MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chỉ chiếm 9% diện tích nhưng 1 vùng đóng góp 1/3 GDP và hơn 44% nguồn thu ngân sách cả nước

Vùng tiếp tục dẫn đầu cả nước về cả số dự án và tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tính đến hết ngày 20/7/2024.

Đông Nam Bộ là vùng kinh tế động lực, dẫn dắt cả nước

Đông Nam Bộ gồm 6 tỉnh, thành: TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh với diện tích hơn 23.560 km2, dân số hơn 18,7 triệu người (năm 2021).

Mặc dù chỉ chiếm hơn 9% diện tích nhưng vùng Đông Nam Bộ đóng góp khoảng 1/3 GDP và hơn 44% nguồn thu ngân sách cả nước. Tổng thu ngân sách nhà nước 7 tháng đạt 452.000 tỷ đồng, đứng thứ 2 sau vùng đồng bằng sông Hồng. Giá trị xuất khẩu đạt trên 59,2 tỷ USD, 31% xuất khẩu của cả nước, đứng thứ 2 sau vùng đồng bằng sông Hồng (chiếm gần 35%).

Vùng Đông Nam Bộ có số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động lớn nhất trong 6 vùng kinh tế với 58.246 doanh nghiệp, tăng 9,8%. Vùng tiếp tục dẫn đầu cả nước về cả số dự án và tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tính đến hết ngày 20/7/2024, tương ứng 20.000 dự án và 187,4 tỷ USD, trong đó, TPHCM đứng đầu cả nước (chiếm gần 32% số dự án và gần 12% tổng số vốn đăng ký).

Chỉ chiếm 9% diện tích nhưng 1 vùng đóng góp 1/3 GDP và hơn 44% nguồn thu ngân sách cả nước- Ảnh 1.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Đông Nam Bộ vẫn còn tồn tại những thách thức, khó khăn. Đầu tiên phải kể đến tăng trưởng kinh tế vùng 6 tháng chỉ đạt 5,58%, thấp hơn mức bình quân cả nước, chỉ cao hơn vùng Tây Nguyên (3,86%). Mô hình tăng trưởng chậm chuyển đổi, động lực tăng trưởng của vùng đang chậm lại.

Chất lượng tăng trưởng kinh tế của vùng chưa thực sự bền vững do khả năng chống chịu và chưa có các giải pháp kịp thời trước các yếu tố tiêu cực từ bên ngoài.

Công nghiệp là một trong 3 trụ cột quan trọng của vùng nhưng phát triển còn thiếu bền vững, giá trị gia tăng thấp, phân bổ chưa hợp lý, phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Tình trạng ô nhiễm môi trường, ngập úng là vấn đề bức xúc nhưng chậm được cải thiện, nhất là tại TPHCM. Môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh còn hạn chế; liên kết vùng thiếu chặt chẽ.

3 tuyến cao tốc trọng điểm sắp được khởi công

Tại Hội nghị lần thứ 4 của Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ diễn ra sáng 10/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu TPHCM, Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước khẩn trương hoàn thành các thủ tục tiếp theo đối với đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài, Chơn Thành - Gia Nghĩa, TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, phấn đấu khởi công vào dịp 30/4/2025.

Cao tốc TP.HCM - Mộc Bài đi qua địa bàn huyện Củ Chi (TPHCM), thị xã Trảng Bàng, huyện Gò Dầu, Bến Cầu (Tây Ninh). Điểm đầu giao với đường Vành đai 3 (huyện Củ Chi) và điểm cuối kết nối với quốc lộ 22, huyện Bến Cầu (cách cửa khẩu Mộc Bài 5km). Dự án có chiều dài gần 51km. Trong đó đoạn TP.HCM là 24,660km, đoạn qua tỉnh Tây Ninh là 26,317km.

Giai đoạn 1 đầu tư quy mô 4 làn xe cao tốc, nền đường rộng 25,5m; giải phóng mặt bằng một lần theo quy mô 6 làn xe cao tốc toàn tuyến.

Chỉ chiếm 9% diện tích nhưng 1 vùng đóng góp 1/3 GDP và hơn 44% nguồn thu ngân sách cả nước- Ảnh 2.

Tổng mức đầu tư dự án giai đoạn 1 là 19.617 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng và thiết bị 9.273 tỷ đồng; Chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư, chi phí khác 695 tỷ đồng. Chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư và di dời hạ tầng kỹ thuật 6.774 tỷ đồng. Chi phí dự phòng khối lượng xây lắp, thiết bị và trượt giá 1.594 tỷ đồng và lãi vay trong quá trình xây dựng là 1.281 tỷ đồng. Nguồn vốn thực hiện dự án, gồm phần vốn Nhà nước 9.674 tỷ đồng và vốn nhà đầu tư BOT là 9.943 tỷ đồng.

Cao tốc Chơn Thành - Gia Nghĩa có chiều dài 128,8km với 4 làn xe, vận tốc dự kiến 100 - 120km/h. Dự án được thực hiện ngay từ năm 2024 và kế hoạch cơ bản hoàn thành năm 2026, đưa vào khai thác, vận hành năm 2027.

Dự án được chia thành 5 dự án thành phần, trong đó tách riêng phần giải phóng mặt bằng. Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là hơn 25.500 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương là hơn 10.500 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương hơn 2.200 tỷ đồng bao gồm Bình Phước là hơn 1.200 tỷ đồng, tỉnh Đắk Nông 1.000 tỷ đồng. Phần vốn của nhà đầu tư là hơn 12.700 tỷ đồng.

Chỉ chiếm 9% diện tích nhưng 1 vùng đóng góp 1/3 GDP và hơn 44% nguồn thu ngân sách cả nước- Ảnh 3.

Phối cảnh cao tốc Gia Nghĩa- Chơn Thành giai đoạn phân kỳ đầu tư với chiều dài 128,8 km, quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh - Ảnh: Cổng TTĐT UBND tỉnh Đắk Nông

Đường cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành là trục cao tốc Bắc Nam của tỉnh Bình Dương, Bình Phước (trục xuyên tâm cắt qua đường Vành đai 4 - TP HCM, Vành đai 3 - TP HCM, dẫn đến đường Vành đai 2 - TP HCM), nối tiếp tuyến cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước).

Tổng chiều dài tuyến khoảng 52,159 km; quy mô đường cao tốc; vận tốc thiết kế 100 km/h; qua địa giới hành chính các huyện, thành phố: Thuận An, Tân Uyên, Bắc Tân Uyên, Phú Giáo, Bàu Bàng thuộc tỉnh Bình Dương.

Tổng mức đầu tư dự kiến hơn 17.408 tỷ đồng (bao gồm lãi vay). Trong đó, vốn huy động từ nhà đầu tư trên 8.878 tỷ đồng, chiếm 51% tổng mức đầu tư; vốn Nhà nước trong dự án dự kiến hơn 8.530 tỷ đồng.

Theo Pha Lê

Đời sống và Pháp luật

Trở lên trên