MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Grab mất dần miếng bánh tại Việt Nam: Be và Xanh SM đã chiếm 51% thị phần, riêng Be 'được lòng' GenZ với tỷ lệ ‘nổ cuốc’ thường xuyên 43%

07-09-2024 - 07:14 AM | Doanh nghiệp

Grab mất dần miếng bánh tại Việt Nam: Be và Xanh SM đã chiếm 51% thị phần, riêng Be 'được lòng' GenZ với tỷ lệ ‘nổ cuốc’ thường xuyên 43%

Q&Me đánh giá Be có tỷ lệ giữ chân khách hàng cao nhất trong các hãng gọi xe công nghệ.

Kỳ lân gọi xe và giao đồ ăn Gojek quyết định tạm biệt với thị trường Việt Nam. Như vậy, thế lực ngoại quốc chỉ còn Grab trên sân chơi ứng dụng gọi xe công nghệ, và thực tế đang chịu sức ép trước sự vươn lên của thế lực trong nước.

BE và Xanh SM đang “giành lại” thị phần từ tay Grab

Báo cáo “Mức độ phổ biến của ứng dụng gọi xe máy năm 2024” thực hiện bởi Q&Me ghi nhận, khoảng cách giữa Grab và các đối thủ đang thu hẹp dần với sự gia tăng người dùng từ Be và sự xuất hiện của nhân tố mới Xanh SM.

Trong đó, Grab tuy vẫn là hãng xe được người Việt sử dụng nhiều nhất nhưng thị phần đang bị lấy đi bởi hai hãng xe công nghệ thuần Việt là Be và Xanh SM…, còn Gojek đã bị đẩy xuống vị trí thứ 4 trước khi tuyên bố “rút lui”.

Cụ thể, có 42% người Việt sẽ lựa chọn Grab khi muốn sử dụng dịch vụ di chuyển bằng xe máy. Đáng chú ý, Be vươn lên đứng vị trí thứ hai với tỷ lệ 32% và Xanh SM đạt tỷ lệ là 19%. Trong khi đó, chỉ 7% người dùng cho biết thường xuyên sử dụng Gojek, ứng dụng gọi xe từng khá phổ biến cách đây 2-3 năm về trước.

Grab mất dần miếng bánh tại Việt Nam: Be và Xanh SM đã chiếm 51% thị phần, riêng Be 'được lòng' GenZ với tỷ lệ ‘nổ cuốc’ thường xuyên 43%- Ảnh 1.

Thực tế, “thế trận” mới này đã sớm được thiết lập từ năm ngoái. Một tờ báo hàng đầu châu Á đầu năm 2023 đã nhận định: Việc hợp tác giữa hãng taxi điện VinFast GSM và công ty gọi xe dựa trên công nghệ Be Group được xem là có lợi cho cả hai bên để cạnh tranh với hai “ông lớn” ngoại quốc Grab và Gojek.

Nhìn giai đoạn 4 năm qua, vào năm 2021 có đến 60% người dùng Việt thường xuyên sử dụng dịch vụ gọi xe máy của Grab, 18% lựa chọn dịch vụ gọi xe máy của Be thường xuyên. Tuy nhiên, bước sang năm 2024, thứ hạng đã có sự thay đổi khi Be vươn lên vị trí thứ hai và tăng đến 13% số lượng người dùng thường xuyên.

Grab mất dần miếng bánh tại Việt Nam: Be và Xanh SM đã chiếm 51% thị phần, riêng Be 'được lòng' GenZ với tỷ lệ ‘nổ cuốc’ thường xuyên 43%- Ảnh 2.

GenZ ưu tiên chọn Be

Đáng nói, đối tượng khách hàng tiềm năng hiện nay là GenZ đang ưu tiên chọn Be, thể hiện một mối lo lắng về tương lai của Grab.

Cụ thể, khách hàng trong độ tuổi từ 24 - 30 tuổi có đến 46% thường xuyên sử dụng Grab, con số thường xuyên dùng Be là 43% (xấp xỉ Grab) và 14% chọn Xanh SM.

Nếu Grab thu hút tập khách trẻ bằng phân khúc giá rẻ, thì chiến lược của Be tập trung vào trải nghiệm với dịch vụ "VIP" bao gồm beCar Plus, beBike Plus (tiêu chí tuyển chọn tài xế và xe đẳng cấp hơn nhằm phục vụ tập khách hàng đông đảo hơn và ngày càng hiểu biết về công nghệ).

Chưa dừng lại đó, trong khi các ứng dụng khác chỉ khai thác đơn lẻ dịch vụ gọi xe hoặc bán vé máy bay, tàu hỏa… thì Be đã đã tích hợp 5 trong 1 phương thức di chuyển trên một siêu ứng dụng duy nhất: xe máy; ô tô, vé máy bay, vé tàu hỏa, vé xe khách. Chiến lược phát triển bề sâu của Be đang thu về kết quả tích cực mạnh với quy mô giá trị vé máy bay trên ứng dụng nửa đầu năm 2024 tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023; GMV vé xe khách tăng trưởng gấp 5 lần. Và mới nhất, dịch vụ đặt vé tàu hỏa trên BE cho kết quả doanh thu gấp 3 lần kỳ vọng ngay trong tuần đầu ra mắt.

Grab mất dần miếng bánh tại Việt Nam: Be và Xanh SM đã chiếm 51% thị phần, riêng Be 'được lòng' GenZ với tỷ lệ ‘nổ cuốc’ thường xuyên 43%- Ảnh 3.

Khảo sát thói quen sử dụng ứng dụng đặt xe công nghệ 2024 của Q&ME cũng cho thấy Be đang là siêu ứng dụng có mức chi tiêu trên đầu người cao nhất, vượt Grab.

Hiện, trung bình một tháng người khách hàng của Grab sẽ chi khoảng 366.000 đồng cho hoạt động gọi xe, con số này của Be là 474.000 đồng, mức chi tiêu gọi xe mỗi tháng của Xanh SM và Gojek trung bình khoảng 350.000 đồng.

Có thể thấy, chi tiêu gọi xe mỗi tháng của khách hàng Grab mặc dù thấp hơn so với Be, tuy nhiên, với lượng khách đông đảo, doanh thu của Grab vẫn lấn át ứng dụng gọi xe công nghệ của Việt Nam.

Q&Me cũng dự báo quy mô gọi xe sẽ tiếp tục tăng trong tương lai, khi phần lớn người dùng Việt có thái độ hài lòng với dịch vụ của các hãng xe công nghệ hiện tại và không có ý định thay đổi tần suất sử dụng trong thời gian tới. Và thế trận mới đang ngày càng rõ nét: trong khi Gojek rút lui thì Be và Xanh SM đang “giành lại” thị phần từ tay Grab.

Năm 2023, thị trường gọi xe công nghệ tại Việt Nam có quy mô 727,73 triệu USD, trong đó Grab chiếm đến 58,68% thị phần, gấp 6,4 lần thị phần của Be. Tuy nhiên, Q&Me đánh giá Be có tỷ lệ giữ chân khách hàng cao nhất trong các hãng gọi xe công nghệ.

Tri Túc

Nhịp sống thị trường

Từ Khóa:

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên