MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Chỉ đọc sách KHÔNG BAO GIỜ giúp bạn thành công hay trở nên giàu có"

29-07-2016 - 10:01 AM | Sống

CEO Alphabooks Nguyễn Cảnh Bình cho rằng, bạn phải tìm được những cuốn sách tốt, học cách đọc và hiểu những gì sách nói, song không quên điều quan trọng nhất là phải hành động, lao động.

Văn hóa đọc đứng trước nguy cơ bị “thất sủng”. Dù cho những hội sách mở ra triền miên, những NXB sách, hãng in mọc lên như nấm. Nhưng chúng ta có bao giờ đặt câu hỏi: Giới trẻ chúng ta đang quan tâm những cuốn sách nào? Và họ mua sách về để làm gì với nó chưa? Câu hỏi tưởng như ngớ ngẩn nhưng với xã hội hiện đại nhưng đó là một thực tế đau đầu.

Chúng tôi đã có buổi trò chuyện với CEO Alphabooks Nguyễn Cảnh Bình về văn hoá đọc của giới trẻ ngày nay.

- Năm 1988, anh viết bài báo đầu tiên và cho rằng thanh niên cần phải phải nghĩ đến kiếm tiền, đi kiếm tiền chứ không chỉ biết việc học hành… Đến bây giờ, theo anh câu nói đó có còn phù hợp với giới trẻ Việt Nam không?

- Bây giờ, tôi vẫn giữ tinh thần đó song có lẽ nên được diễn đạt rõ ràng hơn: “Những bạn trẻ không thể chỉ học những thứ mà nhà trường dạy, họ phải chuẩn bị và học những điều cần thiết trong cuộc sống, cần biết lao động, biết giá trị cuộc sống và của tiền bạc.”

Nhưng đôi khi, tôi thấy ngày đó (1988) và bây giờ có gì đó trái ngược nhau hoặc cực đoan thái quá, khi ngày đó hầu hết thanh niên chỉ coi việc học là cách thức duy nhất mà không nghĩ gì đến những gì đang diễn ra ngoài xã hội, thì ngày nay, đôi khi có nhiều người chỉ thuần túy nghĩ cả cuộc đời chỉ có kiếm tiền. Cả hai thái cực đều không đúng.

- Là lãnh đạo một công ty xuất bản sách, tham gia rất nhiều hoạt động văn hóa, dịch thuật và viết sách, báo và giảng dạy, nói chuyện tại nhiều trường đại học... anh nghĩ gì về văn hóa đọc sách của giới trẻ ngày nay?

- Chúng ta đang tốt lên, về tổng thể người Việt đang tốt lên chứ không xấu đi. Người Việt, nhất là giới trẻ đã nhìn ra điểm yếu của mình, của xã hội, của cả người lớn. Người trẻ nhờ sách nhưng phần nhiều nhờ thông tin, nhờ internet, nhờ mạng xã hội mà họ đã dần dần tiếp cận chân lý, tiếp cận cái đúng. Xã hội cũng vậy, đã bắt đầu đấu tranh, phê phán cái xấu, khen ngợi cái tốt.. Dù chưa nhiều, dù chưa toàn diện và đầy đủ nhưng tôi hoàn toàn tin rằng đã hơn rất nhiều so với 20-30 năm trước.

Tôi nghĩ thói quen đọc sách chỉ là một phần trong các tiêu chí đánh giá văn hóa của con người. Đó không phải là tất cả. Tôi không ủng hộ những bạn trẻ chỉ đọc sách và chẳng hiểu gì về những điều đang diễn ra ngoài xã hội, và ủng hộ/tán thành những bạn trẻ có thể chẳng đọc sách nhưng sống tốt, có trách nhiệm, sống tích cực. Nhưng giới trẻ sẽ đọc sách nhiều hơn nếu xã hội trở nên tốt đẹp hơn, văn minh hơn.

- Báo chí mổ xẻ rất nhiều về câu chuyện giớ trẻ Việt Nam đã quên đi những tác phẩm văn học kinh điển, sách lịch sử hay những cuốn văn học hiện đại mà điên đảo với ngôn tình. Lứa học sinh, sinh viên đọc ngôn tình ở Việt Nam đông đến mức không thể thống kê được. Tại sao ngôn tình lại phát sốt ở Việt Nam và anh có bình luận gì không?

- Khi con người không có những lựa chọn khác, khi con người không có những cửa sổ khác, khi con người không thấy được có những thế giới khác tốt đẹp hơn, họ sẽ bám vào những lựa chọn, những cửa sổ gần nhất, đơn giản nhất, dề dàng nhất, vui vẻ nhất, gần với bản năng nhất và được hưởng thụ theo cách thức lười biếng nhất. Khi sống trong một gia đình mà tiền là tất cả, hoặc trong thế giới xung quanh không có thông tin, họ nghĩ rằng tất cả đó là cả thế giới với họ.

Khi những điều đẹp đẽ không được ca ngợi, khi những chân trời mới, khi những giá trị sống tốt đẹp không được lan truyền, không có những cộng đồng và nhóm bàn đến những điều hay khác, thì việc đám trẻ chúi mũi vào sách ngôn tình cũng là điều dễ hiểu.

Đám trẻ không có tội, trách nhiệm chính là vẫn là người lớn. Nó cũng giống như kiểu khi không biết có nước sạch thì con người vẫn chỉ uống nước bẩn vậy.

- Tôi từng nghe nhiều người nói, làm giàu không khó nhưng thực sự rất rất khó và tôi cũng đã đọc rất nhiều sách về làm giàu rồi nhưng vẫn thất bại. Anh có thể giúp tôi chỉ ra đọc cuốn sách như thế nào và làm cách nào để giàu được không?

- Đọc sách không bao giờ giúp bạn trở nên giàu có nếu bạn không lao động. Bản thân và chỉ bằng cách lao động, lao động chăm chỉ, cần cù (và rồi nhờ đó mà bạn trở nên hiểu biết hơn, thông minh hơn, chứ không phải ngược lại) mới giúp bạn trở nên giàu có.

Gần đây mạng xã hội nổi lên clip trò chuyện giữa 2 lãnh đạo doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam . Bỏ qua các yếu tố khác, thì điều không thể bàn cãi đó là những người chủ doanh nghiệp đó, cũng như những người giàu có khác, họ đều rất chăm chỉ. Việc đọc sách giúp bạn thêm kiến thức, thêm hiểu biết, rút ngắn và có thể may mắn tránh được những vấp váp, thất bại, giúp bạn nhìn rõ hơn con đường đi của mình.

Chỉ riêng việc đọc sách KHÔNG BAO GIỜ giúp bạn trở nên giàu có. Bạn phải tìm được những cuốn sách tốt, học cách đọc và hiểu những gì sách nói, song không quên điều quan trọng nhất, là phải hành động, lao động...

- Ở Việt Nam, học sinh cá biệt thường được hiểu theo nghĩa tiêu cực, còn ở nước ngoài, tôi thấy nhiều trường khuyến khích học sinh sáng tạo và khác biệt. Anh nghĩ gì?

- Phần nào đúng như vậy nhưng tình hình trên đang dần dần thay đổi khi nhận thức của xã hội, của phụ huynh, của giáo viên.. đã tốt hơn rất nhiều khi hiểu đâu mới là thực chất, bản chất và mục đích của giáo dục. Đâu là những tiêu chí đánh giá sự thành công, sự hữu ích và các tiêu chí của một công dân hiểu biết, có trách nhiệm, đâu chỉ là những tô vẽ, trang điểm bề ngoài. Đôi khi những giáo sư, tiến sĩ, con ngoan, trò giỏi cũng gây tác hại cho xã hội, cho người khác, thậm chí nhiều hơn những gì chúng ta hình dung.

Khi hiểu biết về mục đích của giáo dục và các tiêu chí đánh giá con người, sự sáng tạo, sự khác biệt sẽ được coi trọng hơn, có giá trị hơn, hay ít ra cũng không bị xem thường, lên án như trước.

Tôi nhớ hồi tôi đi học, có người bạn thuận tay trái nhưng cha mẹ và thầy cô nhất định bắt cậu ấy phải viết tay phải, cứ cầm bút tay trái là cầm roi đánh. Một cậu bạn khác của tôi bị người cha ép phải theo học ngành toán, để trở thành tiến sĩ toán học, vì như vậy mới được coi là thành đạt, là ngoan ngoãn trong khi cậu ta muốn học vẽ, muốn làm họa sĩ.

Cậu bạn tôi tốn phí 2-3 năm, vật vã với cuộc sống, với việc học toán để rồi cũng lại bỏ học theo đuổi nghề kiến trúc sư. Sau nhiều năm bị người cha ghét bỏ, mãi sau này, mới được thấu hiểu, cảm thông..

Bây giờ nghĩ lại, tôi thấy ứa nước mắt vì thương cậu ấy, vì những sai lầm và thiếu hiểu biết của người lớn.

- Làm gì để tăng cường văn hóa đọc sách của người Việt, thưa anh?

- Đây là cả một chủ đề lớn, nó cũng giống như bạn đặt câu hỏi: làm thế nào để Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển và văn minh vậy! Dân tộc như thế nào thì văn hóa,thói quen đọc sách như thế. Ý tôi là sự phát triển cần đồng bộ, không thể tách rời văn hóa, đọc sách, tri thức ra khỏi những lĩnh vực khác của cuộc sống. Vì thế, để tăng cường thói quen đọc sách của dân tộc thì cần nhiều thời gian, cần nhiều hành động, cần sự nỗ lực của nhiều “người chơi” (tức là các players tham gia vào cuộc chơi đó) gồm có chính phủ/nhà nước; doanh nghiệp (Nhà xuất bản); tác giả, học giả..và khách hàng (độc giả).

Tổng thể có 3 giải pháp cho vấn đề này: (1) Các giải pháp của chính phủ, của nhà nước nhằm thúc đẩy tri thức, coi trọng tri thức, hỗ trợ các NXB, các hoạt động của ngành sách.. Như vài năm qua, Thủ tướng đã quyết định chọn ngày 21/4 hàng năm là Ngày Sách Việt Nam. Sau đó, nhiều tỉnh, thành phố cũng tổ chức hàng loạt các hội sách và các hoạt động nhằm khuyến khích học sinh đọc sách…;

Tôi cho đây là những hoạt động đúng và cần được phát triển nhiều và sâu hơn nữa, tức là không chỉ thành phố và Trung ương, sự khích lệ, động viên và các hoạt động này cần phải được thực hiện, tổ chức ở cấp thấp hơn như huyện, xã.. Chính phủ cũng cần tăng chi phí đầu tư cho lĩnh vực này thông qua các chương trình có kết hợp xã hội hóa, đặc biệt chú trọng đối với trẻ em.

(2) Những nỗ lực, cố gắng của xã hội cũng chính là nhà trường, người dân, độc giả. Xã hội, từng gia đình, từng người coi trọng tri thức hơn, chịu khó nâng cao kiến thức của mình.

(3) Các nỗ lực, cố gắng của những nhà xuất bản, những công ty sách, những người viết… là những người trực tiếp trong ngành và lực lượng chính thực hiện công việc này. Tôi nghĩ chúng tôi cần đẩy mạnh hoạt động và làm ra những cuốn sách có giá trị hơn, giá rẻ hơn, dễ tiếp cận hơn với người dân.

Chỉ những nỗ lực mạnh mẽ, đồng bộ của tất cả mọi người chứ không thể chỉ chờ đợi sự hỗ trợ của chính phủ, thì thói quen đọc sách và sự coi trọng tri thức mới phát triển.

Theo Dư Hoài thực hiện

Trí thức trẻ/CafeBiz

Trở lên trên