MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chỉ có thể là Trung Quốc: Làm xe không người lái 5 năm sau Mỹ nhưng hiện đã triển khai với quy mô ngang bằng, khiến phương Tây khiếp sợ

02-02-2024 - 11:50 AM | Thị trường

Chỉ có thể là Trung Quốc: Làm xe không người lái 5 năm sau Mỹ nhưng hiện đã triển khai với quy mô ngang bằng, khiến phương Tây khiếp sợ

Tiến bộ mà các công ty và cơ quan quản lý Trung Quốc đạt được đang đặt ra thách thức mới đối với phương Tây.

Vũ Hán, vốn được biết đến là nơi bùng phát đại dịch Covid-19, giờ đây được cả thế giới công nhận nhờ sở hữu đội xe tự lái lớn nhất thế giới. Đây là trung tâm thử nghiệm quan trọng cho loại công nghệ non trẻ, trong bối cảnh Trung Quốc đẩy mạnh cơ sở hạ tầng cho xe tự hành.

Theo các nhà phân tích, tiến bộ mà các công ty và cơ quan quản lý Trung Quốc đạt được ở Bắc Kinh đã đặt ra thách thức mới đối với phương Tây. Raymond Tsang, chuyên gia công nghệ ô tô của Bain, cho biết: “Rất khó để đo lường, nhưng nếu bạn nhìn vào mức độ sẵn sàng triển khai và tính sẵn có của công nghệ, Trung Quốc có lẽ chỉ chậm hơn chưa đến 2 năm. Động lực thu hẹp khoảng cách là rất lớn”.

Trung Quốc bắt đầu phát triển xe không người lái thương mại vào năm 2013, khoảng 5 năm sau Mỹ. Tuy nhiên, tính đến tháng 9 năm ngoái, xe tự hành ở Trung Quốc đã đi được tổng cộng 70 triệu km, ngang bằng với Mỹ, theo dữ liệu từ Bain.

Tại Vũ Hán, 500 robotaxis, chủ yếu do Baidu - đối thủ của Google của Trung Quốc điều hành đã đi được hơn 730.000 chuyến vào năm ngoái. Waymo nói với Financial Times rằng hãng có “vài trăm ô tô” ở mỗi khu vực.

Với lợi thế về công nghệ và nền tảng sẵn có, Baidu kỳ vọng bước đi mới sẽ đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển của phương tiện giao thông thông minh và xe tự hành ở Bắc Kinh, đồng thời hỗ trợ thành phố trở thành trung tâm đổi mới trí tuệ nhân tạo AI hàng đầu thế giới. Người dùng chỉ cần truy cập vào ứng dụng di động Baidu Maps hoặc website Apollo, đặt một chuyến taxi không người lái và vài phút sau, chiếc xe thông minh đã xuất hiện.

Sự an toàn của xe tự hành được giới truyền thông chú ý kể từ đầu tháng 10, khi Cruise, bộ phận xe không người lái của General Motors điều hành, va chạm với người đi bộ và kéo lê nạn nhân trên đường phố San Francisco. Bình luận về sự vụ này, đại diện Cruise cho biết chiếc xe chỉ đang cố gắng tấp vào lề - một thao tác được lập trình sẵn nếu phát hiện ra va chạm.

Khoảng 3 tuần sau, cơ quan quản lý California tước giấy phép vận hành của Cruise. Đội xe 400 chiếc trên khắp San Francisco và các thành phố lân cận buộc phải đình chỉ. Trong khi đó tại Trung Quốc, Baidu tung hô những chiếc xe không người lái; khẳng định trong quá trình thử nghiệm không hề có bất kỳ vụ tai nạn lớn nào xảy ra. Mỗi robotaxi đều được giám sát từ xa để sẵn sàng can thiệp nếu có vấn đề phát sinh trên đường.

Chỉ có thể là Trung Quốc: Làm xe không người lái 5 năm sau Mỹ nhưng hiện đã triển khai với quy mô ngang bằng, khiến phương Tây khiếp sợ - Ảnh 1.

Waymo

Waymo từ chối cung cấp số lượng người giám sát từ xa cho mỗi chiếc xe. Tập đoàn Mỹ nhấn mạnh sản phẩm của mình sẽ chủ động đưa ra mọi quyết định trên đường chứ không phụ thuộc vào người lái, dù ở trong xe hay từ xa.

“Nếu một phương tiện Waymo phát hiện ra con đường phía trước đang thi công, nó sẽ tấp vào lề và yêu cầu xác nhận từ các chuyên gia của đội xe trước khi đi tuyến đường thay thế”, đại diện Waymo nói.

Ngay cả vậy, Ya-Qin Zhang, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Công nghiệp AI tại Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh, cho biết chính phủ Trung Quốc vẫn sẽ “rất, rất thận trọng” cho đến khi họ tin chắc rằng các phương tiện tự lái trên là an toàn.

“An toàn phải cao gấp 10 lần so với các phương tiện có người lái để được triển khai trên quy mô lớn”, Ya-Qin Zhang nói.

Ngoài Vũ Hán, Baidu và một loạt đối thủ trong nước, bao gồm Pony.ai và AutoX, đã thành lập nhiều khu vực thử nghiệm trên khắp Trung Quốc. Nhiều nhà phát triển xe điện, bao gồm cả BYD, cũng có các nhóm nội bộ phát triển hệ thống hỗ trợ người lái tiên tiến.

Theo Bain, quy mô hiện tại cho thấy Trung Quốc có thể đang hướng tới “điểm bùng phát” vào khoảng năm 2027 để công nghệ chủ chốt khả thi về mặt thương mại. Bain cũng kỳ vọng giới chức sớm có thể hoàn thiện khung pháp lý, bảo hiểm cũng như cải thiện cơ sở hạ tầng đường bộ, viễn thông đi kèm.

Vào năm 2021, một cuộc khảo sát của McKinsey cho thấy gần 60% các nhà lãnh đạo trong ngành kỳ vọng Bắc Mỹ sẽ đánh bại Trung Quốc trong việc phát triển công nghệ xe không người lái. Hiện tại, tỷ lệ trên đã ngang bằng.

“Đây là bằng chứng về sự tiến bộ của Trung Quốc vốn được thúc đẩy bởi chính phủ; đầu tư nghiên cứu và dữ liệu sẵn có. Người tiêu dùng cũng dễ tiếp cận công nghệ mới”, các nhà phân tích của McKinsey cho biết.

“Bản thân tôi đã lái xe trong một thời gian khá dài. Thành thật mà nói, lái xe đường dài khiến tôi rất buồn ngủ hoặc rất mệt mỏi, vì vậy tôi khá mong đợi vào dịch vụ taxi không người lái”, anh Zhao, một người dân Bắc Kinh chia sẻ.

Ya-Qin Zhang hiện đang kêu gọi chính phủ và ngành công nghiệp thúc đẩy mở rộng dự án Vũ Hán ra toàn bộ thành phố. Việc mở rộng này sẽ cho phép các phương tiện học cách vận hành và xử lý vấn đề phát sinh khi lái xe trong đô thị.

“Nếu một chiếc ô tô có thể lái được ở Vũ Hán, tôi khá chắc chắn rằng nó có thể chạy ở bất kỳ thành phố nào”, Ya-Qin Zhang nói.

Được biết, Bắc Kinh đang xây dựng quy định trên toàn quốc để làm rõ xem công ty nào sẽ phải chịu trách nhiệm trong trường hợp xảy ra tai nạn. Xe tuần tra không người lái của cảnh sát cũng đang được thử nghiệm trên đường.

Tom Nunlist, chuyên gia công nghệ Trung Quốc của công ty tư vấn Trivium, cho biết việc tăng cường giám sát từ Bắc Kinh phản ánh nỗ lực “cân bằng” những lo ngại về an toàn với mong muốn đẩy nhanh tốc độ phát triển công nghệ một cách không cần thiết.

“Trung Quốc muốn giành chiến thắng trong cuộc đua này. Họ muốn dẫn đầu công nghệ”, Tom Nunlist nói.

Theo: FT, The New York Times


Theo Vũ Anh

An ninh tiền tệ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên