Chỉ 5 năm từ nhân viên trở thành Phó TGĐ TCT thuộc Tập đoàn công nghệ lớn nhất Việt Nam, ‘cận 9x’ tiết lộ thay đổi quan trọng nhất trong cuộc sống
Trở thành Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel (Viettel Solutions) năm 34 tuổi, Lê Quang Hiếu là người trẻ nhất trong Ban Tổng Giám đốc. Người đồng sáng lập OpenStack Việt Nam chia sẻ những cơ hội khó tin đối với một kỹ sư công nghệ khi làm việc tại Tập đoàn Viettel.
Ra trường, Lê Quang Hiếu (sinh năm 1989) thi tuyển vào Viện Nghiên cứu phát triển Viettel và có 4 năm làm việc tại đây. Sau đó, anh chuyển sang một công ty Nhật Bản trong 2 năm, đồng thời tham gia sáng lập Cộng đồng Cloud mã nguồn mở (OpenStack) Việt Nam. Năm 2018, Lê Quang Hiếu quyết định trở về Viettel, làm việc tại Tổng công ty Mạng lưới (Viettel Networks).
Năm 2023, anh được bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc phụ trách mảng điện toán đám mây (Cloud) tại Tổng Công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel (Viettel Solutions - một tổng công ty lớn tại Tập đoàn Viettel) và trở thành Phó TGĐ trẻ nhất tại đây khi mới 34 tuổi.
Tại sao anh quyết định chuyển sang một công ty nước ngoài sau khi làm ở Viettel được 4 năm?
Tôi vào Viettel năm 2012 khi mới ra trường và đảm nhận vị trí chuyên viên nghiên cứu chuyên về mảng điện toán đám mây (Cloud) ở Viện nghiên cứu phát triển Viettel trước đây. Lúc ấy, tôi thấy môi trường để phát triển chuyên môn Cloud tại Viettel và Việt Nam chưa đủ để thoả đam mê. Vì vậy, tôi quyết định nghỉ và làm cho một công ty tại Nhật với mục tiêu học hỏi thêm, muốn làm mọi thứ nhanh hơn, thoải mái hơn… và phát triển cộng đồng về Cloud mã nguồn mở nhằm thúc đẩy mảng Cloud ở Việt Nam. Ngoài thời gian làm việc, tôi vừa dành thời gian học Thạc sĩ, vừa phát triển cộng đồng OpenStack Việt Nam.
Trở thành một founder của OpenStack Việt Nam có tác động như thế nào đến quyết định trở lại Viettel của anh?
Sau khi hoạt động với OpenStack Việt Nam, tôi được cộng đồng tin tưởng và giới thiệu với các lãnh đạo Viettel Networks.
Khi xây dựng cộng đồng, bên cạnh đam mê công nghệ, tôi cũng có mục tiêu xây dựng thương hiệu cá nhân, tạo tên tuổi trong mảng Cloud mã nguồn mở. Thế nhưng, sau một thời gian, tôi nhận thấy việc nghiên cứu có vài kết quả chỉ có thể đem khoe với vài anh em khác thì không lan tỏa những thành tựu đó được. Hơn nữa, xu hướng công nghệ có lúc lên lúc xuống…
Các kết quả nghiên cứu cần được triển khai thực tế trên hạ tầng công nghệ mạnh tại doanh nghiệp để phát triển lên. Khi có nền móng vững chắc như vậy, việc lan toả sở thích, đam mê tới nhiều bạn trẻ khác cũng dễ dàng hơn, đồng thời còn giúp được doanh nghiệp trong hành trình chuyển đổi số.
Thực tế, tôi quyết định trở về Viettel vì có môi trường thuận lợi để phát triển. Và tại Viettel, tôi được giao những nhiệm vụ, thử thách lớn.
Giờ đây nhìn lại, anh thấy cơ duyên của mình với Viettel nằm ở đâu?
Chắc là vì khi mới ra trường tôi đã vào Viettel làm việc. Hồi đấy còn trẻ quá nên chưa hiểu nhiều, mới vào thì thấy văn hóa, môi trường, con người kỷ luật quá. Nhưng đi ra ngoài rồi, tôi hiểu hơn, mới phát hiện đấy là yếu tố làm nên sức mạnh của Viettel. Khi quay lại, tôi thấy những điều ngày xưa mình thấy gò bó thì thực tế là điểm mạnh trong văn hoá Viettel.
Đấy chính là cái duyên. Nói một cách công bằng, về lại Viettel giống như câu chuyện win-win thôi. Ở đây, tôi có thể thỏa sức với đam mê của mình. Thế nhưng, đúng là tôi không nghĩ mình có thể phát triển được như bây giờ. (cười)
Trở lại Viettel sau 2 năm làm việc ở nước ngoài, anh thấy có gì khác so với trước kia?
