Chi phí nuôi dạy trẻ em ở Trung Quốc đắt đỏ nhất thế giới
Ảnh minh hoạ: AFP/TTXVN
Trung Quốc là một trong những quốc gia có chi phí nuôi dạy một đứa trẻ đắt đỏ nhất thế giới so với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người.
- 21-02-2024The Body Shop đóng cửa hơn 100 cửa hàng ở Anh, nhìn lại câu chuyện và những dấu ấn của thương hiệu mỹ phẩm đình đám này
- 21-02-20243 'tên lửa hạng nặng' nâng bật sức mạnh vũ trụ Nga: Tiết lộ mới nhất của TGĐ Roscosmos
- 21-02-2024"Ác mộng" của người đi ô tô điện xứ Trung trước và sau Tết: Tuổi ắc quy giảm khi phải bật sưởi liên tục, trạm sạc đóng băng, pin tụt thảm hại khi tắc đường
Thông tin trên do Viện Nghiên cứu Dân số YuWa, một tổ chức tư vấn nổi tiếng có trụ sở tại Bắc Kinh, Trung Quốc đưa ra hôm 21/2. Báo cáo đi kèm thông tin chi tiết về thời gian, chi phí và cơ hội đối với những phụ nữ lựa chọn sinh con ở nước này.
Báo cáo cho biết chi phí nuôi một đứa trẻ cho đến khi 18 tuổi cao gấp khoảng 6,3 lần GDP bình quân đầu người ở Trung Quốc. Con số này cao hơn nhiều so với 2,08 lần ở Australia, 2,24 lần ở Pháp, 4,11 lần ở Mỹ và 4,26 lần ở Nhật Bản.
Việc nuôi dạy con cái cũng mất rất nhiều thời gian, làm giảm số giờ làm việc được trả lương và mức lương của phụ nữ, trong khi sinh kế của nam giới hầu như không thay đổi.
Đồng tác giả của báo cáo, ông Liang Jianzhang, bình luận: “Vì môi trường xã hội hiện nay ở Trung Quốc không thuận lợi cho phụ nữ sinh con nên chi phí thời gian và cơ hội để phụ nữ sinh con là quá cao”.
Vì những lý do như chi phí sinh con cao và phụ nữ khó cân bằng giữa công việc gia đình và công việc bên ngoài, mức độ sẵn sàng sinh con trung bình của người dân Trung Quốc gần như thấp nhất trên thế giới.
Báo cáo trên được đưa ra trong bối cảnh dân số Trung Quốc sụt giảm năm thứ 2 liên tiếp vào năm 2023, với số ca sinh mới giảm xuống còn khoảng một nửa so với năm 2016.
Tại Trung Quốc, ngày càng có nhiều phụ nữ lựa chọn không sinh con do chi phí chăm sóc trẻ em tốn kém, không muốn kết hôn hoặc phải hy sinh sự nghiệp, trong khi tình trạng phân biệt giới tính vẫn còn phổ biến.
Báo cáo cho biết, khi chăm sóc một đứa trẻ từ 0 - 4 tuổi, trung bình phụ nữ bị giảm 2.106 giờ làm việc. Do đó, họ phải chấp nhận mất khoản tiền lương ước tính là 63.000 nhân dân tệ (khoảng 213 triệu đồng) trong giai đoạn này, nếu tiền lương cho mỗi giờ làm việc là 30 nhân dân tệ (khoảng 102.000 đồng).
Báo cáo cho biết việc sinh con cũng sẽ khiến lương của phụ nữ giảm 12-17%. Thời gian giải trí sẽ giảm 12,6 giờ đối với những bà mẹ có một con từ 0 - 6 tuổi và 14 giờ đối với hai con.
Viện YuWa cho rằng ở cấp quốc gia, nhu cầu cấp thiết là đưa ra các chính sách nhằm giảm chi phí sinh con càng sớm càng tốt - chẳng hạn trợ cấp tiền và hỗ trợ thuế, cải thiện dịch vụ chăm sóc trẻ em, chế độ thai sản và nghỉ thai sản bình đẳng, tiếp cận với bảo mẫu nước ngoài, cho phép phụ nữ làm việc linh hoạt và trao cho phụ nữ độc thân quyền sinh con tương tự phụ nữ đã kết hôn.
Báo cáo cho biết các biện pháp này có thể làm tăng số ca sinh mới lên khoảng 3 triệu.
Năm 2023, tổng tỷ suất sinh của Trung Quốc chỉ còn khoảng 1,0 con/phụ nữ - một trong những mức thấp nhất thế giới.
“Nếu tỷ lệ sinh cực thấp hiện nay không được cải thiện, dân số Trung Quốc sẽ giảm nhanh chóng và già đi. Điều này sẽ có tác động tiêu cực nghiêm trọng đến sự đổi mới và sức mạnh tổng thể của quốc gia”, báo cáo nhấn mạnh.
Song, theo trang The Guardian, giới chuyên gia dự đoán sẽ có thêm 1 triệu trẻ sơ sinh ở Trung Quốc vào năm 2024 - năm con Rồng. Theo quan niệm của nhiều người Trung Quốc, những người sinh ra trong năm con Rồng được cho là có số mệnh rất thành công. Rồng là con vật thần thoại duy nhất trong số 12 con giáp và được coi là loài động vật tốt lành nhất.
Các cuộc thảo luận trên mạng xã hội ở Trung Quốc cũng ghi nhận gia tăng rõ rệt số lượng phụ nữ đang mang thai. Truyền thông nước này đưa tin doanh số bán các sản phẩm liên quan đến thai kỳ đã tăng lên, bắt đầu từ cuối năm ngoái.
Nhà kinh tế Naci H Mocan bình luận: “Là các nhà kinh tế, chúng tôi nghĩ rằng năm Rồng sẽ chứng kiến nhiều đứa trẻ ra đời hơn, trường lớp sẽ đông hơn, tỷ lệ học sinh - giáo viên sẽ cao hơn”.
Tuy nhiên, nguyên nhân khiến nhiều cặp vợ chồng trì hoãn sinh con – như chi phí sinh hoạt cao, tiền lương và triển vọng nghề nghiệp trì trệ, những kỳ vọng cố hữu về giới tính – vẫn còn là vấn đề rất nan giải.
“Có con vào năm Rồng có khiến việc nuôi dạy chúng ít tốn kém hơn không?”, một người bình luận trên Weibo.
Báo Tin Tức