Chỉ mất 10 năm, Trung Quốc đã vươn lên đứng đầu thế giới ở một lĩnh vực đặc biệt, công suất tương đương tất cả các quốc gia khác cộng lại
Đây là minh chứng cho thấy Trung Quốc phát triển mạnh mẽ như thế nào.
- 12-08-2023'Đặt quá nhiều trứng vào giỏ Trung Quốc', EU đang mắc kẹt bất chấp nỗ lực giảm thiểu rủi ro
- 12-08-2023Tình hình căng thẳng hơn với con trai Tổng thống Joe Biden
- 12-08-2023Phát hiện mới: 7 hành tinh giống Trái Đất có thể ở được
CGTN đưa tin, công suất lắp đặt điện gió ngoài khơi của Trung Quốc đã đứng số 1 thế giới trong hai năm liên tiếp. Lĩnh vực này đóng vai trò quan trọng, góp phần giúp Trung Quốc đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2060.
Thực tế, Trung Quốc là nước đi sau trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi. Năm 2012, cả nước chỉ có công suất khoảng 390.000 kW. Tuy nhiên, chỉ sau một thập kỷ phát triển, công suất lắp điện gió ngoài khơi hiện nay của Trung Quốc đã đạt hơn 30.000.000 kW. Con số này chiếm khoảng một nửa tổng số toàn cầu, có nghĩa Trung Quốc có công suất tương đương tất cả các quốc gia khác cộng lại.
Theo CGTN, một ví dụ điển hình về thành tựu của Trung Quốc trong lĩnh vực này là việc vận hành turbine gió ngoài khơi 16 MW lớn nhất thế giới vào tháng 7 vừa qua.
Turbine này nằm ở tỉnh Phúc Kiến, phía đông nam Trung Quốc và có độ cao lên tới 146 mét. Các cánh quạt của nó có đường kính 252 mét cùng vòng quay khoảng 50.000 m2, tương đương với 7 sân bóng đá tiêu chuẩn.
Sản lượng trung bình hàng năm của turbine là hơn 66.000.000 kWh, đủ cung cấp điện cho 36.000 hộ gia đình ba thành viên trong một năm.
Qin Haiyan, chuyên gia về điện gió tại Hiệp hội Năng lượng Tái tạo Trung Quốc (CRES) cho biết chi phí sản xuất điện từ các trang trại gió ngoài khơi đang giảm. “Hiện tại, chi phí trung bình đã giảm xuống còn khoảng 0,33 nhân dân tệ cho mỗi kWh. Chi phí sẽ thấp như các nguồn điện khác vào năm 2025”, Qin nói.
Ông cũng chia sẻ thêm rằng Trung Quốc mới chỉ khai thác chưa đến 1,1% tổng tiềm năng của gió ngoài khơi. Được biết, nước này đã lên kế hoạch cho hàng loạt nhà máy điện 10.000.000 kW ngoài khơi tại tỉnh Sơn Đông và một số khu vực khác. Động thái này nhằm mục đích sản xuất nhiều năng lượng sạch hơn cho mục tiêu trung hòa carbon của đất nước.
Tham khảo CGTN
Nhịp Sống Thị Trường