MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chỉ số giá sản xuất bình quân sáu tháng các ngành đều giảm

Theo Báo cáo từ Tổng cục Thống kê, mặc dù chỉ số giá sản xuất các ngành hàng nông, lâm nghiệp, thủy sản và ngành công nghiệp trong quý 2 đều tăng, song tính bình quân sáu tháng vẫn giảm so với cùng kỳ, tương ứng 0,46% và 1,15%.

Giá nguyên liệu tăng

Cụ thể, chỉ số giá sản xuất hàng nông, lâm nghiệp và thủy sản quý 2 tăng 2,17% so với quý 1 và tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2015. Song, chỉ số bình quân sáu tháng đầu lại có mức giảm 0,46% so với cùng kỳ.

Theo đó các nhóm sản phẩm chính đều tăng so với quý trước, như sản phẩm nông nghiệp tăng 2,42%, nhóm sản phẩm lâm nghiệp tăng 0,44% và sản phẩm thủy sản tăng 1,56%.

Theo bà Vũ Thị Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, góp phần làm tăng chỉ số giá sản xuất nông nghiệp phải kể đến các mặt hàng thóc, mía, cây ăn quả, hạt điều, cao su, sản phẩm chăn nuôi gia súc....

Về giá thóc, vụ lúa Đông Xuân năm nay ở đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng lớn bởi tình trạng xâm nhập mặn, trong đó nhiều tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề, diện tích xuống giống gần như mất trắng (như Bến Tre, Trà Vinh, Kiên Giang,....) khiến giá tăng cao.

Trong bối cảnh hạn hán, nông dân sản xuất mía cũng gặp khó khăn, năng suất giảm, chất lượng mía thấp. Bên cạnh đó, xu hướng tăng giá sản phẩm đường trên thế giới cũng kéo giá đường trong nước tăng. Do đó, giá mía nguyên liệu sản xuất đường bình quân tăng lên từ 28.000 đồng – 33.000 đồng/tấn.

“Ngoài ra, giá sản phẩm gia súc tăng do thu mua thịt lợn hơi với giá cao để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đã đẩy giá thành sản phẩm này tăng cao đột biến,” bà Thủy nói.

Về nhóm sản phẩm lâm nghiệp, chỉ số giá tăng 0,44% so quý trước, tăng 2,83% so cùng kỳ năm trước, bình quân sáu tháng tăng 3,21% so với cùng kỳ năm trước.

Đối với nhóm sản phẩm thủy sản, mặc dù chỉ số giá tăng 1,56% so quý trước song lại giảm 0,91% đồng thời bình quân sáu tháng giảm 2,16% so với cùng kỳ.

Bà Thủy nhấn mạnh một số nguyên nhân khách quan tác động lên chỉ số giá nhóm thủy sản, khiến chỉ số giá nhóm sản phẩm khai thác giảm 1,97% trong khi chỉ số tại nhóm nuôi trồng tăng 3,92%. Cụ thể, hiện tượng cá biển chết hàng loạt ở vùng biển miền Trung khiến người dân hạn chế sử dụng thủy hải sản biển khai thác chuyển sang tiêu dùng các sản phẩm thủy sản nuôi trồng. Bên cạnh đó, tình tình hình thời tiết bất lợi như hạn hán, xâm nhập mặn gây ảnh hưởng rất lớn đến các hộ nuôi tôm nên đã tác động đến giá bán các sản phẩm nuôi trồng.

Nhóm khai khoáng dẫn đầu mức giảm

Báo cáo Tổng cục Thống kê cho biết, chỉ số giá sản xuất hàng công nghiệp quý 2 mặc dù tăng 0,07% so với quý 1, song vẫn giảm 1,29% và bình quân sáu cũng giảm 1,15% so với cùng kỳ.

Riêng nhóm sản phẩm khai khoáng, chỉ số giảm trong quý giảm 2,39% so với quý trước, kéo mức giảm xuống 10,89% so đồng thời bình quân sáu tháng rơi 10,34% so với cùng kỳ.

Về điều này, bà Ngọc cho rằng, nguyên nhân chủ yếu bắt nguồn từ sự giảm giá tại các sản phẩm than (theo Quyết định số 72/QĐ-TKV của Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam về việc ban hành giá mua than áp dụng từ ngày 01/01/2016) và quặng kim loại.

Bên cạnh đó, chỉ số giá nhóm sản phẩm công nghiệp chế biến chế tạo có mức tăng nhẹ 0,37% so với quý 1 nhưng vẫn giảm 0,25% và bình quân sáu tháng giảm 0,54% so với cùng kỳ.

Đối với nhóm dịch vụ, chỉ số giá sản xuất có mức tăng 0,8% so với quý trước, tăng 2,12%, bình quân sáu tháng tăng 1,98% so với cùng kỳ.

Theo người đứng đầu Vụ Thống kê giá, chỉ số giá sản xuất dịch vụ quý 2 tăng là do trong quý có ngày nghỉ Lễ 30/4-1/5 khiến nhu cầu ăn uống, nghỉ ngơi, giải trí, du lịch tăng. Thêm vào đó, việc thực hiện Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC của Bộ Y tế - Bộ Tài chính về tăng giá dịch vụ y tế đối với người có bảo hiểm y tế làm chỉ số giá dịch vụ y tế tăng.

“Ngoài ra, một số trường học đã tăng học phí vào cuối học kỳ II năm học 2015-2016 theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ tác động làm chỉ số giá hoạt động giáo dục và đào tạo tăng,” bà Thủy cho biết./.

Theo Hạnh Nguyễn

Vietnam+

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên