MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chi 1.000 tỷ đồng, nước thải vẫn xả thẳng ra hồ Tây

11-10-2016 - 07:54 AM | Xã hội

Để tránh ô nhiễm cho hồ Tây, từ năm 2010 UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng trạm thu gom, xử lý nước thải hồ Tây với tổng kinh phí khoảng 1.000 tỷ đồng.

Dự án hoàn tất như được phê duyệt, nhưng nhiều đơn vị, cơ quan thiếu hợp tác khiến hệ thống gom nước quanh hồ Tây không được sử dụng hiệu quả.

Với tổng số kinh phí khoảng 1.000 tỷ đồng, năm 2010 UBND thành phố Hà Nội giao cho Cty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Thương mại Phú Điền và Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển Môi trường SFC Việt Nam làm chủ đầu tư dự án xây dựng trạm xử lý nước thải hồ Tây. Dự án được chia làm hai giai đoạn và đầu tư theo hình thức BT.

Cống ngầm lớn đổ thải xuống hồ

Cụ thể, trong giai đoạn 1 (triển khai từ năm 2010 đến 2012) với tổng kinh phí đầu tư hơn 600 tỷ đồng, nhà đầu tư triển khai các hạng mục: Xây trạm xử lý nước thải tại phường Nhật Tân với công suất 15.000m3/ngày đêm. Với công nghệ xử lý nước thải bằng phương pháp sinh học hiếu khí bùn hoạt tính tuần hoàn. Sau khi đi vào hoạt động nhà máy có nhiệm vụ bảo vệ, cải thiện môi trường, không gây ô nhiễm cho nước hồ Tây.

Đến tháng 4/2015, UBND thành phố Hà Nội phê duyệt bổ sung thêm 312 tỷ đồng cho dự án xây dựng trạm xử lý nước thải hồ Tây (giai đoạn 2). Theo đó, với tiến độ xây dựng từ quý 1 đến quý 3/2015, nhà đầu tư thực hiện các hạng mục mở rộng hệ thống thu gom nước thải, xây dựng các tuyến cống, trạm bơm thu gom nước thải từ các lưu vực thuộc phạm vi của dự án và khu vực phía Tây Nam, một phần phía Nam thuộc lưu vực hồ Tây 154,5ha). Bên cạnh đó là thu gom nước thải từ một số cống thoát nước hiện có đang xả trực tiếp ra hồ. Dự án giai đoạn 2 cơ bản hoàn thành đầu tháng 9/2016 và đang tiến hành chạy thử theo hợp đồng ký kết.

Tuy nhiên, khảo sát xung quanh bờ hồ Tây những ngày qua, PV Tiền Phong ghi nhận, vẫn còn hàng chục ống cống xả nước thải trực tiếp ra hồ Tây. Trong đó, cống xả tại khu vực số 2 – 4 và khu vực số 8 đến số 10 phố Thụy Khuê có 3 cống đường kính khoảng 50cm đang xả nước thải đen ngòm ra hồ Tây.

Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Lê Hoàng khẳng định, thông tin 30 cống xả thải trực tiếp ở hồ Tây là chính xác. Trong đó, những cống to gồm: Cống sau Công viên nước, cống sau nhà hàng Sen, cống Xuân La (CLB Du thuyền), cống Đõ (mương Thụy Khuê), cống sau trường THPT Chu Văn An, cống Tàu Bay (số 2 Thụy Khuê) và cống đầu dốc Khách sạn Sheraton. Bên cạnh đó còn có hàng chục cống nhỏ.

Lãnh đạo quận Tây Hồ khẳng định, trong tất cả cống này, cống số 4 Thụy Khuê là cống lớn nhất, ô nhiễm nhất và đang xả thải trực tiếp vào hồ Tây. Cống có lịch sử từ thời Pháp, là cống kép kích thước 3x3m, sâu 4m, trực tiếp nhận nước thải sinh hoạt của hàng trăm hộ dân, văn phòng tại khu vực Quán Thánh, Phan Đình Phùng… Năm 2012, UBND quận Tây Hồ đã báo cáo thành phố đề án xử lý cống này, cũng như đề xuất biện pháp đưa cống trên vào hệ thống thu gom nhưng chưa được giải quyết.


Nhiều cống ngầm đang xả thải trực tiếp ra hồ Tây. Ảnh: A. Trọng.

Nhiều cống ngầm đang xả thải trực tiếp ra hồ Tây. Ảnh: A. Trọng.

Mập mờ “đấu nối”

Trả lời câu hỏi vì sao 30 cống xả thải và nhiều nhà hàng, khách sạn quanh hồ Tây vẫn trực tiếp xả thải xuống hồ, mặc dù đã hoàn thành nhà máy xử lý nước thải, lãnh đạo quận Tây Hồ cho biết, trong tháng 5/2016, quận Tây Hồ đã có văn bản gửi các phường trên địa bàn, yêu cầu đốc thúc các doanh nghiệp có nước thải ra hồ có trách nhiệm đấu nối với hệ thống thu gom nước thải chung. Đến nay, quận mới nhận được phản hồi của vài đơn vị lớn. Đại diện Phòng TN&MT quận Tây Hồ nói, chưa có thông tin có bao nhiêu đơn vị đấu nối vào hệ thống gom chung. Ngoài ra, đấu nối còn liên quan đến lượng nước xả trong ngày, chi phí phải trả…

Đại diện UBND quận Tây Hồ lập luận, ngay hồ sơ xả thải, báo cáo quan trắc môi trường… UBND quận cũng không được cung cấp, do đó không được tham gia nghiệm thu công trình, không đủ thẩm quyền kiểm tra các doanh nghiệp xả thải. “Nếu kiểm tra, còn bị doanh nghiệp kiện vì gây khó khăn, cản trở”, Phó Chủ tịch quận Tây Hồ Nguyễn Lê Hoàng nói. Khi hệ thống đấu nối về điểm xử lý nước thải hoàn thành, các nhà hàng, cá nhân có phải đấu nối hay không lại phụ thuộc vào Luật Tài nguyên Môi trường.

Chính bất cập này khiến cho một số doanh nghiệp “mập mờ” trong việc đấu nối vào hệ thống xả thải. Đơn cử như Nhà hàng Sen Tây Hồ (thuộc khuôn viên Công viên nước Hồ Tây). Đại diện nhà hàng cho biết, có báo cáo quan trắc môi trường thường niên, có đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải chung của hồ Tây. Tuy nhiên, phòng TN&MT quận cũng không nắm được việc có hay không việc đấu nối. Thậm chí, có doanh nghiệp ký hợp đồng trực tiếp với Cty Phú Điền, có doanh nghiệp lại có hợp đồng thỏa thuận với Ban Kè Hồ Tây. “Đây chính là bất cập trong công tác phân cấp quản lý chất lượng nước hồ”, lãnh đạo Phòng TN&MT quận nói.

Liên quan đến việc thực hiện văn bản của UBND quận Tây Hồ đề nghị chính quyền các phường quanh hồ Tây tuyên truyền cho các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, khách sạn làm thủ tục đấu nối với hệ thống thu gom nước của Cty Phú Điền vừa được hoàn thành giai đoạn 2, đại diện một số phường cho biết vẫn chưa có số liệu thống kê cụ thể, bởi một số cơ sở kinh doanh lớn đều được cấp phép vào hệ thống cống xả nước sinh hoạt chung của thành phố nên không có nhu cầu đấu nối vào hệ thống thu gom của Phú Điền.

Đại diện phường Quảng An cho biết, cả hai khách sạn lớn trên địa bàn là Sheraton Hà Nội và InterContinental Hanoi Westlake đều được cấp phép xử lý nước thải trong khuôn viên trước khi xả thải vào hệ thống cống chung của thành phố nên không cần phải đấu nối vào hệ thống thu gom nước thải của Cty Phú Điền, chỉ có dự án D. Le Roi Solei (số 2 Đặng Thai Mai) đang triển khai, xin phép đấu nối vào hệ thống thu gom nước thải của Cty này.

Dự kiến, hôm nay (11/10), Ban Thường vụ Quận ủy Tây Hồ sẽ có buổi làm việc với Cty Phú Điền, Ban Quản lý Kè hồ Tây để nghe các đơn vị báo cáo chu trình thu gom, xử lý nước thải hồ Tây trong thời gian qua.

Chưa có kết luận nguyên nhân cá chết ở hồ Tây

Hơn một tuần sau sự cố hơn 200 tấn cá chết ở hồ Tây, UBND quận Tây Hồ đã có báo cáo hiện trạng hồ Tây, các nguồn xả thải xung quanh hồ. Tuy nhiên, theo đại diện Chi cục Môi trường (Sở TN&MT Hà Nội), hiện các cơ quan chức năng đang tiếp tục chờ kết quả các mẫu xét nghiệm để thống kê, đưa ra kết luận chính thức báo cáo Thủ tướng Chính phủ và UBND thành phố Hà Nội.

PV

Theo Infonet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên