MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

'Đặt quá nhiều trứng vào giỏ Trung Quốc', EU đang mắc kẹt bất chấp nỗ lực giảm thiểu rủi ro

12-08-2023 - 15:09 PM | Tài chính quốc tế

Theo tờ Financial Times, nhập khẩu từ Trung Quốc vào Liên minh Châu Âu (EU), bao gồm cả công nghệ nhạy cảm và khoáng sản quan trọng, đã tăng lên trong những năm gần đây.

'Đặt quá nhiều trứng vào giỏ Trung Quốc', EU đang mắc kẹt bất chấp nỗ lực giảm thiểu rủi ro - Ảnh 1.

Thực tế nêu trên diễn ra bất chấp nỗ lực của các chính trị gia EU nhằm “giảm thiểu rủi ro” cho các liên kết kinh tế trong bối cảnh quan hệ với Bắc Kinh đang xấu đi.

Brussels đã gọi Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh có hệ thống” vào năm 2019 sau khi căng thẳng thương mại giữa hai siêu cường kinh tế gia tăng. Tuy nhiên, dữ liệu của Eurostat cho thấy, giá trị hàng hóa đến châu Âu từ nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới là Trung Quốc đã tăng gần gấp đôi từ năm 2018 đến năm 2022.

Trong nửa đầu năm nay, Trung Quốc vẫn là nhà cung cấp hàng hóa lớn nhất cho EU.

Một phân tích của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho thấy, nhập khẩu các mặt hàng như điện thoại, máy tính và máy móc vào châu Âu đều tăng mạnh trong giai đoạn này mặc dù các quan chức EU vẫn nêu ra lo ngại rằng Trung Quốc có thể sử dụng công nghệ này để thu thập các thông tin bí mật.

Trung Quốc cũng là nhà cung cấp đất hiếm và các nguyên liệu thô quan trọng khác lớn nhất của EU.

John Blaxland - giáo sư nghiên cứu tình báo và an ninh quốc tế tại Đại học Quốc gia Úc - cho biết: “Trung Quốc đã thuyết phục rất thành công các nền kinh tế công nghiệp lớn đặt nhiều quả trứng của họ vào giỏ Trung Quốc. Thật khó để giải thoát hoàn toàn khỏi tình trạng khó khăn của họ.”

Vấn đề Trung Quốc đã thu hút sự quan tâm từ các quan chức ở Brussels. Ủy viên thương mại EU Valdis Dombrovskis nói với Financial Times trong một cuộc phỏng vấn được công bố hôm 7/8 rằng, thâm hụt “đáng kinh ngạc” giữa EU và Trung Quốc nhấn mạnh hệ quả của việc Bắc Kinh mở cửa thị trường.

Ông Dombrovskis nói: “Mối quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và EU rất mất cân bằng. Mức độ cởi mở từ phía Trung Quốc không giống như mức độ cởi mở từ phía EU.”

Mối quan hệ khó tách rời

Tuy nhiên, các quan chức EU ngày càng phải chấp nhận rằng, việc cắt đứt quan hệ với một nền kinh tế chiếm 14% xuất khẩu hàng hóa toàn cầu sẽ rất khó khăn.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen trong năm nay từng thừa nhận rằng, khối này không thể “tách rời” hoàn toàn khỏi giao dịch với Bắc Kinh. Thay vào đó, khối sẽ “giảm thiểu rủi ro” cho nền kinh tế của mình bằng cách tự sản xuất hàng hóa được coi là quan trọng đối với an ninh quốc gia trong EU.

Theo Financial Times, hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo EU vào tháng trước đã kết luận rằng, Brussels và Bắc Kinh sẽ “tiếp tục là đối tác kinh tế và thương mại quan trọng”, mặc dù khối này đang giảm “sự phụ thuộc và lỗ hổng quan trọng”. Tuyên bố cho biết EU không có ý định "hướng nội".

Giáo sư Blaxland nói: “Việc tách rời là không khả thi, nếu không có chiến tranh.”

Tuy nhiên, số liệu của OECD cho thấy, Mỹ đã đạt được nhiều tiến bộ hơn trong việc trở nên ít phụ thuộc hơn vào đối thủ kinh tế chính của mình.

Năm 2018, Tổng thống Mỹ khi ấy là ông Donald Trump áp đặt mức thuế 25% đối với hàng nhập khẩu trị giá 34 tỷ USD của Trung Quốc. Đến năm 2022, dữ liệu từ Bộ Thương mại Mỹ cho thấy, tỷ trọng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đã giảm từ 21% xuống 16%.

'Đặt quá nhiều trứng vào giỏ Trung Quốc', EU đang mắc kẹt bất chấp nỗ lực giảm thiểu rủi ro - Ảnh 2.

Các nhà phân tích cho biết, doanh số bán ô tô tại châu Âu do Trung Quốc sản xuất có thể đạt 1,5 triệu xe vào năm 2030. Ảnh: Bloomberg

Rào cản thương mại vẫn còn

Theo dữ liệu của Cục điều tra dân số Mỹ, mặc dù có thái độ cởi mở hơn người tiền nhiệm, nhưng Tổng thống Joe Biden vẫn không dỡ bỏ các rào cản thương mại và sự sụt giảm thương mại với Trung Quốc vẫn tiếp tục trong năm nay.

Nhưng mối quan hệ với Trung Quốc của các doanh nghiệp Mỹ vẫn có thể chặt chẽ hơn những gì thể hiện qua dữ liệu chính thức. Các đối tác Trung Quốc từng là nhà cung cấp cho các doanh nghiệp Mỹ trước khi áp dụng thuế quan đã chuyển một phần hoạt động của họ sang địa điểm khác ở châu Á để tuân thủ các quy định.

Chad Bown - nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Kinh tế Quốc tế Peterson có trụ sở tại Washington DC (Mỹ) - cho biết: “Tất cả những gì chúng tôi biết từ dữ liệu đó là địa điểm lắp ráp cuối cùng trước khi đến Mỹ đang thay đổi. Có thể chính những công ty đã thực hiện khâu lắp ráp cuối cùng ở Trung Quốc giờ lại chuyển sang thực hiện ở Việt Nam, Campuchia, Bangladesh hoặc Thái Lan.”

Một số nhà phân tích cho rằng, EU đã lấp đầy khoảng trống do Mỹ để lại, sau khi Bắc Kinh hạ thuế quan nhắm vào các nước châu Âu để đáp trả cuộc chiến thương mại của Mỹ.

Xuất khẩu sang Trung Quốc bùng nổ

Theo Financial Times, doanh số bán hàng của các nhà sản xuất ô tô châu Âu sang Trung Quốc đã bùng nổ kể từ khi các công ty Mỹ ngừng hoạt động tại thị trường này. Chỉ riêng năm ngoái, mối quan hệ này trị giá 24 tỷ euro.

Mối đe dọa lớn nhất đối với ngành kinh doanh này có thể không đến từ chiến tranh thương mại, mà là sự trỗi dậy của các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc, một lĩnh vực mà họ đang trở nên thành công đến mức chiếm lĩnh thị phần của các nhà sản xuất châu Âu cả trong và ngoài lãnh thổ.

3 trong số các mẫu xe điện bán chạy nhất ở châu Âu năm ngoái là hàng nhập khẩu của Trung Quốc, chiếm 3-4% số lượng xe đăng ký ở châu Âu, tăng từ 0% một vài năm trước.

Theo công ty dịch vụ tài chính Allianz có trụ sở tại Munich (Đức), doanh số bán ô tô tại châu Âu do Trung Quốc sản xuất có thể đạt 1,5 triệu chiếc vào năm 2030, tương đương 13,5% sản lượng của EU vào năm 2022.

Pháp đã phản ứng bằng cách ban hành luật chỉ trả tiền trợ cấp cho xe điện mới dựa trên lượng khí thải của các nhà sản xuất của họ. Điều này sẽ ảnh hưởng đến các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc vốn sử dụng điện chủ yếu được sản xuất từ than.

Đức - cường quốc xe hơi của EU - đã công bố chiến lược “giảm thiểu rủi ro” vào tháng trước, khi Bộ trưởng Ngoại giao Annalena Baerbock nói các công ty phải giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc hoặc “tự gánh chịu nhiều rủi ro tài chính hơn”.

Marianne Schneider-Petsinger - giám đốc dự án tại Diễn đàn chính sách thương mại toàn cầu của Chatham House có trụ sở tại London (Anh) - cho biết: “Cuộc tranh luận ở Đức đang chuyển hướng khá nhanh sang thái độ quan tâm và phê phán nhiều hơn đối với thương mại và đầu tư ở Trung Quốc. Nhưng đồng thời, có sự khác biệt quan điểm giữa các công ty trong nước và chính phủ.”

Theo Hữu Hiển

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên