MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chỉ đạo giải quyết dứt điểm vụ chủ đầu tư lộng hành trong khu công nghiệp

05-01-2024 - 23:31 PM | Bất động sản

Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu có văn bản đề nghị giải quyết dứt điểm vụ việc 19 doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghiệp Mỹ Xuân A2 "cầu cứu" khi bị chủ đầu tư lộng hành, ban hành các quy định áp đặt.

Ngày 5-1, Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu đã có văn bản chỉ đạo khẩn trương giải quyết dứt điểm vụ việc 19 doanh nghiệp (DN) ở Khu công nghiệp Mỹ Xuân A2, (KCN) phường Mỹ Xuân, thị xã Phú Mỹ phản đối việc Công ty TNHH phát triển quốc tế Formasa (FIDC, chủ đầu tư) đưa ra một số quy định có phần áp đặt mà không thông qua thảo luận, lấy ý kiến của DN.

Theo Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu, các đơn vị liên quan căn cứ vào các quy định nếu có, tổ chức thực hiện thanh tra nhằm xử lý nghiêm, triệt để vụ việc, không để xảy ra tình trạng tái diễn, bảo đảm an ninh trật tự xã hội tại đây, kịp thời báo cáo kết quả cho thường trực tỉnh ủy trước ngày 11-1.

Liên quan vụ việc, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh BR-VT cũng có văn bản đề nghị FIDC lập tức dừng ngay các hành vi ngăn cản phương tiện ra vào KCN Mỹ Xuân A2. Tháo dỡ, di dời ngay chốt bảo vệ tại cổng KCN, do chốt bảo vệ xây dựng trên hành lang an toàn đường ống dẫn khí.

Chỉ đạo giải quyết dứt điểm vụ chủ đầu tư lộng hành trong khu công nghiệp- Ảnh 1.

Trụ sở của công ty TNHH phát triển quốc tế Formasa trong KCN Mỹ Xuân A2

FIDC cần rà soát sự phù hợp với các quy định của pháp luật đối với các nội dung theo quyết định về việc ban hành các quy chế hoạt động kinh doanh KCN Mỹ Xuân A2. Khi tiến hành các mức giá, phí phải thỏa thuận với các DN trong KCN. Đồng thời, phải gửi về ban quản lý các KCN và các cơ quan có liên quan để được có ý kiến trước khi ban hành.

Trước đó, 19 DN hoạt động trong KCN Mỹ Xuân A2 có đơn gửi lên ngành chức năng, phản ảnh FIDC tự ý tăng giá các loại dịch vụ. Ngoài ra, FIDC còn nợ hơn 15 tỉ đồng tiền nước khiến hoạt động của các DN trong KCN bị ảnh hưởng.

Cụ thể, theo phản ảnh của các DN, từ giữa năm đến cuối năm 2023, FIDC đã tự ý đưa ra quy định mới để nâng giá các dịch vụ. Điển hình như việc thu gom chất thải riêng lẻ trong KCN sẽ do FIDC đảm nhiệm với giá 400.000 đồng/m3. Các loại xe thu gom chất thải dạng lỏng từ bên ngoài không được phép vào KCN này.

Đặc biệt, từ tháng 11-2023, FIDC nâng phí xử lý nước thải từ 5.208 đồng/m3 lên 15.300 đồng/m3 (tăng 194%), trái với điều khoản trong hợp đồng.

Theo ghi nhận của các ngành chức năng, chủ đầu tư KCN này cũng tự ý đặt barie để kiểm soát, mở hay chặn cho xe ra vào KCN. Ngoài ra, dựng biển báo giao thông trong KCN.

Trong tháng 12-2023, theo phản ảnh của nhiều DN, KCN này đã hai lần bị cúp nước vào ngày 15 và ngày 18. Việc cúp nước không được chủ đầu tư báo trước nên việc sản xuất gặp khó khăn.

Khi liên hệ với công ty cấp nước, các DN được biết nguyên nhân bị cúp nước và yếu nước là do Công ty FIDC đang nợ tiền nhiều tháng với tổng số tiền hơn 15 tỉ đồng. Trong khi đó, các DN cho biết đã thanh toán tiền nước đầy đủ, đúng hạn cho chủ đầu tư KCN.

Ngoài ra, các DN có nhiều kiến nghị khác, đề nghị lực lượng chức năng tỉnh BR-VT vào cuộc giải quyết.

Theo Ngọc Giang

Người Lao Động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên