Chỉ 0,6 người trên 1.000 dân làm khoa học thì công nghiệp 4.0 mãi chỉ là giấc mơ!
GS.TS Nguyễn Quang Liêm cho rằng, cần có chính sách thu hút nhiều người làm khoa học công nghệ, tạo tiền đề cho việc nghiên cứu công nghệ mới. Hiện tại, tỷ lệ người làm khoa học ở Việt Nam là 0,6 người/1.000 dân, kém xa mức 17-18 người/1.000 dân tại Israel.
- 13-07-2018Sáng nay, Thủ tướng tham dự Diễn đàn Cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0
- 21-06-2018Nhiều doanh nghiệp hàng đầu Philippines tìm kiếm cơ hội trong lĩnh vực bán lẻ, công nghiệp… tại Việt Nam
- 09-06-2018Công nghiệp 4.0 sẽ tác động như thế nào đến thể chế?
Số người nghiên cứu khoa học quá thấp
"Thống kê ở Việt Nam cho thấy, 1000 dân có 0,6 người làm khoa học công nghệ. Tỷ lệ này ở Trung Quốc là 2, Hàn Quốc là là 4-5, Châu Âu là 5-6. Riêng Israel con số lên đến 17-18. Nếu không ai làm khoa học công nghệ thì 4.0 chỉ là giấc mơ. Tất nhiên giấc mơ vẫn là giấc mơ, nhưng nếu có giấc mơ mà không thực hiện được thì cũng buồn" – GS.TS Nguyễn Quang Liêm phát biểu tại hội thảo "Nhận diện tác động và khuyến nghị đối với Việt Nam", ngày 13/7.
GS.TS Nguyễn Quang Liêm, ảnh: Tiến Tuấn
Theo đại diện Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ đòi hỏi sự tích hợp cao độ giữa các công nghệ. Vì vậy, chuyên môn của mỗi người phải tốt, từ đó mới có thể thiết lập các trung tâm tích hợp công nghệ với nhau.
Nhà nước cần có chính sách thu hút cán bộ khoa học công nghệ, xây dựng trung tâm tích hợp công nghệ. Ở phía ngược lại, mỗi cá nhân phải tự nâng trình độ của mình lên để phù hợp với yêu cầu của CMCN 4.0.
Bà Lucy Cameron, chuyên gia tư vấn nghiên cứu cao cấp của Data61 (CSIRO, Australia) cho rằng, chính sách khoa học công nghệ cần có một cơ cấu chặt chẽ. Trong đó, người làm chính sách không chỉ cần kỹ năng khoa học mà còn phải có kỹ năng thích nghi với công nghệ luôn luôn thay đổi.
Bà Lucy Cameron, chuyên gia tư vấn nghiên cứu cao cấp của Data61 (CSIRO, Australia), ảnh: Tiến Tuấn
"Chúng ta chưa có robot nào đưa ra được chính sách. Nhưng chúng giúp chúng ta đưa ra chính sách tốt hơn. Với vai trò là con người, chúng ta sẽ hướng việc ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực đạt hiệu quả cao" – bà Lucy Cameron nói.
Phải kiên định ngay từ giai đoạn chuyển đổi lên 4.0
PGS Jan Liphardt (Đại học Stanford) khẳng định, nhiều quan điểm đang bị thách thức trong thời đại CMCN 4.0. Những ngành nghề đòi hỏi trình độ cao trong ngành y tế cũng có thể không còn được đánh giá cao như hiện nay và bị robot thay thế.
"Ở Mỹ, nhiều người lái xe tải và muốn có công nghệ xe tải tự lái để họ không phải lái xe tải nữa. Trong tương lai, liệu máy móc công nghệ cao có thể thay thế cho bác sĩ hay không? Trong khi bối cảnh thiếu bác sỹ, việc ứng dụng khoa học công nghệ trong y tế còn giúp giảm thiểu chi phí khám chữa bệnh. Thời của tôi, bác sỹ là một nghề rất tốt, nhưng chính tôi cũng không biết hướng nghiệp cho hai cô con gái của mình như thế nào" – ông Jan Liphardt chia sẻ.
Từ đó, PGS Jan Liphardt cho rằng, xu hướng tự động hóa là mạnh mẽ và tất cả mọi người nên có quan điểm mềm dẻo trong bối cảnh hiện nay.
TS Stefan Hajkowicz, chuyên gia khoa học cao cấp của Data61 (CSIRO, Australia), ảnh: Tiến Tuấn
Theo TS Stefan Hajkowicz, chuyên gia khoa học cao cấp của Data61 (CSIRO, Australia), Chính phủ cần lập các kịch bản hoàn chỉnh trong chiến lược 4.0. Nhưng quan trọng hơn là phải kiên định thực hiện chiến lược ngay từ giai đoạn chuyển đổi lên 4.0.
Về phía cá nhân, mỗi người cần tự hướng mình vào những công việc phức tạp, đòi hỏi trí thông minh cao. Công việc giản đơn, có tính lặp lại chắc chắn sẽ được tự động hóa bởi máy móc. Còn những công việc có yêu cầu cảm xúc như chụp ảnh cũng đã có các máy móc hỗ trợ.