Ngày xưa, lúc mới ra trường, tôi chủ động tìm đến Viettel, còn khi mình được giới thiệu, được tin tưởng từ cộng đồng, từ những chuyên gia thì câu chuyện cũng khác đi. Ngày trước, tôi đi phỏng vấn tuyển dụng vào Viettel phải qua tận 6 vòng, còn khi trở lại, phỏng vấn rất khác.
Tôi nhớ hôm phỏng vấn gặp anh Thắng (ông Tào Đức Thắng lúc đó là Phó TGĐ Tập đoàn Viettel kiêm TGĐ Viettel Networks) và anh Hổ (ông Nguyễn Mạnh Hổ lúc đó là Phó TGĐ Viettel Networks). Hai anh đưa ra một mục tiêu thách thức, rồi hỏi câu chốt: Em có làm được không và cần điều kiện gì để làm được trong 6 tháng? Buổi phỏng vấn giống như giao nhiệm vụ thử thách vậy, chứ các anh cũng không hỏi những thứ khác kiểu em học trường nào, từng làm ở đâu… (cười).
Anh trở lại Viettel với vị trí nào và đã làm gì với nhiệm vụ được giao khi phỏng vấn tuyển dụng?
Tôi về làm việc ở Viettel Networks với vị trí chuyên viên nghiên cứu công nghệ cho Cloud ở Trung tâm phát triển phần mềm. Lúc ban đầu, tôi nghĩ chưa chắc đã làm được vì cần thay đổi nhiều thứ trong bộ máy khổng lồ ở Viettel Networks, đặc biệt ở một nơi toàn những người cứng về chuyên môn kỹ thuật, quân số đông và quy trình phức tạp thì cũng… hơi khó. Trong khi ấy, mình lại thích những thứ nhanh, gọn, tiện.
Bắt đầu là một chuyên viên, tôi chỉ có thể đề xuất những thứ mình muốn làm cho Giám đốc, rồi sau đó mới đề xuất lên Ban Tổng Giám đốc. Tất nhiên, đề xuất của tôi sẽ rất cụ thể về việc thiết kế ra sao, triển khai thế nào… Điều bất ngờ là những đề xuất đó đều được duyệt và tôi cùng với các anh em trong công ty triển khai rất nhanh, đi kèm với những sự thay đổi cần thiết.
Sau một thời gian, khi được đề xuất bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Trung tâm vận hành khai thác toàn cầu của Viettel Networks nhưng tôi từ chối vì… không thích việc đó. Sau đó, khi suy nghĩ lại, tôi thấy mình cần phải học thêm những mảng mới về công nghệ ở Viettel chứ không đơn thuần tập trung vào nghiên cứu và viết ra một số phần mềm. Những điều khác cũng rất quan trọng và có ý nghĩa là phải đưa vào triển khai, vận hành trong thực tế. Vì thế, khi lần thứ 2 được đề xuất, tôi sẵn sàng nhận nhiệm vụ.
Lúc đấy, Trung tâm vận hành khai thác toàn cầu có quân số 400 người, quản lý mảng công nghệ thông tin khoảng 180 người. Trung tâm này phụ trách luôn cả phần Cloud, hạ tầng… Làm được một năm, tôi được bổ nhiệm làm Giám đốc và phụ trách thêm phần hạ tầng cho di động, mạng lõi cùng các mảng kỹ thuật khác.
Gần 2 năm sau đó, tôi chuyển sang Viettel Solutions. Từ một người làm nghiên cứu công nghệ, sang thiết kế và triển khai CNTT, rồi mở rộng ra toàn bộ mạng lưới, sau đó từ mảng CNTT chuyển sang công tác vận hành khai thác cho toàn bộ hạ tầng kỹ thuật của Viettel…, tôi được thử thách ở nhiều mảng khác nhau và được tin tưởng để thực hiện các nhiệm vụ khó. Những cơ hội này giúp tôi trưởng thành rất nhanh.
Các sếp ở Viettel luôn giao thử thách, nhiệm vụ lớn cho người trẻ, giúp họ trưởng thành nhanh hơn và Tập đoàn cũng sẽ có những cơ hội mới từ mảng kinh doanh mới. Còn với riêng tôi thì cơ hội từ một chuyên viên lên Phó TGĐ Viettel Solutions cũng nhờ cơ may, hội đủ “Thiên thời, địa lợi, nhân hoà” thôi! Nói chung, đó cũng là một cái duyên.
Sau hơn 5 năm quay về Viettel, anh thấy thay đổi lớn nhất của mình là gì?
Trước đây, tôi là một người bảo thủ, chỉ chăm chăm cho bản thân. Nhưng bây giờ ngoài câu chuyện giá trị cho mình thì đã nghĩ tới lợi ích của nhóm, của tập thể, nghĩ cho gia đình nhiều hơn, đặc biệt là nghĩ đến những điều lớn hơn ngoài bản thân. Điều này có được nhờ việc sống trong môi trường ở Viettel, chúng tôi cũng nhìn được những bài toán lớn hơn từ các trách nhiệm mà mình cần phụng sự.
Giờ đây, tôi cũng biết cân bằng cuộc sống và công việc. Tôi đã nghĩ xa hơn chứ không chỉ nghĩ cho những điều trước mắt như trước đây. Ngày xưa, tôi tập trung vào cá nhân nhiều lắm nhưng bây giờ thì biết hy sinh hơn rồi!
Khi xây dựng và vận hành, khai thác hạ tầng Cloud ở Viettel, điều gì giúp anh tuyển dụng được nhiều kỹ sư trong thời gian ngắn khi nhân lực ở mảng này khá khan hiếm, lại bị cạnh tranh bởi nhiều công ty khác trong đó có cả những thương hiệu lớn nước ngoài?
Là một trong 3 founder của OpenStack Việt Nam, mạng lưới quan hệ trong cộng đồng này cũng giúp tôi có những lợi thế nhất định. Tuy nhiên, điều quan trọng là Viettel đem lại những cơ hội lớn cho các bạn trẻ phát triển năng lực. Đó là hạ tầng công nghệ lớn nhất Việt Nam – điều mà công ty khác không thể có.
Ở đây cũng là môi trường mở để các bạn trẻ có cơ hội phát triển, đặc biệt là việc được giao nhiệm vụ khó, lớn để thử thách năng lực của bản thân, thông qua đó kích hoạt những tiềm năng mà chính các bạn cũng chưa biết. Tôi cũng là một ví dụ để các bạn ấy thấy rằng cơ hội ở Viettel mở ra sao.
Công nghệ về Cloud mà Viettel phát triển cũng mở chứ không đóng. Khi có những cải tiến mới, Viettel sẵn sàng chia sẻ với cộng đồng để cùng nhau phát triển. Đây sẽ là một điểm rất hấp dẫn với các bạn trẻ vì mở ra cơ hội giao lưu, học hỏi nhiều hơn. Đi kèm với đó là thu nhập và đãi ngộ tốt tương ứng với năng lực, so với mặt bằng chung trên thị trường.
Ngoài ra, Viettel còn có hẳn một chương trình có tên Viettel Digital Talent, dành cho các bạn sinh viên đang học và sắp tốt nghiệp. Trải qua các vòng phỏng vấn, thực tập thực tế, nếu có kết quả tốt, các bạn đủ tiêu chuẩn sẽ được nhận học bổng và vào làm tại Viettel, ký hợp đồng, nhận lương. Thực tế, các bạn được làm việc như một nhân viên chính thức, với các nhiệm vụ thách thức lớn nhỏ tuỳ thuộc năng lực. Đây thực sự là một cơ hội lớn với các bạn trẻ.
Gần đây nhất, Viettel Solutions cử một bạn kỹ sư trẻ đang là sinh viên, đại diện cho công ty tham dự một hội nghị quốc tế lớn về công nghệ (FOSSASIA). Đó cũng là một minh chứng cho cơ hội với các bạn trẻ ở Viettel.
Còn với những người đã có kinh nghiệm tôi mời về Viettel thì câu chuyện không gói gọn ở lương nữa. Đó còn là niềm đam mê và cơ hội được giải những bài toán rất lớn, phát triển năng lực bản thân khi được giao thử thách lớn và được thoả mãn đam mê. Nếu được trải qua thời gian làm việc đủ lâu ở Viettel, profile của bạn sẽ rất khác.
Anh có chia sẻ gì với các bạn trẻ đang đi tìm kiếm cơ hội làm việc tại các công ty công nghệ ở Việt Nam nói chung, trong đó có Viettel?
Điều đầu tiên, cần biết mình đang đứng ở đâu để hiểu các bạn cần gì. Các bạn cần thu nhập, cần thêm kiến thức, xây dựng thương hiệu cá nhân, hay chỉ cần một bước đệm để sau này vươn ra bên ngoài (môi trường quốc tế)… với cơ hội lớn hơn?
Thứ hai là tìm hiểu thêm về những cơ hội và môi trường ở Việt Nam, các doanh nghiệp ở Việt Nam để tìm xem công ty nào phù hợp với điều bản thân mình mong muốn.
Thứ ba là nên tham khảo trên những cộng đồng trong mảng công nghệ mà các bạn đang tham gia. Từ những cộng đồng đấy, các bạn sẽ có thêm cơ hội từ các doanh nghiệp đang có nhu cầu và sự thấu hiểu giữa 2 bên sẽ rõ ràng hơn.
Còn nếu chỉ ngồi đọc thông tin trên mạng, bạn rất có thể rơi vào tình trạng ảo tưởng về công nghệ, về sức mạnh của bản thân. Nhiều bạn mới ra trường đòi hỏi mức lương rất cao dù chưa có gì trong tay cả. Các bạn cần cho doanh nghiệp thấy mình làm việc với cam kết và đóng góp cho họ ra sao, thể hiện với kết quả chứ không phải là bằng phát ngôn ấn tượng gì. Còn việc cứ làm ở một chỗ chỉ 3-6 tháng đã nghỉ thì chỉ mất thời gian của chính mình.
Nhịp sống thị trường