MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

'Chỉ 10 năm, tư nhân làm xong sân bay Long Thành'

04-05-2019 - 14:36 PM | Bất động sản

“Nếu tin tưởng giao doanh nghiệp tư nhân làm các dự án lớn có thể rút ngắn 2/3 thời gian thực hiện” - ông Trương Gia Bình.

Tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 (diễn ra hai ngày 2 và 3-5) có nhiều đề xuất tuy táo bạo so với thông lệ nhưng lại rất hợp lý với tầm vóc và đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân.

Chỉ cần 10 năm, không cần 30 năm

Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Tập đoàn CMG kiêm Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam, thẳng thắn đề nghị: “Chính phủ nên giảm bớt việc, giao việc cho tư nhân. Những gì tư nhân có thể làm được thì đề nghị Chính phủ mạnh dạn giao cho tư nhân”.

Ông Trương Gia Bình, Trưởng ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), cùng quan điểm này với ông Chính. Ông Bình đề xuất Chính phủ giao “nhiệm vụ to” cho tư nhân và cho rằng nếu tin tưởng giao doanh nghiệp (DN) tư nhân làm các dự án lớn có thể rút ngắn 2/3 thời gian thực hiện.

“Tôi nói ví dụ như dự án đường sắt Bắc-Nam hay Cảng hàng không quốc tế (CHKQT) Long Thành. Nếu Chính phủ giao cho khối tư nhân thì tôi tin chắc rằng việc thực thi không phải mất 30 năm mà chỉ trong vòng dưới 10 năm. Đây là những nỗ lực mà khối DN tư nhân sẵn sàng nhận nhiệm vụ với Chính phủ” - ông Bình nói.

Ông cũng cho rằng quốc tế ấn tượng tốt với các chỉ số về khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam thời gian qua. Đặc biệt là về môi trường kinh doanh, logictics, đổi mới sáng tạo... đều tăng 25 bậc trong năm qua. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận thực tế vẫn còn tình trạng “trên trải thảm đỏ, dưới trải đinh”.

Không chỉ ông Bình, ông Chính mà nhiều công ty tư nhân khác cũng đề xuất giao việc cho mình. Chẳng hạn ông Đinh Việt Phương, Phó Tổng Giám đốc hãng hàng không VietJet, nhận định: “Năng lực hệ thống kết cấu hàng không hiện nay đang thiếu hụt về hạ tầng, cản trở đến kinh tế và du lịch. Nhiều sân bay đang quá tải khi vượt qua công suất thiết kế”.

Từ nhận định trên, ông Phương đề nghị nếu ngân sách khó khăn, không đầu tư cơ sở hạ tầng được thì nên giao cho tư nhân. Ông còn cam kết: “Nếu được giao, tư nhân có thể hoàn thành trong 12-18 tháng một nhà ga mới và có thể làm thay đổi cả năng lực cạnh tranh, khai thác ở sân bay, tương tự như trường hợp CHKQT Vân Đồn”.

Chủ tịch HĐQT VietJet Nguyễn Thanh Hà mong các DN tư nhân được sự đối xử bình đẳng, công bằng của cơ quan quản lý; đồng thời đề nghị Bộ GTVT ưu tiên tập trung xây dựng quy hoạch phát triển hạ tầng sân bay, nhà ga, tạo điều kiện cho các tập đoàn kinh tế tư nhân có tiềm lực được tham gia, đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng sân bay.

“Ví dụ như đề xuất dự án nâng cấp sân bay Điện Biên, hãng tính phải 60-70 năm mới hoàn vốn nhưng dự án có ý nghĩa lịch sử, một địa danh gắn với chiến thắng Điện Biên Phủ. Do đó hãng nhận thấy cần đầu tư thành điểm đến quốc tế mang tính lịch sử, một vùng kinh tế phát triển văn minh” - bà Hà nói.

Chỉ 10 năm, tư nhân làm xong sân bay Long Thành - Ảnh 1.

