Check-in tại triển lãm từ bao giờ đã trở nên tiêu cực đến gán ghép cho hai từ "sống ảo"? Với người trong ngành, liệu hành động đó có làm tổn thương nghệ thuật?
Chuyện chụp hình tại triển lãm (nếu được cho phép) là điều hết sức bình thường. Nhưng có đôi lúc, cũng là rút máy ảnh ra, cũng là đưa máy ảnh lên mà nó làm cho người xung quanh có cảm giác... 'lạ lắm'.
- 26-05-2022Bài học đắt giá David Beckham dạy con trai khi lấy vợ: Lời khuyên chân thành, cảm động, ai cũng thấm thía
- 25-05-2022Bí ẩn về gia tộc quyền lực bậc nhất thế giới: Ngồi trên lưng tuấn mã để tạo nên thương hiệu tỷ USD, ra luật chơi riêng để có những món hàng hiệu sinh lời cao hơn cả vàng và chứng khoán
- 22-05-2022Hòn đảo thiêng ở Nhật Bản có 1 cư dân sinh sống, chỉ nam giới được đến thăm và phải tắm trần trước khi lên bờ
Ngày nay không chỉ những ai quan tâm, tìm hiểu về văn hoá, nghệ thuật mà cả học sinh sinh viên, dân văn phòng, gia đình hay cô chú trung niên… cũng đều thường xuyên lui tới các buổi triển lãm. Triển lãm dần làm quen với công chúng hơn là một tín hiệu đáng mừng vì khi tiếp cận với văn hoá, nghệ thuật, thế giới quan của mỗi người sẽ được mở rộng, các giá trị tri thức cũng được lưu giữ và phát triển hơn.
Sự kiện “Summer Art Gathering” cùng những tác phẩm mới nhất từ hai nghệ sĩ Cyril Kongo và Hom Nguyen - Ảnh: @ss.art.vietnam
Tuy nhiên, giữa số lượng lớn người rảo bước ở các phòng tranh, các địa điểm trưng bày sáng tạo nghệ thuật… thì cũng có không ít người chẳng để tâm mấy đến không gian và nội dung mình đang tiếp cận. Họ chọn đến đây như một nơi check-in mới khi đã chán chê rạp phim, quán cà phê, nơi vui chơi ngoài trời... Số khác lại mong muốn mình có bức hình trông thật "nghệ" và chọn các tác phẩm ở triển lãm làm hậu cảnh để diễn cùng mình.
Và thật không hay rằng số lượng những người như thế lại ngày một tăng, thậm chí còn đông hơn cả số lượng các buổi triển lãm được phép mở cửa mỗi năm cộng lại. Dần dần, chẳng biết từ bao giờ, cái cảm giác nhìn thấy một người nào đó đến triển lãm mà rút máy ảnh ra, đưa máy ảnh,... lại bỗng chốc trở nên... "lạ lùng lắm".
TRIỂN LÃM KHÔNG PHẢI LÀ ĐIỂM CHECK-IN "HỢP THỜI"
Anh Đỗ Viết Tuấn – Creative & Art Director tự do tại SAIGON, chuyên chọn chủ đề đồng thời thiết kế và tổ chức các cuộc triển lãm: "Có thể coi việc mọi người bây giờ kéo nhau đến triển lãm ồ ạt là một hiệu ứng domino. Vì thực sự địa điểm triển lãm mang đến cho người ta một bức hình "nghệ thuật", đẹp từ người chụp đến không gian trong ảnh. Nếu chỉ coi triển lãm là một khu vui chơi, một nơi chụp hình sống ảo thì nó là một biểu hiện đáng báo động vì thể hiện một lối sống hời hợt, chăm chăm để ý những gì người khác đánh giá, nhìn nhận mình".
Anh Đỗ Viết Tuấn tại triển lãm “Gia đình tôi" của hoạ sĩ Huy Phan
Chuyện chụp hình ở địa điểm trưng bày nghệ thuật là hành động quá quen thuộc và rất đỗi bình thường. Vì chụp hình là một nhu cầu cơ bản của mỗi người – nhu cầu muốn lưu trữ những khoảnh khắc đẹp, không gian đẹp mình được chứng kiến hay chỉ đơn giản vì thấy mình sẽ đẹp khi đứng ở một không gian nào đó. "Không riêng gì các buổi triển lãm mà Tuấn tổ chức, Tuấn nghĩ rằng các cuộc triển lãm, đang và sắp xảy ra ở Việt Nam cũng như là trên thế giới thì tỉ lệ người đến chụp hình vẫn nhiều hơn là người đến vì nghệ thuật, thưởng thức tác phẩm. Tuy nhiên nhìn những triển lãm mà mình dày công xây dựng ý tưởng, thiết kế chỉ được xem như một hậu cảnh của bức hình thì không chỉ bản thân Tuấn mà những người nghệ sĩ sẽ thấy buồn. Cách một ai đó đứng trước tác phẩm nghệ thuật hay trong không gian cần tôn trọng như vậy để chụp hình sao cho người ngoài nhìn vào cảm thấy nó không bị sử dụng làm hậu cảnh sẽ thể hiện họ là người thực sự văn minh, văn hoá."
"Việc đi xem triển lãm là một thói quen mới của giới trẻ hiện nay là một điều thực sự tốt. Triển lãm những năm trở lại đây là một nhu cầu, thói quen mới và đây thể hiện một phần nào đó về mức sống, nhu cầu thưởng thức nghệ thuật, nhu cầu mong muốn trải nghiệm được nâng cao trong cuộc sống hiện tại."
Tuỳ mỗi người sẽ có cách lưu giữ vẻ đẹp nghệ thuật khác nhau. Bạn lưu giữ tài năng của nghệ thuật bằng trí nhớ cũng được, nhưng nếu bạn muốn giữ chúng qua bức hình, video cụ thể thì cũng chả sao. Miễn là, chúng ta tôn trọng cái đẹp và lịch sự với những người xung quanh.
CHÚNG TA ĐẾN TRIỂN LÃM ĐỂ HỌC VÀ THƯỞNG THỨC NGHỆ THUẬT
Tuỳ quan điểm, sở thích mỗi người, ở mỗi độ tuổi sẽ có những mục đích khác nhau khi đến xem triển lãm. Có người đến để tìm hiểu tư duy, góc nhìn của những người làm nghệ thuật, có người đến để tìm kiếm ý tưởng cho mình, có người muốn cảm nhận không gian nghệ thuật hoặc chỉ đơn giản xây dựng hình ảnh "có chiều sâu" với ai đó.
Nếu bất kì ai đến triển lãm và chụp hình đều bị đánh đồng là không hiểu gì đến nghệ thuật, và sự xuất hiện của họ làm phiền người xem, thì triển lãm đang bị "xem trọng hoá" sai cách. Anh Đỗ Viết Tuấn nghĩ rằng: "Có rất nhiều người xung quanh mình đến triển lãm vì muốn thưởng thức nghệ thuật thật sự, đến để chia sẻ quan điểm của mình, để cập nhật thêm nghệ thuật đương đại của nước nhà, và cả họ muốn trải nghiệm không gian đó nữa. Sự xuất hiện của những ai chưa biết nhiều về chủ đề của buổi triển lãm là rất bình thường, văn minh, đáng mừng. Mọi thứ đều đến từ ý thức và nhận thức của người xem, nếu đánh đồng theo cách tiêu cực này thì không đúng với những người yêu thích nghệ thuật."
"Chơi chung cho vui" - sự kiện dành cho cộng đồng Art Toys Việt Nam
Hơn 10 năm trải qua các sự kiện văn hoá nghệ thuật ở rất nhiều lĩnh vực từ âm nhạc, triển lãm sắp đặt nghệ thuật đến các triển lãm liên quan tới cộng đồng, anh Tuấn chia sẻ: "Đối với những triển lãm về văn hoá, những triển lãm về vùng miền, về tìm hiểu văn hoá lịch sử thì mình cần số lượng đông, mình cần công chúng đến để được biết tới, để họ có thêm một nguồn thông tin hữu ích. Đôi khi triển lãm của mình càng nhiều người biết đến thì đó cũng là thước đo cho sự thành công của triển lãm. Các triển lãm mang tính hàn lâm hơn như về hội hoạ, sắp đặt, trừu tượng… mình cũng rất cần những ai thật sự muốn biết thêm về điều này, muốn thưởng thức ghé đến."
Ảnh minh hoạ: @trongnhan98, @lehatruc
NHỮNG ĐIỂM CẦN LƯU Ý KHI CHỤP HÌNH ĐỂ KHÔNG LÀM "TỔN THƯƠNG" NGHỆ THUẬT
1. Không bật đèn flash hay dùng gậy tự sướng:
Đây là việc tuyệt đối không nên. Vì đèn flash sẽ làm ảnh hưởng đến việc xem tác phẩm của những người xung quanh và gậy tự sướng sẽ cản trở việc di chuyển của mọi người.
2. Không tụ tập, đùa giỡn:
Nếu bạn đứng tụ lại thành một nhóm đông người chỉ để chụp ảnh chung, hỗ trợ chụp hình cho người đi cùng mình sẽ chắn lối đi của người khác.
3. Đừng đứng đâu cũng cho ra ngàn tấm hình sống ảo:
Triển lãm không phải là phim trường hay quán cà phê, bạn không nên đi một bước là chụp một kiểu ảnh. Vì nếu bạn đang chụp hình, người muốn đi ngang sẽ phải dừng lại chờ để né ống kính máy ảnh. Dẫu có tâm đắc vì tác phẩm nghệ thuật đẹp đến đâu, bạn cũng nên khéo léo chụp hình ít nhất có thể để không làm phiền đến người khác.
4. Luôn giữ khoảng cách với tác phẩm:
Đừng chỉ vì muốn "tương tác" với tác phẩm nghệ thuật mà chạm tay vào tác phẩm (trừ khi đó là dụng ý của nghệ sĩ). Bạn không thể tưởng tượng được chỉ một cái chạm tay có thể huỷ hoại một tác phẩm kì công và mất nhiều thời gian đến thế nào đâu.
5. Không đứng tạo dáng chụp hình quá lâu:
Nếu bạn đứng một chỗ quá lâu để chụp cho được bức ảnh "để đời" thì sẽ hạn chế cơ hội tiếp cận giá trị nghệ thuật của người khác. Nếu muốn lưu lại thông điệp hay ho mà tác giả muốn truyền tải qua sản phẩm nào đó, hãy cứ đợi lúc vắng người rồi quay lại nhé.
6. Chỉ nên chụp khi được cho phép:
Nếu buổi triển lãm bạn đến cho phép được chụp hình, bạn có thể khéo léo chụp ảnh những gì mình muốn. Còn nếu không thấy kí tự hay quy định nào nói về việc cho phép chụp ảnh hay không, thì hãy hỏi ban tổ chức.
Trí thức trẻ