Chỉ 5 năm trước khi đóng cửa ê chề như hôm nay, 7-Eleven Indonesia từng kinh doanh cực kỳ thịnh vượng ở xứ sở vạn đảo
Quyết định đóng cửa toàn bộ hệ thống 7-Eleven mới nhất có thể coi như một kết thúc rất đáng tiếc cho 7-Eleven tại Indonesia, chuỗi cửa hàng tiện lợi từng được coi như đã thổi luồng sinh khí mới vào phong cách sống của người dân thành thị Indonesia.
- 23-06-2017Toàn bộ cửa hàng 7-Eleven tại Indonesia đóng cửa!
- 19-06-2017Kiếm “tiền lẻ”, bí quyết nào đã đưa 7-Eleven Thái Lan thành công ty có giá trị tới 16 tỷ USD, hơn cả Vinamilk với Vietcombank cộng lại?
- 15-06-2017CEO 7-Eleven Việt Nam: Xôi, gỏi cuốn, trứng vịt lộn... nằm trong chiến lược kinh doanh tạo sự khác biệt của chúng tôi
Cuối tháng Sáu năm 2017, Modern International, công ty mẹ hiện đang quản lý chuỗi cửa hàng 7-Eleven tại Indonesia, công bố thông tin gây sốc. Theo đó, Modern International sẽ đóng cửa tất cả các cửa hàng tiện lợi của 7-Eleven trước thời điểm ngày 30/6 bởi chi phí hoạt động tăng quá cao.
Quyết định này có lẽ là lựa chọn cuối cùng của Modern International bởi trước đó, hãng đã nhiều lần cố gắng bán bộ phận kinh doanh cửa hàng tiện lợi 7-Eleven cho một tập đoàn Thái Lan. Sau nhiều thất bại đã được thị trường dự báo trước, cổ phiếu của Modern Intertional đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Năm gần sát mức thấp nhất trong lịch sử. Giá trị vốn hóa thị trường của Modern International hiện được ước tính khoảng 228 tỷ rupiah.
Như vậy, cuối cùng 7-Eleven tại Indonesia đã có một cái kết buồn sau quãng thời gian người ta từng kỳ vọng vào sự đột phá của 7-Eleven tại đất nước của một trong những thị trường tiêu dùng lớn và năng động nhất châu Á này.
Bắt đầu vào Indonesia từ năm 2009, 7-Eleven ban đầu thực sự đã lấy được rất nhiều cảm tình của người Indonesia. Những câu chuyện dưới đây được phóng viên địa phương ghi nhận tại Indonesia trong quãng thời gian từ năm 2009 cho đến năm 2012.
Màn đêm buông xuống, bên ngoài một cửa hàng tiện lợi 7-Eleven ở trung tâm thủ đô Jakarta, Indonesia, nhóm khoảng 20 bạn trẻ tụ tập bên ngoài nói chuyện tán gẫu không ngớt. Họ cầm theo chút đồ ăn nhẹ kèm bia, café đá. Cách đó không xa, nhiều cặp tình nhân đứng nói chuyện hoặc một số ít người đứng một mình nghe nhạc trên điện thoại iPhone.
Đêm hôm nay, gần cửa hàng 7-Eleven có một ban nhạc đường phố biểu diễn, nhiều người trẻ Indonesia chọn đứng gần 7-Eleven để nghe nhạc bởi ở đây có wifi.
Anh Putri Kevin, một sinh viên ngành kỹ thuật 22 tuổi, cho biết: “Tôi rất thích 7-Eleven bởi đồ ăn thức uống ở đây giá cả phải chăng và lúc nào cũng có wifi.”
Putri không phải người trẻ duy nhất thích 7-Eleven. Trong khoảng thời gian vài năm từ khi bắt đầu vào Indonesia, 7-Eleven được coi như đã góp phần thay đổi cách tiêu dùng của người Indonesia đặc biệt tại các khu vực đô thị.
Nhiều chuyên gia kinh tế không khỏi thốt lên: “Nếu như 10 năm trước, người Indonesia chỉ biết hẹn nhau ở các quầy đồ ăn đường phố thì nay họ đã tìm đến 7-Eleven. Kinh tế phát triển, thu nhập người dân tăng lên và họ đang chọn cho mình cách sống mới, lịch sự và hiện đại hơn.” Chính ông Henri Honoris, Chủ tịch 7-Eleven tại Indonesia khi đó cũng rất tự tin về việc 7-Eleven đã mang đến phong cách sống mới hiện đại hơn rất nhiều cho người Indonesia khu vực đô thị.
Ở thời điểm đó, 7-Eleven được kỳ vọng sẽ phát triển mạnh mẽ tại Indonesia bởi các khu vực đô thị của Indonesia quá thiếu chỗ giải trí, tụ tập cho người dân. 7-Eleven đã không chỉ được người Indonesia coi như nơi đến mua hàng mà thực sự trở thành địa điểm giải trí.
Khách hàng của 7-Eleven Indonesia chủ yếu là người trẻ tuổi. Thống kê cho thấy 65% khách hàng của 7-Eleven Indonesia dưới tuổi 30.
Những người đứng đầu 7-Eleven Indonesia cũng rất biết nắm bắt thị hiếu của công chúng. Tại thị trường của một trong những nước có tỷ lệ người dân sử dụng mạng xã hội cao nhất thế giới, 7-Eleven Indonesia có 57 nghìn người theo dõi trên Twitter và 44 nghìn người trên Facebook.
Người dân Jakarta không còn xa lạ gì với hình ảnh hàng dài người Indonesia đứng lướt mạng Internet đến tối muộn tại các cửa hàng tiện lợi. Có nhiều khi 7-Eleven gọi cả ban nhạc đến biểu diễn, rất đông người trẻ Indonesia đến tụ tập, đăng tải hình ảnh lên mạng xã hội và thu hút nhiều hơn nữa sự quan tâm của công chúng.
Bắt đầu tấn công thị trường Indonesia vào năm 2009 với 20 cửa hàng tiện lợi đến cuối năm 2012, 7-Eleven đã có 69 cửa hàng. Mạng lưới của 7-Eleven vươn lên vị trí thứ 4 trong ngành hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống tại Indonesia, chỉ sau McDonald’s, Dunkin’ Donuts và KFC.
Lợi nhuận của toàn bộ chuỗi cửa hàng 7-Eleven năm sau liên tục cao hơn từ 2 đến 3 lần so với năm trước. Năm 2011, chuỗi cửa hàng này thu về 320 tỷ rupiah tương đương 35 triệu USD, trong đó lợi nhuận ròng năm 2011 tăng gấp 5 lần so với năm 2010.
7-Eleven đã thành công khá nhanh tại Indonesia bởi họ tự định vị mình thành một nơi giải trí cho giới trẻ chứ không chỉ đơn thuần là một cửa hàng tiện lợi thỏa mãn nhu cầu ăn uống mua sắm thông thường.
Thành công của 7-Eleven tại Indonesia trong giai đoạn 2009 đến 2012 đã ngay lập tức thu hút sự chú ý của nhiều doanh nghiệp Nhật khác cũng đang kinh doanh các cửa hàng tiện lợi. Tiếp nối 7-Eleven, Lawson và Family Mart lần lượt gia nhập thị trường Indonesia vào năm 2011 và năm 2015. Các hãng cũng thể hiện rất rõ quyết tâm chinh phục thị trường Indonesia với kế hoạch mở nhanh hàng chục cửa hàng mới mỗi năm.
Thế nhưng đó là câu chuyện của cách đây 4-5 năm. Từ đó đến nay, khi mạng lưới của các cửa hàng tiện lợi địa phương bao gồm Alfamart và Indomaret phát triển, cùng lúc đó, sau khi sự hào hứng của người trẻ Indonesia qua đi, họ lại quay trở về với các quầy đồ ăn đường phố, đó là khi số người đến viếng thăm 7-Eleven giảm dần, doanh thu và lợi nhuận của 7-Eleven lao dốc.
Tháng 4/2015, Bộ trưởng Thương mại Indonesia, ông Rachmat Gobel, ban bố lệnh cấm các cửa hàng nhỏ bán bia rượu để bảo vệ giới trẻ Indonesia. Công việc kinh doanh của 7-Eleven Indonesia trước đó vốn đã khó khăn, sau lệnh cấm đó đón nhận thêm cú sốc mới.
Năm tháng sau đó, quy định cấm được nới lỏng dưới thời Bộ trưởng Thương mại Thomas Trikasih Lembong, thế nhưng doanh nghiệp kinh doanh các cửa hàng tiện lợi đã chịu thiệt hại quá nhiều. Năm 2015, 7-Eleven phải đóng cửa 25 cửa hàng tiện lợi. Doanh thu bán các sản phẩm đồ uống có cồn đóng góp 10% vào tổng doanh thu của 7-Eleven.
Tháng 12/2016, 7-Eleven Indonesia công bố báo cáo kết quả kinh doanh buồn. Doanh thu ròng trong 9 tháng đầu năm 2016 giảm 31,4% xuống 660,7 tỷ rupiah tương đương 49 triệu USD.
Và quyết định đóng cửa toàn bộ hệ thống 7-Eleven mới nhất có thể coi như một kết thúc rất đáng tiếc cho 7-Eleven tại Indonesia, chuỗi cửa hàng tiện lợi từng được coi như đã thổi luồng sinh khí mới vào phong cách sống của người dân thành thị Indonesia.
Trí thức trẻ