Chỉ có một dấu hiệu, rất nhiều phụ nữ gặp phải đi khám đã bất ngờ phát hiện mắc ung thư
Trong một lần đi khám sức khỏe định kỳ, người phụ nữ 62 tuổi đã tình cờ biết mình bị mắc ung thư nguy hiểm.
Dấu hiệu bất thường cần lưu tâm
Đi khám sức khỏe và theo dõi u xơ tử cung đã 2 năm nay, bệnh nhân N.T.H (62 tuổi, Hà Nội) lại tình cờ phát hiện bị mắc ung thư nội mạc tử cung.
Bệnh nhân chia sẻ, do có dấu hiệu kinh nguyệt ra không đúng ngày, số lượng máu ít nên chị H đã đi khám định kỳ u xơ tử cung và kiếm tra sức khỏe tổng quát.
Kết quả khám, tử cung của bệnh nhân to hơn bình thường; xét nghiệm chỉ số ung thư tử cung buồng trứng tăng cao, dương tính HPV type 68; siêu âm ổ bụng tử cung có khối là 65x70 mm.
Sau đó, bệnh nhân H được chỉ định làm thủ thuật nạo buồng tử cung sinh thiết niêm mạc. Kết quả sinh thiết ung thư biểu mô tuyến nội mạc.
Kinh nguyệt bất thường cần phải lưu ý tới căn bệnh ung thư.
Bác sĩ Nguyễn Duy Phương, chuyên gia sản khoa, bệnh viện Medlatec cho biết, khai thác tiền sử, bệnh nhân H cho biết có u xơ tử cung và rối loại của tuổi tiền mãn kinh nếu không loại trừ các nguyên nhân rất dễ bị bỏ sót ung thư.
Ung thư nội mạc cổ tử cung (hay còn gọi là niêm mạc cổ tử cung) là căn bệnh ung thư thường gặp ở phụ nữ.
"Ung thư nội mạc tử cung có thể di căn sang các bộ phận khác của cơ thể. Khi phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm sẽ có khả năng chữa khỏi và sống sót nhiều hơn. Ở giai đoạn cuối, ung thư nội mạc tử cung di căn, bệnh nhân sẽ phải cắt bỏ tử cung và có nguy cơ cao mất khả năng làm mẹ", bác sĩ Phương nói.
Ai nên tầm soát ung thư nội mạc tử cung?
Bác sĩ Phương cho hay, ung thư nội mạc tử cung thường xuất hiện sau tuổi mãn kinh với triệu chứng phổ biến nhất là ra máu âm đạo bất thường. Chảy máu lúc đầu dưới dạng loãng có những vệt máu, sau đó số lượng máu sẽ tăng dần.
Vì vậy, chị em không nên chủ quan coi đây là một phần của kinh nguyệt mà nên đi khám ngay.
Cần lưu ý một số triệu chứng bất thường sau: dịch, máu âm đạo bất thường; đi tiểu khó hoặc đau; đau khi giao hợp; đau vùng chậu hông.
Theo bác sĩ Phương, hiện nay khoa học hiện đại đã áp dụng dấu ấn sinh học để tìm ra ung thư một cách chính xác nhất. Một số dấu ấn sinh học được úng dụng trong chẩn đoán ung thư ở phụ nữ có thể kể tới như:
CA-125, là một dấu ấn ung thư được sử dụng phổ biến nhất để phát hiện, theo dõi hiệu quả điều trị ung thư buồng trứng và để phát hiện ung thư tái phát sau điều trị. Tuy nhiên, độ nhạy và độ đặc hiệu của nó chưa đáp ứng được đòi hỏi của chẩn đoán lâm sàng nên thường được kết hợp với xét nghiệm HE4.
HE4, là một dấu ấn sinh học mới trong chẩn đoán ung thư buồng trứng với độ nhạy và độ đặc hiệu cao đối với ung thư buồng trứng, đặc biệt là ở giai đoạn I - giai đoạn không triệu chứng nên được đưa vào sử dụng trong lâm sàng.
Ngoài ra, kết hợp cùng lúc xét nghiệm HE4 và CA 125 còn làm tăng độ nhạy của chẩn đoán ung thư buồng trứng ở phụ nữ có khối u vùng chậu hông, trong đó có ung thư nội mạc tử cung.
Trí thức trẻ