Ông Trương Gia Bình (bên trái):“Nếu giao cho tư nhân làm dự án sân bay Long Thành, cao tốc Bắc-Nam chỉ mất 10 năm thay vì 30 năm”. Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể: “Sẵn sàng mời tư nhân xây dựng sân bay, đường sắt quốc gia”. Ảnh: CTV

“Sẵn sàng giao cho tư nhân”

Trước những đề xuất trên, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh Chính phủ đã có chủ trương huy động mọi nguồn vốn để nâng cấp hạ tầng giao thông vận tải, trong đó có DN tư nhân. Ông Thể khẳng định sẵn sàng mời gọi các nhà đầu tư góp vốn nâng cấp, xây dựng các sân bay và cả hệ thống đường sắt quốc gia trong thời gian tới.

Đánh giá cao việc Sun Group đã đầu tư xây mới sân bay quốc tế Vân Đồn hay VietJet đang vươn lên thành thương hiệu hàng không mạnh, ông Thể nói: “Điều này chứng tỏ DN tư nhân đầu tư vào ngành giao thông mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn”.

Đồng thời, ông cho biết Bộ GTVT kêu gọi tư nhân đầu tư xây dựng sân bay Sa Pa (Lào Cai), sân bay Lai Châu hay sân bay Nà Sản (Sơn La)… vì những sân bay này đều có tiềm năng lớn để phát triển.

Sau khi đề cập đến việc có một tập đoàn quan tâm đến việc đầu tư CHKQT Long Thành, Bộ trưởng Thể khẳng định: “Chúng tôi sẵn sàng mời các nhà đầu tư có điều kiện vào để hình thành nguồn vốn giúp xây dựng sân bay quốc tế Long Thành”.

Đối với vấn đề cụ thể mà VietJet đưa ra là xây dựng sân bay Điện Biên, ông Thể lại cho rằng đây là một trong 21 sân bay nhà nước giao cho DN nhà nước - Tổng Công ty CHK Việt Nam (ACV). “Hiện nay, chúng tôi xây dựng một đề án xem ACV có thể đầu tư những sân bay nào. Chúng tôi sẽ mời gọi các nhà đầu tư với những sân bay mà khả năng của ACV gặp khó khăn” - ông Thể nói.

Liên quan tới hàng không, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, bày tỏ quan điểm hàng không tác động trực tiếp đến ngành du lịch. Vì vậy, bên cạnh những vấn đề về cơ sở hạ tầng hàng không, đào tạo nhân lực, miễn visa… ông Bình còn cho hay: “Việc cấp phép thêm các hãng hàng không mới được nhiều DN đề xuất để nâng cao hạ tầng ngành hàng không”.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho hay đây là ngành nghề có ảnh hưởng đến an ninh quốc gia nên cần có thẩm quyền của Chính phủ. DN xin cấp giấy kinh doanh của ngành dựa trên Luật Hàng không. Cơ quan quản lý cũng sẽ rà soát nếu các điều khoản của luật liên quan trùng lặp sẽ tiến hành lược bỏ như điều kiện về vốn.

Trung Quốc vào nhiều nhất!

Mới đây, tại phiên họp của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật đã đề cập đến những khó khăn về vốn đối với các dự án hạ tầng. Hiện có tám dự án đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông theo hình thức BOT nhưng cũng khá khó khăn. Ông Nhật cho rằng các nhà đầu tư tư nhân trong nước không đủ năng lực tham gia theo quy định, còn các nhà đầu tư nước ngoài lại không mặn mà.

"Thực sự Quốc hội phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng luật PPP, hiện nay các văn bản ở tầm nghị định, thông tư kêu gọi nhà đầu tư rất khó khăn. Chúng tôi đã họp rất nhiều cuộc rồi, mong Quốc hội sớm hoàn chỉnh luật này. Các nhà đầu tư từ các nước phát triển như Pháp, Anh, Mỹ, Nhật… chưa thấy ai tìm hiểu (các dự án BOT của Việt Nam)" - Thứ trưởng Nhật nói tại phiên họp.

Thứ trưởng Nhật cũng cho hay các nhà đầu tư lớn có ba yêu cầu mà Việt Nam không đáp ứng là bảo lãnh doanh thu, bảo lãnh chuyển đổi tỉ giá và bảo lãnh rủi ro chính phủ. Vì vậy, các nhà đầu tư lớn không vào, đặc biệt các nước phát triển, duy nhất chỉ có Trung Quốc vào nhiều nhất.


Theo Chân Luận

Pháp luật Tp Hồ Chí Minh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên