MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chỉ 2 ngày làm việc cũng làm nóng ran thị trường tài chính tuần đầu năm Đinh Dậu

05-02-2017 - 10:58 AM | Tài chính - ngân hàng

Tuần đầu tiên của năm mới Đinh Dậu đã kết thúc. Dù chỉ 2 ngày nhưng với thị trường tài chính ngân hàng cũng đã “nóng ran” bởi các thông tin bủa vây, từ kết quả kinh doanh, diễn biến giá vàng khó lường cho đến việc trả lãi thiếu ở Vietcombank.

Vàng, USD cùng dậy sóng

Sau 1 tuần nghỉ lễ, người lao động trở lại làm việc bình thường vào ngày mùng 6 Tết. Do thời gian nghỉ dài ngày nên thị trường đã phản ứng mạnh mẽ bởi những tác động từ thị trường thế giới.

Đầu tiên là giá vàng, từ mức chưa đến 37 triệu đồng/lượng trước Tết, giá vàng nhanh chóng được điều chỉnh lên gần 37,5 triệu đồng/lượng và duy trì mức chênh lệch trên 4 triệu đồng mỗi lượng so với thế giới do những ngày nghỉ vàng thế giới liên tục đi lên trước nỗi lo về kinh tế toàn cầu và đồng USD suy yếu sau quyết định duy trì lãi suất của Fed.

Chưa dừng lại ở đó, sức nóng từ ngày Vía thần tài (mùng 10 tháng Giêng âm lịch) sắp đến với nhu cầu gia tăng cũng phả vào giá kim loại quý. Sang ngày 3/2 tức mùng 7 Tết, vàng lại tiếp đà đi lên và vượt mức 38 triệu đồng/lượng – cao nhất trong vòng 3 tháng.

Vùng giá này tiếp tục được giữ vững trong hai ngày cuối tuần cùng nhu cầu sở hữu vàng may mắn của nhiều người dân dịp đầu năm.

Giới phân tích dự đoán giá vàng sẽ tiếp tục có nhiều biến động trong phiên giao dịch đầu tuần tới – đúng ngày Vía Thần tài. Như mọi năm, những người có quan niệm mua vàng ngày 10 tháng Giêng sẽ đem lại may mắn có thể xếp hàng mua vàng từ sáng sớm, còn các doanh nghiệp kinh doanh cũng tận dụng cơ hội này để mở cửa hàng từ 6h sáng cho đến tận 20 giờ cùng kỳ vọng vào doanh số “khủng”.

Ở thị trường ngoại tệ, sau 1 tuần nghỉ lễ, tỷ giá cũng được điều chỉnh tăng từ 50 – 80 đồng/USD trong ngày đầu làm việc. Biểu tỷ giá ngoại tệ được điều chỉnh nhanh, liên tục ở nhiều ngân hàng, tới vài chục lần. Tuy nhiên khác với thị trường vàng, giá USD đã hạ nhiệt nhanh chóng trong phiên làm việc thứ 2, và chỉ còn neo cao hơn 20 – 30 đồng so với thời điểm trước Tết.

Cổ phiếu nhiều ngân hàng tăng mạnh nhờ tin tốt

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu của nhiều ngân hàng tăng mạnh trong phiên làm việc đầu tiên nhờ các thông tin tích cực về kết quả kinh doanh.

Đầu tiên phải kể đến là cổ phiếu EIB của Eximbank có phiên tăng trần đầu tiên trong 2 tháng nhờ kết quả kinh doanh 2016 khởi sắc gấp 6 lần năm 2015, đạt lãi ròng hơn 300 tỷ đồng. Vấn đề nhân sự cấp cao - vốn làm Eximbank phải tốn nhiều công sức trong 2 năm qua – cũng được cho là sẽ ngã ngũ, đi vào ổn định trong kỳ đại hội cổ đông đã ấn định ngày vào 21/4 tới đây. Với 2 phiên đều tăng trong năm mới Đinh Dậu, hiện giá cổ phiếu EIB đang ở vùng cao nhất kể từ tháng 9 tới nay.

Cổ phiếu BIDV cũng tăng trong phiên giao dịch đầu năm mới sau khi ngân hàng đón nhận sự đánh giá về giá trị thương hiệu tới 255 triệu USD- đứng đầu các ngân hàng Việt Nam, vượt qua cả VietinBank. Trước đó, cổ phiếu BID của ngân hàng lớn nhất Việt Nam cũng đã có thời gian tăng liên tục từ cuối tháng 12 và đang hình thành vùng giá cao nhất kể từ tháng 7 năm ngoái với 17.200 đồng/cổ phiếu.

Kết thúc năm 2016, BIDV ghi nhận lợi nhuận thuần trước trích lập dự phòng rủi ro của BIDV trong năm 2016 lên tới 17 nghìn tỷ đồng, tăng 24,8% so với năm 2015. Tuy nhiên, do tăng mạnh tỷ lệ trích lập dự phòng so với cùng kỳ (vì phải gánh nợ cho ngân hàng sáp nhập MHB) dẫn đến sự suy giảm về lợi nhuận sau cùng. Sau khi xử lý hết các khoản nợ, lợi nhuận của BIDV những quý sau và năm sau kỳ vọng sẽ gia tăng một cách rõ rệt.

“Hiện tượng” ACB tiếp tục làm mưa làm gió trên thị trường cổ phiếu ngân hàng. Không chỉ 2 phiên đầu năm mà cổ phiếu này đã có thời gian tăng liên tục khá dài kể từ trung tuần tháng 12. Với mức giá 24.200 đồng/cổ phiếu, ACB hiện chỉ đứng sau giá cổ phiếu VCB của Vietcombank trên sàn và cũng đang nằm ở vùng giá cao nhất kể từ năm 2012.

ACB được nhà đầu tư đánh giá cao vì đang phục hồi mạnh mẽ từ khủng hoảng hơn 4 năm trước. Năm 2016 ngân hàng đạt lãi ròng hơn 1.300 tỷ, tăng gần 30% so với năm trước.

Ngoài các ngân hàng trên thì cổ phiếu của VIB, VCB, MBB, SHB cũng mở hàng tuần đầu năm mới bằng 1 phiên tăng điểm.


Diễn biến giá cổ phiếu BID của BIDV (trái) và ACB của ACB (phải) trong vòng 1 tháng qua

Diễn biến giá cổ phiếu BID của BIDV (trái) và ACB của ACB (phải) trong vòng 1 tháng qua

Vietcombank hút mọi sự chú ý

Nhưng hơn tất cả các sự kiện trên thị trường, báo cáo kiểm toán về công nghệ thông tin của Vietcombank mới là tâm điểm thu hút sự chú ý.

Ngày 2/2 tức mùng 6 Tết, thị trường đón nhận thông tin Kiểm toán Nhà nước đánh giá Vietcombank chưa tiệm cận các thông lệ quản trị công nghệ thông tin quốc tế hiện hành do hệ thống phần mềm mua của nước ngoài từ năm 1998 và một số phần mềm Vietcombank tự phát triển.

Cụ thể, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra điểm chưa phù hợp trong chu trình huy động vốn - phân hệ trả lãi tiền gửi khách hàng. Từ năm 2001 đến nay, các khoản lãi phát sinh hàng tháng của các tài khoản tiền gửi không kỳ hạn nhỏ hơn1.000 đồng hoặc 0,1 đơn vị ngoại tệ đối với các ngoại tệ khác đã không được hệ thống phần mềm tính và hạch toán đầy đủ.

Với bình quân 9,53 triệu tài khoản tiền gửi không kỳ hạn trong năm 2015, Vietcombank chỉ trả lãi đầy đủ cho gần 30% số tài khoản. Còn lại, bình quân có tới 6.692.027 tài khoản không được trả lãi đầy đủ hàng tháng với số tiền gần 10 tỷ đồng.

Kiểm toán đề nghị Vietcombank tính và hạch toán đầy đủ số lãi phát sinh năm 2016 theo quy định. Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước còn kiến nghị Vietcombank rà soát, đối chiếu hồ sơ chứng từ gốc xác định đúng các thông tin số liệu tại các phần mềm nghiệp vụ báo cáo kiểm toán đã nêu, cụ thể gồm: thông tin xếp hạng tín dụng 88 khách hàng; thông tin hồ sơ định giá lại tài sản đảm bảo và thông tin đăng ký giao dịch đảm bảo chưa cập nhật kịp thời trên hệ thống; số liệu lãi và phải thu thẻ tín dụng...

Thông tin Vietcombank trả lãi thiếu cho các khách hàng gửi tiền nhỏ không kỳ hạn trong suốt 16 năm còn làm “nóng” phiên họp báo Chính phủ chiều 3/2 khi phóng viên đề cập đến câu chuyện này và hỏi đại diện NHNN rằng, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị Vietcombank bù đắp lại cho khách hàng, vậy thì sự bù đắp này sẽ được tính toán thế nào và quyền lợi của khách hàng sẽ được bảo vệ ra sao?

Tại buổi họp, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết đã trao đổi nhanh vơi chủ tịch của Vietcombank và được cho biết trên cơ sở kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã có kiến nghị về việc hệ thống cần phải theo dõi những khoản trả lãi nhỏ mà tự động làm tròn này, phía Vietcombank sẽ sớm có câu trả lời cụ thể.

Ngay trong buổi tối cùng ngày, Vietcombank đã lên tiếng giải thích việc không trả lãi đủ cho các khoản tiền gửi nhỏ lẻ là do hệ thống tự động làm tròn xuống với các khoản tiền dưới 0,1 USD hoặc tương đương, và rằng đa phần các tài khoản tiền gửi không kỳ hạn có mức lãi hàng tháng cộng dồn chỉ khoảng vài chục đồng/tháng.

Và ngân hàng cũng bổ sung thêm rằng, hiện một số ngân hàng thực hiện thu phí quản lý tài khoản đối với những tài khoản có số dư thấp nhằm bù đắp những chi phí quản lý nhưng Vietcombank vẫn chưa thực hiện việc thu phí quản lý tài khoản kể cả đối với các tài khoản có số dư thấp.

Liên quan đến hệ thống của Vietcombank lạc hậu (mua từ năm 1998), Vietcombank cho biết thực tế, hàng năm hệ thống công nghệ thông tin của Vietcombank luôn được nâng cấp để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách hàng và yêu cầu hoạt động kinh doanh cũng như quản trị nội bộ của ngân hàng.

Tùng Lâm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên