Chỉ có thể là Ấn Độ: Cả nước chao đảo vì củ hành, cướp giật tung hoành, buôn bán ế ẩm bỗng phất "như diều"
Cuộc "khủng hoảng hành tây" đã mang đến nhiều câu chuyện dở khóc dở cười tại Ấn Độ.
- 03-12-2019Công việc trong mơ đúng nghĩa: Công ty Ấn Độ sẵn sàng trả hơn 30 triệu đồng cho ai ngủ đủ 9 tiếng/ngày trong vòng 100 ngày
- 01-12-2019Kinh tế Ấn Độ tăng trưởng yếu nhất 6 năm
- 20-10-2019Tham vọng xây dựng hệ thống nhận dạng khuôn mặt lớn nhất thế giới nhưng Ấn Độ đang mắc kẹt giữa nhu cầu cải thiện kết quả điều tra tội phạm và bảo vệ quyền riêng tư của công dân
Chuyện lạ ở Ấn Độ vì khủng hoảng hành
Khi Saravana Kumar bán được 20 chiếc smartphone chỉ trong hai ngày ở thị trấn nhỏ bé Pattukottai, tỉnh Tamil Nadu, Ấn Độ, đó là kết quả của một chiến lược quảng cáo độc đáo.
Kumar thường phải vật lộn để bán được 1-2 chiếc điện thoại mỗi ngày, song tình hình đã thay đổi chóng mặt nhờ món quà tặng kèm với sản phẩm. Quà tặng này không phải là tai nghe, ốp điện thoại hay coupon, mà là mặt hàng được cho là "quý như vàng" vào thời điểm hiện nay: 1 kg hành tây.
Ngay khi Kumar quảng bá hoạt động tặng hành cho khách mua điện thoại, công việc kinh doanh lập tức bùng nổ.
Câu chuyện khó tin về cửa hàng điện thoại của Kumar chỉ là tình huống mới nhất trong chuỗi "bi kịch" thời gian qua, đẩy câu chuyện hành tây thành chương trình nghị sự kinh tế hàng đầu ở Ấn Độ và hơn thế nữa.
Một cặp đôi Ấn Độ được tặng hành tây làm quà cưới (Ảnh: Twitter)
Giá hành tây ở Ấn Độ đã tăng gấp 10 lần trong năm nay và tạo thành cơn khủng hoảng trên phạm vi toàn quốc, làm dấy nên những tranh cãi trong Quốc hội, xuất hiện nhiều vụ phạm tội kỳ lạ liên quan đến hành tây, và người dân phẫn nộ khi không đủ khả năng mua loại thực phẩm cơ bản này.
Một kilogram hành tây hiện nay có giá bằng 1/3 thu nhập bình quân một ngày của người Ấn Độ, và đạt mức kỷ lục 200 rupee/kg (khoảng 2.79 USD) sau khi nước này bị ảnh hưởng bởi hạn hán và gió mùa mang theo mưa lớn gây ra lũ lụt, làm tổn hại mùa màng, khiến các hộ gia đình không thể gieo trồng vào mùa hè dẫn đến tình trạng khan hiếm hành tây trầm trọng.
Từ tháng 10, giá hành củ trên thị trường quốc tế đã tăng mạnh sau khi New Delhi ban hành lệnh cấm xuất khẩu mặt hàng này kể từ ngày 30/9. Các xe tải chở hành buộc phải quay đầu tại biên giới, và một số nước láng giềng như Bangladesh có nền kinh tế phụ thuộc vào nông nghiệp cũng đau đầu trước quy định "không một củ hành nào rời Ấn Độ".
Khủng hoảng hành tây tạo ra thách thức đáng kể cho các lãnh đạo Ấn Độ, bởi những sự cố như vậy từng làm chao đảo một số chính quyền trong quá khứ.
Những dấu hiệu về cơn giận trong cộng đồng cũng xuất hiện ngay trong gia đình Kumar. Anh chia sẻ, "Vợ tôi khá giận dữ vì tôi tặng hành miễn phí trong khi giá cả tăng phi mã. Nhưng đây là một chiến lược quảng bá cho công việc buôn bán nhỏ của tôi và nó đã có hiệu quả. Kumar nói sẽ tặng số hành tây còn lại cho vợ mình.
