MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chế độ ăn uống của các cầu thủ ở World Cup: Vì sao hậu vệ cánh và tiền vệ công được ăn nhiều carb hơn thủ môn?

03-07-2018 - 14:10 PM | Sống

Người ta vẫn tự hỏi điều gì sẽ xảy ra trong năm có World Cup, khi các cầu thủ đã mệt mỏi sau mùa giải ở câu lạc bộ mà vẫn phải phải kéo dài thời gian thi đấu thêm 6 đến 8 tuần nữa? Sẽ có những cầu thủ phải chơi vượt ngưỡng tới 10 trận đấu, tính cả giao hữu trước giải và khi họ lọt sâu vào World Cup.

Nếu có mặt trong đội hình ra sân gặp đội tuyển Bỉ, trong lượt trận cuối cùng của vòng bảng World Cup sắp tới, hậu vệ phải Kyle Walker của đội tuyển Anh đã đá tổng cộng 56 trận từ đầu mùa giải năm nay.

Trong cả màu áo Manchester City và tuyển quốc gia Anh, Kyle Walker đã thi đấu hơn 3.400 phút. Đó là một con số rất lớn, nhưng cũng chẳng hiếm. Leo Messi đã chơi 60 trận trong mùa này, và hậu vệ người Croatia Duje Caleta-Car cũng đã đá hơn 5.000 phút.

Trong một lịch thi đấu dày đặc, giữ thể trạng tốt nhất cho cầu thủ là điều đặc biệt khó khăn. Nghiên cứu đã chỉ ra khi các trận đấu diễn ra liên tiếp trong vòng dưới 4 ngày sẽ làm tăng nguy cơ chấn thương. Do đó, chiến lược phục hồi sau trận đấu trở nên rất quan trọng. Đó là lúc mà các đội bóng cần đến sự trợ giúp của khoa học thể thao.

Chế độ ăn uống của các cầu thủ ở World Cup: Vì sao hậu vệ cánh và tiền vệ công được ăn nhiều carb hơn thủ môn? - Ảnh 1.

Tiền đạo Jamie Vardy của đội tuyển Anh

Các cầu thủ ăn uống khoa học như thế nào?

Mức độ di chuyển và hoạt động của các cầu thủ có thể được theo dõi bằng Hệ thống định vị toàn cầu (GPS). Nhờ đó, các nhà khoa học sẽ biết được các thông số quan trọng như tổng quãng đường chạy hoặc khoảng thời gian chạy nước rút của từng cầu thủ.

Các dữ liệu này được dùng để thiết kế những chiến lược phục hồi thể lực riêng, phù hợp với từng cá nhân cầu thủ và cách họ thi đấu.

Ví dụ, những cầu thủ chơi ở cường độ cao hơn (thường là hậu vệ cánh và tiền vệ tấn công) sẽ ăn nhiều carbohydrate hơn. Họ sẽ ăn nhiều khoai lang, gạo và lúa mạch. Trong khi đó, các thủ môn sẽ ăn ít carbohydrate hơn, vì họ ít tiêu tốn năng lượng hơn trong trận đấu.

Tuy nhiên, khôi phục năng lượng cơ bắp sau một trận đấu không đơn giản như vậy. Cho đến 48 tiếng đồng hồ sau trận bóng, và kể cả khi đã ăn nhiều carb, các cầu thủ vẫn không thể tăng lượng glycogen (năng lượng dự trữ) trong cơ bắp bằng với mức glycogen trước trận.

Điều này xảy ra như một điều tất yếu, khi bóng đá là một bộ môn vận động đa động tác, nó có thể dẫn đến nhiều tổn hại cơ bắp làm suy yếu quá trình phục hồi năng lượng cho cơ.

Đặc biệt, tới 2 ngày sau khi các cầu thủ ăn nhiều carbohydrate, các sợi cơ co nhanh của họ (đảm nhiệm chuyển động nhanh như nhảy và chạy nước rút) vẫn có hàm lượng glycogen thấp hơn so với các sợi cơ co chậm (cần thiết cho các hoạt động yêu cầu độ bền).

