MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chỉ số P/B là gì?

Chỉ số P/B là gì?

Chỉ số P/B cho biết thị giá cổ phiếu hiện đang cao gấp bao nhiêu lần so với giá trị ghi sổ của doanh nghiệp. Nhà đầu tư sẽ so sánh chỉ số P/B với đối thủ cạnh tranh và so với mức trung bình ngành, từ đó đưa ra kết luận liệu cổ phiếu đó có đang bị định giá thấp hay không.

Chỉ số P/B (Price to Book ratio) là chỉ số tài chính rất quan trọng trong quá trình định giá doanh nghiệp. Chỉ số này được sử dụng để so sánh giá trị thực tế của một cổ phiếu với giá trị ghi sổ của chính cổ phiếu đó.

Công thức tính:

Chỉ số P/B là gì? - Ảnh 1.

Trong đó:

- Giá trị ghi sổ của cổ phiếu được xác định bằng: (Tổng giá trị tài sản – Tài sản cố định vô hình – Nợ phải trả) / Số lượng cổ phiếu đang lưu hành.

Tuy nhiên giá trị tài sản vô hình thường không được thể hiện ở phần lớn BCTC của các doanh nghiệp, do đó có thể tạm coi Giá trị ghi sổ của cổ phiếu = (Tổng giá trị tài sản  – Nợ phải trả) / Số lượng cổ phiếu đang lưu hành = Vốn chủ sở hữu / Số lượng cổ phiếu đang lưu hành.

- Giá thị trường của cổ phiếu là giá đóng cửa tại phiên gần nhất của cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.

Chỉ số P/B cho biết thị giá cổ phiếu hiện đang cao gấp bao nhiêu lần so với giá trị ghi sổ của doanh nghiệp. Nhà đầu tư sẽ so sánh chỉ số P/B với đối thủ cạnh tranh và so với mức trung bình ngành, từ đó đưa ra kết luận liệu cổ phiếu đó có đang bị định giá thấp hay không.

Ví dụ: Giá chốt phiên 30/9/2021 của cổ phiếu VCB là 98.200 đồng/cổ phiếu. 

Tại thời điểm 30/9/2021, Vốn chủ sở hữu của VCB là 109.526.852 triệu đồng, lượng cổ phiếu đang lưu hành là 3.708.877.448 cổ phiếu

Giá trị sổ sách của cổ phiếu VCB = 109.526.852/3.708.877 = 29.595 đồng/cổ phiếu. Chỉ số P/B = 98,2/29,595 = 3,32 lần

Có nghĩa thị giá cổ phiếu VCB trên sàn chứng khoán cao gấp 3,32 lần giá trị sổ sách của cổ phiếu đó.

Chỉ số P/B là gì? - Ảnh 2.

Diễn biến cổ phiếu VCB 1 năm gần đây

Chỉ số P/B là gì? - Ảnh 3.

Nguồn BCTC quý 3/2021 của VCB

Khi chỉ số P/B cao đồng nghĩa với việc thị trường đang kỳ vọng rất tốt về triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp trong tương lai. Do vậy, các nhà đầu tư sẵn sàng bỏ ra một số tiền cao hơn giá trị ghi sổ của doanh nghiệp để có thể sở hữu nó.

Ngược lại, khi chỉ số P/B ở mức thấp tương ứng hai trường hợp sẽ xảy ra: (1) hoặc là thị trường đang nghĩ rằng không mấy khả quan về tình hình kinh doanh của doanh nghiệp, do đó chỉ bỏ ra mức giá thấp để mua cổ phiếu; (2) hoặc có thể lợi nhuận công ty đang tăng nhanh hơn so với những gì thị trường kỳ vọng.

Hạn chế của chỉ số P/B

Theo công thức, chỉ số P/B chỉ xét đến các giá trị tài sản hữu hình mà bỏ qua các giá trị tài sản vô hình của doanh nghiệp như: thương hiệu, phát minh sáng chế, tài sản trí tuệ… Trong khi lợi nhuận cũng như giá trị cổ phiếu chịu tác động rất lớn từ chính những giá trị tài sản vô hình này.

Chính bởi lý do này, chỉ số P/B rất phù hợp trong việc định giá những công ty có phần lớn tài sản có tính thanh khoản cao, như ngân hàng, công ty tài chính, bảo hiểm và các công ty đầu tư... do hiệu quả quản lý giữa tài sản và nguồn vốn huy động càng cao thì mức độ sinh lời càng cao. Ngược lại, chỉ số này không phù hợp để định giá cổ phiếu của các công ty dịch vụ - nơi mà tài sản vô hình như con người, độ trung thành của khách hàng… rất khó để định lượng.

Mặt khác, giá trị ghi sổ đôi khi không phản ánh đúng giá trị thị trường của khối tài sản thuộc sở hữu của doanh nghiệp. Có thể lấy minh hoạ bằng việc bất động sản đất đai có thể tăng giá lên gấp bằng lần chỉ sau một vài năm, dẫn tới giá trị tài sản đem ra tính toán bị thấp. Chính vì vậy, nhà đầu tư chỉ sử dụng chỉ số P/B để đưa ra kết luận về định giá cổ phiếu của một doanh nghiệp là điều không hoàn toàn chính xác.

Phương Linh

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên