Chi 300 tỷ lập công ty mới, một đại gia khoáng sản lấn sân sang BĐS KCN ở Bình Dương
Công ty khoáng sản KSB vừa mới công bố thành lập Công ty TNHH MTV Phát triển Khu công nghiệp KSB, có vốn điều lệ 300 tỷ đồng. Đây là một động thái nhằm đầu tư vào hệ sinh thái khu công nghiệp của công ty này.
Theo tiết lộ của ông Ngô Trọng Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty Phát triển công nghiệp KSB, với việc quyết định này của HĐQT, KSB sẽ chú trọng vào việc xây dựng một hệ sinh thái KCN.
Tình hình kinh tế vĩ mô cả nước nói chung và Bình Dương nói riêng đạt mức tăng trưởng cao. Bình Dương lại là tỉnh có vị trí trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nằm cạnh TP.HCM với rất nhiều lợi thế về vị trí, cơ sở hạ tầng, môi trường đầu tư ngày càng cải thiện với các chính sách ưu đãi hấp dẫn… Bình Dương luôn là một trong 10 tỉnh hàng đầu về thu hút vốn FDI của Việt Nam.
Bên cạnh đó, theo nghiên cứu mới nhất của Công ty Nghiên cứu thị trường JLL, giá đất cho thuê khu công nghiệp (KCN) của các tỉnh Đông Nam Bộ tăng trung bình 2 đến 5 USD/m2 so với cùng thời điểm năm 2016.
Lý do của sự tăng giá này theo JLL là do nhu cầu thuê đất của các công ty có quy mô vừa tăng lên. Một lý do khác có thể kể đến là theo quy hoạch mới của Chính phủ thì diện tích KCN không được mở ồ ạt như trước đây và phần lớn được dời đi vào các vùng sâu xa do yếu tố môi trường. Chính vì thế, các KCN ở gần với vị trí giao thông thuận tiện đón nhận được sự quan tâm lớn của nhà đầu tư.
Vì thế, theo lãnh đạo KSB, đây là lý do công ty đang đẩy mạnh việc đầu tư cho thuê và khai thác các thế mạnh của KCN. Cũng theo ông Nghĩa, hiện tại KSB đang quản lý KCN Đất Cuốc với tổng diện tích là 553 ha nằm ở Bắc Tân Uyên cách TP Thủ Dầu Một chỉ 30km và cách TP.HCM chỉ 40km.
Ngoài ra, một lý do khác đi đến quyết định này theo ông Nghĩa, là KSB nhìn thấy tiềm năng của lĩnh vực phát triển KCN, chính là việc lĩnh vực công nghiệp vẫn nằm trong chiến lược phát triển dài hạn của Nhà nước.
Việc thành lập công ty chuyên phát triển KCN theo đại diện KSB là một bước bi chiến lược, dài hạn và muốn tạo nên một hệ sinh thái trong ngành này với chuỗi các dự án đang sở hữu.
Chiến lược này được vạch ra theo mô hình (1) KCN và các nhà máy sản xuất bên trong, (2) cộng đồng dân cư vừa làm việc trong KCN vừa sinh sống trong các khu dân cư-đô thị liền kề và (3) các doanh nghiệp trong KCN, người lao động trong KCN và cư dân trong KDC được hưởng thụ các tiện ích của khu thương mại dịch vụ đi kèm.
Cũng theo chia sẻ của ông Nghĩa, ngoài việc KSB cung cấp nơi làm việc thì công ty còn cung ứng nhiều dịch vụ khác trong chuỗi sinh thái này như tài chính, vận chuyển, y tế, giáo dục, tuyển dụng và đào tạo lao động…cho chính các doanh nghiệp ở KCN. Trước mắt, KSB sẽ dành khoảng hơn 19ha dự kiến để xây 1.000 căn nhà, trường học, công viên, khu vui chơi…nhằm đáp ứng nhu cầu của các công ty trong KCN.
Chẳng hạn ở KCN Đất Quốc, đã có nhiều công ty ký thuê đất như tập đoàn gỗ An Cường thuê 10ha với tổng trị giá hơn 5 triệu USD, và đầu tư nhà máy 1.000 tỷ.
Hiện mảng kinh doanh KCN của KSB cũng khá khả quan với 80% diện tích KCN Đất Quốc đã được lấp đầy giai đoạn 1. Về dài hạn, theo ông Nghĩa tiết lộ sẽ tăng cường M&A nhằm mở rộng quỹ đất, đang đàm phán mua mại một KCN có tiếng ở TP.HCM. Dự tính từ nay đến 2020, với tổng diện tích hiện có hơn 53ha dự kiến sẽ có doanh thu khoảng 650 tỷ, và hơn 1.865 tỷ đồng doanh thu từ việc cho thuê diện tích khu mở rộng.
Trí Thức Trẻ