Thực tế, những cầu thủ chơi bùng nổ hơn và có nhiều sợi cơ co nhanh hơn sẽ phục hồi chậm hơn. Ví dụ như Raheem Sterling và Jamie Vardy của đội tuyển Anh, những tiền đạo có khuynh hướng chạy nước rút nhiều sẽ mất nhiều thời gian hồi phục glycogen trong cơ giữa các trận đấu.

Khoa học dữ liệu giúp tính toán mức độ bù khoáng

Tại nước Nga, các cầu thủ tham gia World Cup sẽ phải thích nghi nhanh chóng với điều kiện thời tiết và khí hậu. Lấy ví dụ về đội tuyển Anh, họ có trận mở màn ở Volgograd, nơi nhiệt độ ổn định ở mức từ 20- 30℃. Trong khi đó, trận cuối cùng ở vòng bảng tới đây họ sẽ đá ở Kaliningrad cách về phía Bắc 1.800km, nơi có khí hậu Baltic lạnh hơn nhiều.

Theo khoa học thể thao, các cầu thủ sẽ được đo đạc tốc độ toát mồ hôi và mất natri để biết điều gì sẽ xảy ra khi họ thi đấu ở một cường độ nhất định, dưới một điều kiện thời tiết nhất định. Những thông số có thể rất khác nhau giữa các cầu thủ. Biểu đồ dưới đây cho thấy dữ liệu thu thập được từ một trận đấu tại Premier League, trong đó, một số cầu thủ có tốc độ đổ mồ hôi gấp 5 lần so với một số cầu thủ khác.

Một lần nữa, điều này cho thấy rằng từng cầu thủ sẽ cần chiến lược bù nước riêng. Ví dụ, một cầu thủ có thể mất ít natri hơn nhưng lại đổ mồ hôi nhiều hơn, trong khi cầu thủ khác có thể đổ ít mồ hôi hơn nhưng cần bù nhiều natri hơn, từ đồ uống họ uống hoặc thêm nhiều muối hơn vào thực đơn.

Một đặc điểm nữa, các cầu thủ bóng đá thường xuyên bị chuột rút – luôn là một nỗi lo lắng lớn về phần cuối trận đấu và những phút bù giờ. Đó là những cầu thủ có tốc độ toát mồ hôi nhanh và mất nhiều natri, những cầu thủ ở góc trên bên phải biểu đồ.

Cuối cùng, việc tối ưu dinh dưỡng hỗ trợ phục hồi cho các cầu thủ chủ chốt của đội hình là tối quan trọng. Bởi tính chất cạnh tranh của giải đấu, các huấn luyện viên cũng không thể thay đổi đội hình thi đấu quá nhiều để giúp một số cầu thủ có nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn.

Những chiến lược dinh dưỡng hỗ trợ hồi phục nhanh có khả năng được cá nhân hóa với từng cầu thủ và được thúc đẩy bởi dữ liệu sinh lý chi tiết theo dõi được từ họ.

Một thách thức nữa mà các đội tuyển sẽ phải đối mặt là việc thiếu ngủ, đặc biệt là sau khi họ kết thúc các trận đấu muộn vào buổi tối. Ở một số thành phố phía bắc nước Nga, như St. Peterburg, nơi đội tuyển Anh cư trú, ban đêm vào mùa hè thậm chí chỉ kéo dài vài tiếng đồng hồ. Thiếu ngủ sẽ càng trở thành một vấn đề đối với các cầu thủ, do đó, chế độ dinh dưỡng sẽ còn quan trọng hơn nữa để tối ưu hóa việc hồi phục của các đội bóng trước trận đấu tiếp theo của họ.

Tham khảo Theconversation

Theo ZKNIGHT

Trí thức trẻ

Trở lên trên