Trong những ngày gần đây, đã có hàng loạt báo cáo trên khắp Ấn Độ về hàng chục vụ cướp giật, tấn công, đánh nhau, thậm chí là tấn công xe chở rau củ,... có liên quan đến hành tây.
Giới chính khách nhanh chóng chớp cơ hội, các đảng phái đối lập đã tổ chức mít-tinh trên khắp các đường phố, đeo vòng hoa hình củ hành và dùng hành làm quà tặng đám cưới.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) bình luận, tình cảnh hiện nay là một cơn ác mộng chính trị đối với thủ tướng Narendra Modi, người đã hứng nhiều chỉ trích vì thành tích kinh tế mờ nhạt.
Một số chính quyền các bang đã bắt đầu bán hành củ được trợ giá nhằm bình ổn dư luận.
Ấn Độ là nhà sản xuất hành lớn thứ hai thế giới và thu về 360 triệu USD/năm nhờ xuất khẩu mặt hàng này. Nhưng với cuộc khủng hoảng, New Delhi đã phải nhập khẩu thêm từ các nước như Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập, bên cạnh ra lệnh cấm xuất khẩu hành.
Một chợ bán hành ở Lasalgaon, Ấn Độ (Ảnh: New York Times)
Giá hành leo thang làm chính phủ Ấn chao đảo
Ý nghĩa chính trị quan trọng của hành tây được thể hiện ở vai trò không thể thay thế của nó trong ẩm thực Ấn Độ. Giá cả leo thang không chỉ tác động đến từng hộ gia đình, mà còn đè nặng lên ngành dịch vụ ăn uống của nước này, khi nỗ lực thay thế hành tây bằng bắp cải hay củ cải không thành công.
Nhiều cửa hàng vừa và nhỏ đã đưa một số món ăn phổ biến có hành tây ra khỏi thực đơn.
Manjunatha, quản lý nhà hàng Srinidhi Sagar ở Bangalore, cho biết: "Mua hành tây khá đắt đỏ và điều này ảnh hưởng nghiêm trọng ngân sách của chúng tôi. Chúng tôi không thể tăng giá món ăn và cũng không thể phục vụ đồ ăn không có hành do mùi vị sẽ bị thay đổi. Vì vậy, lựa chọn duy nhất là đưa các món đó khỏi thực đơn."
Hành tây đã đóng vai trò then chốt trong một số cuộc bầu cử ở Ấn Độ kể từ thập niên 1980, và các đảng phái phớt lờ giá trị của mặt hàng này cũng gặp phải những rủi ro đáng kể.
Nhiều nhà kinh tế lập luận rằng giá cả hành tây - đôi khi là thước đo trọng yếu đối với ổn định kinh tế của Ấn Độ - có thể là một "điềm báo" đối với bất kỳ chính phủ nào.
Cựu bộ trưởng tài chính Ấn Độ, nghị sĩ đối lập Palaniappan Chidambaram đã chỉ trích thành tích kinh tế của chính quyền đương nhiệm. Ông viết trên tờ Indian Express, nói bộ trưởng tài chính Nirmala Sitharaman và thủ tướng Modi "lúng túng và vật lộn" trong việc kiểm soát giá hành, đồng thời lên án các bộ trưởng là "thùng rỗng kêu to" khi xử lý các vấn đề kinh tế.
Thủ hiến lãnh thổ liên minh Puducherry, ông V Narayanasamy, đã phân phát nhiều túi hành cho các nhân viên của đảng để kỷ niệm sinh nhật lãnh đạo đối lập Sonia Gandhi ngày 9/12.
Khi bị chất vấn trước Quốc hội về giá hành tăng cao, bộ trưởng Sitharaman nói rằng bản thân "không ăn nhiều hành và tỏi lắm" bởi ông "đến từ một gia đình không sử dụng nhiều hành". Phát ngôn này khiến ông vấp chỉ trích rộng rãi do thiếu nhạy cảm với hoàn cảnh của người dân.
Trong khi đó, trên các mạng xã hội Ấn Độ xuất hiện nhiều nội dung lấy cảm hứng từ khủng hoảng hành tây. Hastag #OnionPrices và #OnionCrisis liên tục xếp hạng cao trên Twitter, còn người dùng TikTok chia sẻ nhiều video chế giễu giá hành leo thang.
Nhiều chuyên gia dự báo, giá hành tây tại Ấn Độ sẽ khó có thay đổi trong tương lai gần, ít nhất là trước năm mới.
Trí thức trẻ