Chỉ cần ngồi trong phòng cả ngày, tiền thưởng lên tới… vài tỉ đồng nhưng "tiền mất, tật mang": Hé lộ chiêu trò của nhóm lừa đảo Trung Quốc tổ chức “Squid Game” ngoài đời thực
Lợi dụng khó khăn của nhiều người, những kẻ lừa đảo tổ chức Squid Game ngoài đời thực nhưng yêu cầu đóng tiền tham gia để có cơ hội đổi đời. Tuy nhiên, cơ hội không bao giờ tới còn tiền đã đóng không bao giờ có thể lấy lại.
- 26-12-2024Buồn của nền kinh tế số 1 châu Á: Từ quốc gia đông dân nhất thế giới rơi vào cảnh suy giảm "chưa thấy lối thoát", đến đà tăng trưởng thần tốc cũng bị kéo tụt
- 25-12-2024Thị trấn Elon Musk âm thầm xây dựng suốt 4 năm: Hiện có khoảng 500 cư dân, diện tích gần 4.000 km2, giám đốc an ninh SpaceX sẽ làm thị trưởng
- 25-12-2024Thế giới có thể sắp chịu một thảm họa lớn không kịp trở tay sau 200 năm, khiến thiệt hại hàng nghìn tỷ USD, gây rung chuyển toàn cầu
Lừa đảo kiểu mới
Theo Reuters, một số kẻ lừa đảo tại Trung Quốc đang tạo ra phiên bản của phim “Squid Game” ngoài đời thật. Được biết, Squid Game là bộ phim Hàn Quốc từng nhận được sự yêu thích của người xem trên toàn thế giới trong những năm vừa qua. Nội dung phim xoay quay việc những người chịu cảnh nợ nần sẽ tham gia một trò chơi với giải thưởng khổng lồ dành cho người về nhất, đổi lại những người thua cuộc sẽ lần lượt mất mạng trong các màn chơi.
Còn tại Trung Quốc, những kẻ lừa đảo đang tìm những người gặp khó khăn tài chính để đưa ra những lời hứa hẹn về tiền thưởng, tái cấu trúc nợ và những viễn cảnh tươi sáng khác – dù không ai biết phần thưởng có thật hay không.
Những nạn nhân tại Trung Quốc sẽ phải tham gia các thử thách "cách ly" và không nguy hiểm tới mạng sống của họ nếu họ thua.
Tuy nhiên, tòa án đã phát hiện ra rằng một số người tham gia thử thách cách ly đang bị lừa tiền. Họ phải trả khoản tiền tham gia tương đương vài triệu đồng, tự ở trong phòng nhiều ngày, tuân theo một số quy tắc với hy vọng giành được số tiền thưởng lên tới 1 triệu nhân dân tệ (khoảng 3,5 tỉ đồng).
Thử thách cách ly, thường được quảng cáo trên Douyin - tên gọi của TikTok ở Trung Quốc, đã trở nên phổ biến hơn trong năm nay khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chậm lại. Nó đã tăng trưởng với tốc độ yếu nhất trong hơn 1 năm trong ba tháng tính đến tháng 9, thúc đẩy các nhà hoạch định chính sách cam kết các biện pháp mới để tăng thu nhập hộ gia đình.
Danh sách dài các quy tắc trong các thử thách bao gồm giờ đi vệ sinh không quá 15 phút và lệnh cấm chạm vào đồng hồ báo thức quá hai lần một ngày. Nhiều người chơi phàn nàn khi họ không thể vượt qua qua ngày đầu tiên vì những vi phạm được ghi lại trên camera giám sát.
Không có bữa trưa miễn phí
Vào tháng 10, một tòa án ở tỉnh Sơn Đông đã ra lệnh cho một nhà tổ chức hoàn lại 5.400 nhân dân tệ (khoảng 19 triệu đồng) phí đăng ký cho một người chơi họ Sun. Tòa đưa ra phán quyết rằng hợp đồng là không công bằng và "vi phạm trật tự công cộng và đạo đức”.
Sun đã cố gắng giành được 250.000 nhân dân tệ bằng cách thắng cuộc trong “thử thách cách ly 30 ngày” với các quy tắc cấm hút thuốc, sử dụng thiết bị điện tử, uống rượu và tiếp xúc với bất kỳ ai bên ngoài phòng.
Vào ngày thứ ba của thử thách, những người tổ chức cho biết Sun đã che mặt bằng gối, vi phạm lệnh cấm người chơi che mặt.
Cơ quan Quản lý Tài chính Quốc gia (NFRA) đã cảnh báo công chúng rằng không nên tin vào "các trung gian nợ" tự nhận là giúp mọi người tái cấu trúc các khoản vay hoặc cải thiện hồ sơ tín dụng của họ.
Quảng cáo dịch vụ của họ qua điện thoại, tin nhắn, tờ rơi và quảng cáo trên mạng xã hội, những người trung gian như vậy tuyên bố rằng họ có thể giúp đảm bảo các khoản vay mới hoặc cung cấp tiền tạm thời, nhưng cơ quan quản lý cảnh báo rằng các dịch vụ này đi kèm với một khoản phí cao.
Tờ National Business Daily do nhà nước hậu thuẫn cho biết các tổ chức trung gian tính tới 12% giá trị khoản vay dưới dạng "phí dịch vụ".
Theo NFRA, các tổ chức thường sử dụng lý do “giúp các con nợ khắc phục hồ sơ tín dụng của họ” để thu khoản tiền lớn, nhưng bên cạnh đó thông tin cá nhân của người vay cũng có thể bị rò rỉ hoặc bán.
Theo dữ liệu của ngân hàng trung ương Trung Quốc, tổng số tiền vay hộ gia đình của Trung Quốc là 82,47 nghìn tỷ nhân dân tệ (11,3 nghìn tỷ USD) vào tháng 11.
Tham khảo Reuters
Buồn của nền kinh tế số 1 châu Á: Từ quốc gia đông dân nhất thế giới rơi vào cảnh suy giảm "chưa thấy lối thoát", đến đà tăng trưởng thần tốc cũng bị kéo tụtNhịp Sống Thị Trường