“Chê” cổ phần hóa DNNN, khối ngoại “chuộng” công ty gia đình Việt
“Những chậm trễ trong quá trình cổ phần hóa đã khiến các nhà đầu tư mất đi hứng thú với cổ phần hóa DNNN.”, báo cáo của Grant Thornton nêu.
- 10-08-2016Quỹ từ thiện 40 tỷ đô của vợ chồng Bill Gates vừa rót vốn vào chứng khoán Việt đang đầu tư ra sao?
- 20-07-2016Được Mekong Capital rót vốn gấp 2,6 lần Golden Gate, Wrap & Roll liệu có trở thành "Cổng vàng" thứ hai?
- 05-07-2016Tại sao được rót vốn hàng triệu đôla lại có thể là 'mối nguy hại' cho start-up?
- 04-06-2016Tỷ phú Thái đua nhau rót vốn vào Việt Nam
Báo cáo khảo sát mới nhất của Grant Thornton cho thấy, nguồn cung các giao dịch đầu tư từ các công ty tư nhân, gia đình đã thay thế cho nguồn từ Cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trở thành nguồn giao dịch đầu tư được kỳ vọng nhất, với 33% ý kiến từ người tham gia.
Tỷ lệ ý kiến phản hồi cho rằng cổ phần hóa DNNN là một nguồn cung giao dịch hấp dẫn đã giảm từ 46% trong kỳ khảo sát trước xuống chỉ còn 29% trong kỳ khảo sát lần này.
Đến cuối năm 2015, có khoảng 100 DNNN không thể hoàn thành quá trình tư nhân hóa/cổ phần hóa, chậm tiến độ so với mục tiêu của Chính phủ nhằm cổ phần hóa 285 DNNN.
“Những chậm trễ trong quá trình cổ phần hóa đã khiến các nhà đầu tư mất đi hứng thú với cổ phần hóa DNNN.”, báo cáo của Grant Thornton nêu.
Ngoài ra, có một thực tế là tỷ lệ cổ phần được mở bán qua IPO trong DNNN cổ phần hóa thấp hơn rất nhiều so với kỳ vọng của các nhà đầu tư tư nhân, nhiều trường hợp dưới 5%. Vì thế, Nhà nước vẫn giữ quyền kiểm soát chủ yếu sau IPO, điều này khiến cho các nhà đầu tư lo ngại về vấn đề hiệu quả thấp tiếp diễn trong các công ty này.
“Công ty tư nhân, gia đình với hệ thống quản trị nắm giữ quyền kiểm soát và trực tiếp liên quan tới hiệu quả hoạt động của công ty đã trở thành nguồn cung hấp dẫn các nhà đầu tư hơn DNNN.”, Grant Thornton nhận định.
Quỹ ngoại thâu tóm hoạt động M&A
Quỹ đầu tư nước ngoài đã vượt qua các quỹ đầu tư tư nhân trong nước và nhà đầu tư ngành trong các hoạt động mua bán sáp nhập.
Theo như cuộc khảo sát của Grant Thornton, tỷ lệ người tham gia khảo sát cho rằng mức độ cạnh tranh của các quỹ đầu tư nước ngoài tăng đáng kể từ 27% lên đến 44%, trong khi đó tỷ lệ lựa chọn nhà đầu tư ngành giảm đáng kể từ 25% xuống 11%.
Trong thời gian gần đây, các quỹ đầu tư tư nhân toàn cầu đang quan tâm nhiều hơn tới thị trường Việt Nam. Vào đầu năm 2016, Warburg Pincus đã công bố kế hoạch nhắm tới Việt Nam như là một mục tiêu đầu tư lâu dài ở Đông Nam Á. Một số quỹ cũng đã thực hiện đầu tư vào Việt Nam trong nửa đầu năm 2016, như Standard Chartered đã đầu tư 28 triệu USD vào lĩnh vực tiêu dùng/fintech (ứng dụng Momo) và Navis đã đầu tư vào lĩnh vực y tế (bệnh viện HFH).
Các quỹ đầu tư tư nhân trong nước đã đánh mất vị trí đầu bảng với 24% số người được hỏi, xếp hạng 2 về khả năng cạnh tranh, giảm từ 30% trong 6 tháng cuối năm 2015.
Ngành F&B hút đầu tư nhất
Thực phẩm, đồ uống và bán lẻ tiếp tục là hai ngành hấp dẫn đầu tư nhất, với 50% lựa chọn ngành thực phẩm và đồ uống và 41% lựa chọn ngành bán lẻ.
Những ngành này hưởng lợi từ sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường tiêu dùng Việt Nam, không chỉ nhờ vào sự tăng trưởng dân số mà còn do tăng trưởng về thu nhập bình quân. Sự tăng trưởng ổn định trong thị trường thực phẩm đồ uống và lĩnh vực phục vụ thức ăn nói riêng, được xem là thị trường tiềm năng đối với các nhà đầu tư tư nhân tại Việt Nam.
Gần đây thị trường phục vụ thức ăn có nhiều thương vụ huy động vốn thành công như Wap&Roll (6,9 triệu USD), Kafe Group (5,5 triệu USD), Golden Gate (35 triệu USD)... chứng tỏ sức hấp dẫn của thị trường này.
Doanh thu của lĩnh vực phục vụ thức ăn được dự báo tăng trưởng bình quân 5,9% mỗi năm từ 447 nghìn tỷ đồng (20 tỷ USD) trong năm 2016 lên 562 nghìn tỷ đồng (25 tỷ USD) trong năm 2020.
Tương tự với kết quả khảo sát kỳ trước, ngành bán lẻ tiếp tục là một trong những ngành thu hút đầu tư đối với các nhà đầu tư tư nhân. Thương mại điện tử hiện đang là một xu hướng mới trong lĩnh vực bán lẻ. Mặc dù thương mại điện tử chỉ chiếm tỷ trọng 3% toàn ngành trong năm 2015, khu vực này đã tăng trưởng 37% trong năm trước và được dự báo đạt 10 tỷ USD trong năm 2020.
Xếp hạng thứ 3, ngành y tế và dược phẩm được lựa chọn bởi 37% người tham gia là “rất hấp dẫn”.
Ô nhiễm môi trường và các vấn đề thực phẩm sạch đang ở mức báo động trong thời gian gần đây đã nâng cao mức độ quan tâm của người dân về sức khỏe. Ngoài ra, các kênh phân phối dược phẩm cũng đang bị phân mảnh và dịch vụ y tế vẫn còn thiếu hụt, đang là cơ hội thị trường tốt cho các nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, mức khống chế tỷ lệ sở hữu nước ngoài đối với các doanh nghiệp y tế và dịch vụ liên quan đã tăng lên 70% và việc cấp visa nhanh chóng cho các chuyên viên trong lĩnh vực y tế cũng tạo nên nhiều thay đổi quan trọng trong lĩnh vực này để thu hút đầu tư.
Xếp hạng 4, ngành giáo dục được lựa chọn bởi 35% người tham gia là ngành rất hấp dẫn, tăng đáng kể 16% so với báo cáo kỳ trước.
Trong những năm gần đây, chính phủ đã tăng ngân sách, xã hội hóa giáo dục và khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào việc phát triển dịch vụ giáo dục và đào tạo tại Việt Nam.
Với lực lượng dân số trẻ và giá trị truyền thống tập trung vào giáo dục, ngành này được kỳ vọng có thể tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt trong việc giáo dục ngôn ngữ nước ngoài, giáo dục đại học quốc tế, mẫu giáo và dịch vụ giáo dục trực tuyến.
Bizlive