MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chi ngân sách không thể nói “khoảng”, “sẽ” mà phải cụ thể

ĐBQH quan ngại: Nguồn vốn dự phòng chung còn đang thiếu trong khi Chính phủ vẫn trình Quốc hội phương án phân bổ mà chưa thuyết minh được tính khả thi.

Hôm nay (3/6), Quốc hội thảo luận về việc phân bổ, sử dụng nguồn dự phòng Kế hoạch Đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020. Nhiều đại biểu nêu ý kiến về nguồn vốn cho các dự án trong kế hoạch phân bổ đầu tư trung hạn.

Chi ngân sách không thể nói “khoảng”, “sẽ” mà phải cụ thể - Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội lo không cân đối được vốn cho kế hoạch phân bổ đầu tư công trung hạn 2016-2020. (Ảnh minh hoạ: KT)


Đại biểu Hoàng Quang Hàm (đoàn Phú Thọ) - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội cho biết, nguồn vốn dự phòng chung còn đang thiếu trong khi Chính phủ vẫn trình Quốc hội phương án phân bổ mà chưa thuyết minh được tính khả thi. Nói đến chi ngân sách không thể nói "khoảng", "sẽ" mà cần phải cụ thể.

Hơn nữa, hầu hết các dự án mới đều không đủ điều kiện để đưa vào kế hoạch, nhiều dự án chưa đáp ứng nguyên tắc, tiêu chí ưu tiên. Thẩm tra tờ trình của Chính phủ, Uỷ ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội đã nhiều lần đề nghị nêu rõ khả năng cân đối vốn. Trong khi nguồn ngân sách dự phòng hàng năm là để khắc phục thiên tai, thực hiện các nhiệm vụ cấp bách chưa được dự toán, tăng thu tiết kiệm chi đã được nêu rõ ràng là tăng chi trả nợ và bổ sung cho chính sách an sinh xã hội. Do đó, giải thích của Chính phủ, theo đánh giá của đại biểu Hàm, là vẫn chưa có nguồn, và cũng chưa chỉ rõ cắt giảm dự án là bao nhiêu.

Chi ngân sách không thể nói “khoảng”, “sẽ” mà phải cụ thể - Ảnh 2.

Đại biểu Hoàng Quang Hàm


Đồng quan điểm này, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, trong khi chưa cân đối được vốn mà đã có phương án phân bổ là chưa phù hợp. Đây là vấn đề cần xem xét, và thẩm quyền quyết định thuộc về Quốc hội.

Chi ngân sách không thể nói “khoảng”, “sẽ” mà phải cụ thể - Ảnh 3.

Đại biểu Hoàng Văn Cường

Tuy nhiên, theo đại biểu Cường, Chính phủ cũng có lý khi giải thích: Nếu không có dự án trước, khi có tiền thì lại không giải ngân được vì trên thực tế tình trạng giải ngân vốn rất chậm, có tiền rồi nhưng dự án vẫn không triển khai được. Phê duyệt chủ trương và phân bổ vốn vẫn là là câu chuyện "con gà-quả trứng".

Khi đưa dự án vào kế hoạch phân bổ thì dự án đã được phê duyệt cách đó vài năm, do đó khi đưa vào thực hiện hàng năm thì không còn phù hợp, đại biểu Hoàng Văn Cường phân tích.

Trước đó, chia sẻ với báo chí bên hàng lang Quốc hội, đại biểu Đỗ Văn Sinh (đoàn Quảng Trị) - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khẳng định, vốn đầu tư công hoàn toàn đủ, thậm chí còn… thừa.

Ông Sinh bày tỏ quan điểm đồng tình với việc phải bổ sung dự án mới sử dụng vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 ngay tại kỳ họp này. "Tại kỳ họp này Quốc hội không "quyết" ngay thì không kịp thời gian để hoàn thành các dự án này trong giai đoạn 2016 - 2020. Tất cả các dự án Chính phủ đề nghị bổ sung đều là những dự án quan trọng, cấp bách, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của một bộ phận dân cư tại nhiều vùng khác nhau", ông Sinh nói.

Chi ngân sách không thể nói “khoảng”, “sẽ” mà phải cụ thể - Ảnh 4.

Đại biểu Đỗ Văn Sinh 

Vậy nguồn vốn ở đâu? Theo đại biểu Đỗ Văn Sinh, đó chính là vốn từ các dự án đã có trong danh mục kế hoạch đầu tư trung hạn nhưng không triển khai được bị cắt giảm. Các bộ, ngành, địa phương đã được giao danh mục dự án và tổng nguồn vốn đầu tư công trung hạn phải tự rà soát, cắt giảm với những dự án chậm triển khai và điều chuyển vốn cho các dự án được bổ sung của chính bộ, ngành, địa phương mình.

Ngoài ra còn có nguồn vốn từ thu ngân sách vượt dự toán, vốn chuyển nguồn, vốn dự phòng, vốn chưa sử dụng đến của Dự án Đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông..., ông Sinh nêu rõ./.

Theo Trần Ngọc

VOV

Trở lên trên