Chết chùm tại “thành phố ma” Nhơn Trạch
Hơn 20 năm trước, Nhơn Trạch được kỳ vọng sẽ trở thành đô thị loại 2 của Đồng Nai và cả nước với hàng trăm dự án khu dân cư được hình thành, quy mô dân số dự kiến đến năm 2020 là 500.000 người. Tuy nhiên từ ngày “khoác áo” thành phố mới cho đến nay, Nhơn Trạch vẫn như “thành phố ma” dù thị trường bất động sản đã trải qua nhiều cơn sốt.
Giới đầu cơ lũng đoạn
Nhơn Trạch là một huyện nằm ở phía tây nam tỉnh Đồng Nai, được thành lập năm 1994 trên cơ sở tách ra từ huyện Long Thành cũ với diện tích 431km2. Năm 1996, đề án Thành phố mới Nhơn Trạch được phê duyệt với diện tích lên đến hàng ngàn ha.
Sau khi xin được đề án quy hoạch và chủ đầu tư triển khai làm hạ tầng, thành phố mới Nhơn Trạch từng tạo cơn sốt thu hút các nhà đầu tư đến từ TP.HCM và các tỉnh lân cận. Nhơn Trạch kỳ vọng sẽ là một thành phố mới phát triển nhanh chóng, là vệ tinh đắt giá của TP.HCM, một "Đông Sài Gòn" sầm uất.
Đã hơn 20 năm, mặc dù thị trường bất động sản đã trải qua nhiều cơn sốt đất nhưng Nhơn Trạch vẫn "án binh bất động", nằm âm u, hoang lạnh lạ thường. Nhơn Trạch được nhiều người trong giới địa ốc hay gọi bằng những từ không mấy thiện cảm như "thành phố ma" hay "cú lừa lớn của thập niên"… khiến cho tình hình càng trở nên ảm đạm hơn.
Nguyên nhân chính dẫn đến việc hoang tàn như thế được cho là do thành phố mới quá xa trung tâm hành chính huyện Nhơn Trạch và thiếu các tiện ích như chợ, trường học, bệnh viện… Một nguyên nhân khác khiến cho hàng trăm dự án "chết chìm" bởi người mua đất tại đây phần lớn là dân đầu tư, đầu cơ lướt sóng kiếm lời chứ họ không có nhu cầu mua để ở.
Một dự án khu dân cư hiện đại đã được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh, nhưng vắng bóng người do thiếu các tiện ích vui chơi, ăn uống, dịch vụ...
Năm lần "sốt" đất
Thông tin quy hoạch mới bị giới đầu tư nắm bắt đã nhiều lần đẩy giá đất Nhơn Trạch lên cao. Cơn sốt đất đầu tiên của Nhơn Trạch diễn ra vào năm 1996, khi huyện này được phê duyệt quy hoạch lên thành phố, là đô thị loại 2 với dân số dự kiến năm 2005 là 100.000 người cho diện tích 2.000ha và đến năm 2020 khoảng 500.000 người cho diện tích 8.000ha. Huyện Nhơn Trạch có đầy đủ các khu chức năng như công nghiệp, dân dụng, đô thị...
Lần thứ 2, giá đất Nhơn Trạch lên đỉnh từ năm 2006, khi có thông tin xây một cây cầu nối với Q.9, TP.HCM. Đến năm 2014, dự án sân bay quốc tế Long Thành được thông qua chủ trương đầu tư, đất đai ở Nhơn Trạch lại "sốt" lần nữa.
Lần thứ 4 là vào năm 2016, khi TP.HCM kiến nghị Thủ tướng chấp thuận chủ trương bổ sung quy hoạch xây dựng cầu thay thế phà Cát Lái. Lần thứ 5 là hồi đầu tháng 8/2018 khi UBND tỉnh Đồng Nai họp với TP.HCM về phương án xây cầu Cát Lái. Tại cuộc họp này, TP.HCM đồng ý để Đồng Nai làm chủ đầu tư dự án xây cầu Cát Lái. Thông tin này một lần nữa đã khiến thị trường bất động sản Nhơn Trạch sốt ảo trở lại.
Thông tin Nhơn Trạch "lên phố" đã kéo theo không ít nhà đầu tư từ TP.HCM và vùng lân cận tạo ra cơn sốt đất với 200 dự án lớn nhỏ. |
Cùng nhau "chết chùm"
Trong khi các nhà đầu tư trong nước bắt đầu nản lòng với thành phố ma Nhơn Trạch thì bất ngờ tháng 4/2017 xuất hiện một tập đoàn đến từ Trung Quốc là China Fortune Land Development (CFLD) đầu tư 65 triệu USD vào Khu đô thị du lịch sinh thái Sen Đại Phước (Đại Phước Lotus) tại xã Đại Phước, huyện Nhơn Trạch. Tuy đã hoàn chỉnh hạ tầng, tiện ích và kinh doanh một phần dự án từ nhiều năm nay nhưng Đại Phước Lotus cũng lâm vào tình cảnh ế ẩm, đìu hiu và "chết chùm" cùng các dự án bất động sản khác ở "thành phố ma".
Hiện nhiều nhà đầu tư tỏ rõ nghi ngại khi đầu tư vào khu vực này. Họ đã chờ đợi quá lâu để có thể thấy Nhơn Trạch trở thành một khu đô thị hiện đại.
Nhiều chuyên gia bất động sản cho rằng, để hóa giải bài toán Nhơn Trạch hiện nay chỉ cần một cây cầu kết nối từ TP.HCM sang sẽ giải quyết cơ bản vấn đề. Nhưng cũng chính những thông tin về xây cầu kết nối đã nhiều lần khiến vùng đất này trở nên khốn đốn bởi giới đầu cơ. Các chuyên gia bất động sản cũng cho rằng quan trọng nhất là phải công bố quy hoạch và xác định lộ trình hoàn thiện rõ ràng, tránh việc thông tin chỉ dừng ở mức chủ trương hay tin đồn thì mới kích thích được nhu cầu thật của người mua.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) thừa nhận thị trường có tình trạng đầu cơ, thu gom lượng lớn sản phẩm, sau đó làm giá theo ý mình, khống chế, chi phối thị trường. Cũng theo ông Châu, Nhơn Trạch từng là điểm nóng thị trường bất động sản vệ tinh TP.HCM với hàng loạt dự án có quy mô đầu tư hàng trăm triệu đến hàng tỷ USD được đăng ký. Không chỉ các nhà đầu tư trong nước mà nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng đến đây để tìm kiếm cơ hội. Tuy nhiên, bi kịch hiện nay là hầu hết đất dự án đều nằm trong tay giới đầu cơ.
Trải qua hơn 2 thập kỷ, thành phố mới Nhơn Trạch vẫn âm u, hoang lạnh lạ thường. |
Người tiêu dùng