Chỉ 3% người dùng VPN cho công việc, phần lớn sử dụng vì lý do này
Theo một cuộc khảo sát, chỉ 3% số người được hỏi nói rằng họ sử dụng công nghệ này cho công việc.
- 03-10-2023Các xưởng đúc của Trung Quốc sẽ phải làm gì nếu Mỹ thắt chặt các hạn chế đối với chip?
- 03-10-2023Cuộc sống “không chạm” thay đổi thói quen người dùng
- 03-10-2023CEO Microsoft tuyên chiến thẳng mặt Google trước tòa: Vụ kiện chống độc quyền của Bộ tư pháp Mỹ ngày càng gay cấn
VPN (mạng riêng ảo) có lẽ đã không còn quá xa lạ với không ít người dùng Internet hiện nay. Đây là công nghệ hỗ trợ thiết lập mạng ảo và giúp người dùng truy cập dễ dàng hơn vào những trang web bị chặn.
Theo Nikkei Asia, ngày càng nhiều người trên thế giới sử dụng VPN. Ước tính hiện có 1,6 tỷ người dùng công nghệ mạng này, tương đương khoảng 1/3 tổng số người dùng trực tuyến toàn cầu.
Số liệu của Allied Market Research cho biết đến năm ngoái, thị trường VPN toàn cầu (gồm cả người dùng cá nhân và doanh nghiệp) đã tăng lên 44,6 tỷ USD – mức tăng 80% so với con số 25,4 tỷ USD vào năm 2019. Các chuyên gia nghiên cứu ước tính thị trường trên sẽ đạt 75,5 tỷ USD vào năm 2027.
Các dịch vụ VPN có nhiều loại khác nhau, từ dịch vụ trả phí chủ yếu nhắm đến doanh nghiệp cho đến ứng dụng miễn phí trên smartphone. Việc dữ liệu được mã hóa khi sử dụng VPN giúp sự an toàn của người dùng Internet được đảm bảo hơn.
Adrianus Warmenhoven - cố vấn của công ty khởi nghiệp Nord Security chuyên cung cấp dịch vụ VPN cho cá nhân, chia sẻ: “Internet chưa bao giờ phức tạp đến thế. Mọi người có nhu cầu cao về công cụ giúp họ truy cập vào những trang web bị hạn chế. Một thập kỷ trước, Nord Security chỉ có khoảng 100.000 người dùng và VPN không phải là công nghệ dành cho người bình thường nhưng hiện nay chúng tôi có hơn 10 triệu khách hàng toàn cầu”.
Năm ngoái, công ty đã huy động thành công 100 triệu USD, đạt mức định giá khoảng 1,6 tỷ USD và trở thành kỳ lân thứ hai của Litva.
Theo nghiên cứu của Atlas VPN - chi nhánh của Nord Security, tỷ lệ sử dụng các ứng dụng VPN cao nhất là tại nhiều khu vực ở Đông Nam Á và Trung Đông, bao gồm Singapore, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Qatar. Sự phổ biến nhanh chóng của công nghệ này cũng được thấy rõ ở các nước phương Tây, bao gồm Hà Lan, Luxembourg và Đức.
Trong một cuộc khảo sát với khách hàng của Surfshark - một nhà cung cấp VPN lớn, 43% số người được hỏi cho biết bảo mật là lý do chính khiến họ sử dụng VPN. Chỉ 3% nói rằng họ sử dụng VPN cho công việc.
Nhận thấy tiềm năng của thị trường, một số gã khổng lồ công nghệ Mỹ đã bắt đầu giới thiệu các dịch vụ độc quyền hướng tới những người muốn bảo vệ danh tính trực tuyến. Tháng 3 vừa qua, Google thông báo sẽ cung cấp chức năng kết nối VPN cho người dùng Google One - dịch vụ đám mây trả phí cho người dùng cá nhân ở 22 quốc gia.
Từ năm 2021, Apple đã cung cấp iCloud Private Relay (một chức năng giống VPN) cho khách hàng sử dụng dịch vụ đám mây trả phí của hãng. Công ty cho biết chức năng này có thể khiến các bên thứ ba không thể xác định được những trang web mà người dùng truy cập trên trình duyệt Safari của Apple.
Theo Paul Ashto - đại diện tại Nhật Bản của Nord Security, ngoài việc sử dụng trong kinh doanh như làm việc từ xa hay mục đích cá nhân, VPN còn phổ biến ở những quốc gia nơi chính phủ kiểm duyệt nghiêm ngặt và hạn chế quyền truy cập vào một số phần nhất định của Internet.
Nhịp sống thị trường