu lớn nên lựa chọn.
Tuy nhiên, thị trường lao động luôn biến đổi không ngừng, những ngành có thể "hot" ở hiện tại nhưng 4-5 năm sau các em tốt nghiệp hoàn toàn có thể không còn là ngành "hot".
“Nếu các em khi chọn ngành chỉ chăm chăm vào những ngành "hot", không tính đến khả năng của bản thân, thị trường lao động trong tương lai, hay nhiều em khi lựa chọn rồi nhưng lại không đủ sức theo đuổi ngành đó, đến khi ra trường rất dễ rơi vào tình trạng thất nghiệp”, TS Cao Xuân Liễu lưu ý và nhấn mạnh rằng, khi chọn ngành, thí sinh nên cân nhắc nhiều yếu tố như năng lực, sở thích, đam mê, nhu cầu xã hội và cả vấn đề tài chính khi một số trường có mức học phí rất cao.
Ông Ngô Minh Tuấn - Người sáng lập Trường CEO Việt Nam Global cho rằng “Hiện nay đang thiếu những dự báo sâu, khiến thí sinh quen nhìn xung quanh thấy ai làm lĩnh vực nào kiếm được nhiều tiền là chọn ngành đó và những ngành học này được coi là ngành "hot". Ví dụ, như ngành sale bất động sản năm ngoái rất "hot" nhưng đến năm nay lại chững lại”.
Theo ông Ngô Minh Tuấn, không có ngành nào được coi là ngành "hot", chỉ cần giỏi nghề và mang lại giá trị tốt cho khách hàng, cho xã hội, khi đó mỗi cá nhân sẽ trở thành “người hot".
“Tôi không khuyến khích chạy theo nghề "hot", vì không có một nghề nào "hot" theo một chu kỳ dài cả. Mà chỉ có người "hot" – giỏi trong lĩnh vực đó thì đi đâu cũng được đón nhận”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Chuyên gia cũng lưu ý rằng, thí sinh khi chọn ngành, chọn nghề cần tập trung vào năng lực sở trường của bản thân, từ đó nghiên cứu tìm ra ngành nghề, lĩnh vực mà mình có thể đáp ứng tốt nhất.
Trước lo ngại một số ngành "hot" có thể giảm nhiệt, thậm chí là biến mất trong tương lai khi công nghệ ngày càng phát triển, ông Ngô Minh Tuấn cho rằng, tư duy con người vốn có các nấc thang. Trong đó, nấc số 1 là kiến tạo, nấc thứ 2 là vận hành, ở bước thứ 2 này, công việc hoàn toàn có thể được thực hiện bởi robot. Với bối cảnh cuộc CMCN 4.0 như hiện nay, chỉ khoảng 30 năm nữa, những ngành nghề mang tính vận hành sẽ biến mất, chỉ còn lại những công việc yêu cầu sự tư duy, kiến tạo của con người.
"Về căn bản, những nghề mang tính lặp đi lặp lại, không mang tính ứng dụng của cảm xúc, sau này robot có thể sẽ làm hết. Ví dụ như lĩnh vực: Ngân hàng, bán hàng, chạy quảng cáo, cung cấp dữ liệu… gần như mang tính lặp đi lặp lại, thậm chí ngay cả kế toán thì hệ thống máy móc, phần mềm cũng có thể làm hết, con người chỉ cần nhập số liệu.
Như vậy nếu học những nghề mang tính sáng tạo thì sẽ tồn tại được trong tương lai dài, còn nếu học những ngành nghề mang tính lặp đi lặp lại thì các em có thể phải đối mặt với nguy cơ thất nghiệp trong tương lai gần”, ông Ngô Minh Tuấn cho biết.
PGS.TS Nguyễn Thị Cúc Phương, Phó Hiệu trưởng ĐH Hà Nội cũng lưu ý, khi chọn ngành nghề, thí sinh có thể tham khảo các bài trắc nghiệm tâm lý để biết rõ hơn về sở trường, sở đoản của bản thân, lắng nghe ý kiến của những sinh viên đã và đang theo học tại trường, nghe tư vấn trực tiếp từ các trường về chương trình đào tạo, cơ hội việc làm. Ngoài ra, mỗi ngành đào tạo của các trường đại học đều công bố các môn học rất chi tiết với nội dung học cụ thể, dựa theo những nội dung này, thí sinh có thể tự tìm hiểu bản thân mình có phù hợp với ngành đó hay không. Đặc biệt, hiện nay các trường đại học cũng công bố rất rõ những vị trí việc làm ứng với các ngành học, đây cũng là căn cứ để các em biết rằng mình có yêu thích và phù hợp với công việc đó hay không./.
VOV