MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chế tạo hàng loạt ‘đội quân người máy’, Trung Quốc đang mạnh càng thêm mạnh, vị thế toàn cầu khó mà lung lay

31-10-2023 - 13:13 PM | Tài chính quốc tế

Chế tạo hàng loạt ‘đội quân người máy’, Trung Quốc đang mạnh càng thêm mạnh, vị thế toàn cầu khó mà lung lay

Khi Trung Quốc tìm cách “đương đầu” với dân số già, lực lượng lao động thu hẹp và củng cố vị thế công xưởng thế giới của mình thì đây chính là “chìa khóa”.

Tại các nhà máy dệt trên khắp đồng bằng sông Dương Tử phía đông Trung Quốc, một sự thay đổi đã và đang diễn ra. Các cửa hàng từng tấp nập công nhân giờ đã thành môi trường có phần xa lạ. Không khí trở nên “cứng nhắc” hơn, máy móc hơn bởi vì chúng chính xác là như vậy.

Nhiều khu vực truyền thống sử dụng lao động con người nay đã thực hiện quá trình chuyển đổi sang hệ thống robot - thay thế nhân viên bằng các thiết bị tự động hiện đại. Các công ty đang làm như vậy để giữ cho chi phí lao động ổn định và chuẩn bị cho sự sụt giảm không thể tránh khỏi của lực lượng lao động so với tổng dân số.

Các nhà máy có đầu ra hàng năm khoảng 300 triệu nhân dân tệ (41 triệu USD) trước đây cần khoảng 100 công nhân để duy trì. Bây giờ hầu hết đều không có nhân viên, chỉ cần bốn hoặc năm nhân sự để quản lý và duy trì sản xuất.

Xu hướng tự động hóa này đã xuất hiện trong bối cảnh những khó khăn về nhân khẩu học ngày càng sâu sắc – tỷ lệ sinh thấp và xã hội già đi nhanh chóng. Đây là mối lo ngại cho tương lai của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Các nhà máy dệt ở vùng đồng bằng, bao gồm Thượng Hải, Giang Tô và Chiết Giang là nhiều trong số những nơi bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi sự thay đổi dân số gần đây của Trung Quốc.

Xue Ping, nhà sản xuất và xuất khẩu đồ nội thất, dệt may ở Chiết Giang cho biết: “Tự động hóa dây chuyền sản xuất đã thực sự giúp các nhà máy có thể tồn tại và hoàn thiện chuỗi hoạt động”.

Những người trong ngành và các nhà sản xuất cho biết, công nghệ tiên tiến và sản xuất thông minh là chìa khóa để vượt qua những phức tạp về địa chính trị cũng như những thay đổi về nhân khẩu học.

Theo Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin nước này, Trung Quốc đã sản xuất 281.515 robot công nghiệp trong 8 tháng đầu năm 2023, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm ngoái và đã thành lập gần 8.000 nhà máy kỹ thuật số và nhà máy sản xuất thông minh tính đến tháng 7/2023.

Theo South China Morning Post (SCMP), dân số trong độ tuổi lao động của Trung Quốc – những người từ 16 đến 59 – đã giảm xuống 875,6 triệu người vào năm 2022 từ mức 896,4 triệu vào năm 2019. Trong khi dân số trên 65 tuổi tăng lên 209,78 triệu người vào năm ngoái từ 176 triệu vào năm 2019.

Chế tạo hàng loạt ‘đội quân người máy’, Trung Quốc đang mạnh càng thêm mạnh, vị thế toàn cầu khó mà lung lay - Ảnh 1.

Mật độ robot hiện tại của Trung Quốc - được đo bằng số lượng robot trên 10.000 công nhân sản xuất - là 392. Con số này được công bố hồi năm 2023, tăng từ tỷ lệ 140 vào năm 2018 và 68 vào năm 2016. Hàn Quốc đứng đầu bảng xếp hạng mật độ toàn cầu với mức 1.000, tiếp theo là Singapore với mức 670.

Theo Liên đoàn Robot Quốc tế (IFR), Trung Quốc là quốc gia duy nhất vượt qua cột mốc 1,5 triệu robot công nghiệp. Việc áp dụng đang được phổ biến chủ yếu ở các ngành công nghiệp ô tô, máy móc và điện tử.

Luo Jun, tổng thư ký Diễn đàn Sản xuất Châu Á cho biết: “Sự lão hóa chỉ là một trong những yếu tố. Quan trọng hơn, chính nhu cầu chuyển đổi và nâng cấp công nghiệp sẽ giúp tốc độ tăng trưởng của robot công nghiệp Trung Quốc đứng đầu thế giới và sẽ tiếp tục như vậy”.

Luo cho biết việc vận hành bằng robot sẽ cho phép Trung Quốc duy trì hệ thống công nghiệp mạnh mẽ khi cạnh tranh với các thị trường mới nổi.

Ông cũng nói rằng tiến bộ này đang nâng cao vị thế của Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất toàn cầu. Trung Quốc không chỉ nên củng cố vị thế công xưởng của thế giới mà còn đặt mục tiêu trở thành một cường quốc sản xuất tiên tiến.

Tham khảo SCMP


Bạch Linh

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên